Cần tăng cường kiểm tra, giám sát bầu cử để bảo đảm các ứng cử viên được bình đẳng

Thứ ba, 17/05/2016 11:06
(ĐCSVN) - Theo PGS. TS Lê Minh Thông - Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia, cần tăng cường kiểm tra, giám sát bầu cử để bảo đảm các ứng cử viên được bình đẳng, ngăn chặn trường hợp dùng tiền, dùng vị trí của mình để lấy phiếu cử tri…

 Phóng viên (PV): Vận động bầu cử của các ứng cử viên đang đi vào giai đoạn nước rút. Một trong những vấn đề được cử tri quan tâm là  làm thế nào để các ứng cử viên bình đằng, không phân biệt quan chức hay dân thường, thưa ông?

PGS.TS Lê Minh Thông: Các ứng cử viên xuất thân từ các vị trí rất khác nhau, từ các ngành nghề, môi trường cũng rất khác nhau nên khả năng tranh cử, vận động bầu cử cũng rất khác nhau.

PGS, TS Lê Minh Thông. (Ảnh: Hà Phong).

Cho nên, trách nhiệm của chúng ta hiện nay rất lớn, đặc biệt là Mặt trận Tổ quốc phải tổ chức như thế nào, giới thiệu ra sao để các ứng cử viên tự tin nhất trong quá trình vận động bầu cử mà không quá mặc cảm về chức vụ của mình, vị trí công tác của mình trước cử tri.

Các ứng cử viên phải được bình đẳng trong trao đổi tiếp xúc cử tri, bình đẳng trong việc sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng, bình đẳng trong việc trả lời phỏng vấn để truyền tải được thông điệp của họ, không phân biệt người đó là lãnh đạo cao hay lãnh đạo thấp, người đó có chức vụ hay không có chức vụ.

PV:
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến tỏ ra lo ngại, trong quá trình vận động bầu cử, những ứng cử viên có tiềm lực kinh tế hơn sẽ có điều kiện để “hứa” và “mua phiếu” cử tri?

PGS.TS Lê Minh Thông:
Các năm trước cũng có hiện tượng như vậy! Lần này chúng ta rút kinh nghiệm nên hết sức tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bầu cử.

Luật đã quy định rõ 4 điều cấm trong việc vận động bầu cử. Trong đó có 2 điều cấm rất quan trọng là không được lợi dụng vận động bầu cử đề yêu cầu tài trợ, cũng như không được sử dụng các biện pháp như: Hứa tài trợ, cung cấp tiền để vận động bầu cử.

Chúng ta kiểm tra, giám sát, bảo đảm thực hiện nghiêm túc các quy định về bầu cử để các ứng cử viên được bình đẳng với nhau về phương tiện, bình đẳng với nhau về tiềm lực, ngăn chặn trường hợp dùng tiền, dùng vị trí của mình để lấy phiếu cử tri, làm phương hại đến quyền bình đẳng của các ứng cử viên khác.

Ở đây, các ứng cử viên cũng phải phát huy năng lực của mình, chủ động, tích cực, sử dụng các cơ hội mà pháp luật trao cho mình để vận động tốt nhất, giới thiệu tốt nhất hình ảnh của mình trước cử tri. Vấn đề này phụ thuộc vào các ứng cử viên và không ai làm thay các ứng cử viên được.

PV:
Thực tế cho thấy, vẫn còn tình trạng bầu hộ, bầu thay, bầu theo cảm tính. Vậy, theo ông, cần có giải pháp gì để khắc phục tính hình thức hay bệnh thành tích trong bầu cử, để người dân thực sự lựa chọn được các đại biểu có tâm, có tài, đại diện cho nguyện vọng, ý chí của cử tri?

PGS.TS Lê Minh Thông:
Chúng ra đang cố gắng khắc phục tình trạng này. Tôi nghĩ, quan trọng nhất, là làm cho mỗi người dân hiểu rõ được tầm quan trọng của quyền bầu cử, để mỗi cử tri ý thức được rằng, bầu cử là quyền chính trị quan trọng bậc nhất mà họ có được trong một chính thể dân chủ.

Khi người dân thấy được tầm quan trọng, trách nhiệm chính trị của mình là đi bầu những người thay mặt cho mình quản trị quốc gia, thì họ sẽ tự giác. Điều này không chỉ đặt lên vai các cấp chính quyền, các tổ chức bầu cử mà còn trên vai các cơ quan truyền thông. Các cơ quan truyền thông phải vào cuộc và vào cuộc tích cực, hiệu quả thì hiện tượng bầu hộ, bầu thay, hay cứ chọn đại đi sẽ từng bước khắc phục.

Tôi tin rằng, cử tri rất thông minh, sẽ sáng suốt lựa chọn những đại biểu chính xác. Và để tránh hình thức, không phải chỉ có Hội đồng bầu cử, Ban bầu cử, Tổ bầu cử giám sát mà bản thân các cử tri, các ửng cử viên, báo chí cũng phải giám sát để cuộc bầu cử diễn ra công khai, công bằng và minh bạch.

PV:
Thực tế, các ứng cử viên được Trung ương giới thiệu về các đơn vị bầu cử ở địa phương ít có điều kiện để hiểu rõ tình hình địa bàn, trong khi cử tri không nắm rõ thông tin. Làm thế nào để những ứng cử viên được Trung ương giới thiệu có chương trình hành động phù hợp với tình hình ở địa phương, tạo được niềm tin cho cử tri để cử tri bầu cho họ?

PGS.TS Lê Minh Thông:
Đúng là một trong những hạn chế thấy rõ, các ứng cử viên đang công tác ở các cơ quan Trung ương được giới thiệu về các đơn vị bầu cử ở địa phương để ứng cử ít có điều kiện để hiểu rõ tình hình địa bàn đó. Có thể, lần đầu tiên về vùng đó nên các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa, tập tục, truyền thống, các ứng cử viên chưa nắm được một cách đầy đủ như những ứng cử viên sở tại.

Đây rõ ràng là một thách thức. Thách thức này đặt ra, đơn vị bầu cử ở địa phương phải tạo điều kiện, giúp cho các ứng cử viên có cơ hội tìm hiểu về kinh tế, xã hội, văn hóa, tập quán, thậm chí cả tâm lý cử tri của đơn vị bầu cử.

Đồng thời, các ứng cử viên cũng phải chủ động tìm hiểu tình hình của địa phương nơi mình về ứng cử để nắm bắt cụ thể, kịp thời, sâu sát những vấn đề đặt ra ở địa phương để có những giải pháp, phương thức vận động bầu cử thích hợp.

PV:
Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực