Cảnh giác trước cạm bẫy của các đối tượng buôn, bán người

Thứ năm, 02/11/2023 21:30
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
​(ĐCSVN) - Thời gian qua, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm về mua bán người diễn biến phức tạp, ngày càng nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng, với tính chất, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, mang tính vô nhân đạo…

Theo báo cáo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, qua các số liệu và kết quả khảo sát thực tế tại các địa phương cho thấy, trong thời gian qua, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm về mua bán người diễn biến phức tạp, ngày càng nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng, với tính chất, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, mang tính vô nhân đạo, có sự câu kết chặt chẽ giữa các đối tượng ở trong nước với nước ngoài, được thực hiện bởi các đối tượng chuyên nghiệp, có tiền án, tiền sự về tội phạm mua bán người.

Đặc biệt, xuất hiện nhiều đường dây phạm tội mua bán người với các thủ đoạn như “việc nhẹ, lương cao”, tổ chức cho nạn nhân vượt biên để ép buộc làm việc bất hợp pháp trên nước bạn, muốn về nước phải trả một khoản tiền chuộc lớn. Hay như lợi dụng thủ tục đơn giản trong việc kết hôn với người nước ngoài, cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, du lịch, thăm thân... tháng để tổ chức cho nạn nhân ra nước ngoài, sau đó thu giữ giấy tờ tùy thân, bán sang tay nhiều chủ để cưỡng bước lao động, cưỡng bức mại dâm, ép thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.... Lợi dụng quy định về hiến, ghép tạng, các đối tượng tìm gặp những nạn nhân khó khăn về kinh tế có nhu cầu bán nội tạng, thương lượng mua với giá rẻ, làm giả giấy tờ, con dấu, sau đó bán cho người bệnh với giá cao.

Nâng cao cảnh giác trước cạm bẫy của các đối tượng buôn, bán người. Ảnh minh hoạ.

Nguồn: TL

Nếu như trong giai đoạn trước đây, từ 2012-2020, mua bán người chủ yếu là mua bán người ra nước ngoài (chiếm trên 85% số vụ); trong thời gian gần đây xuất hiện ngày càng nhiều vụ mua bán người ở trong nước (riêng năm 2022, số vụ mua bán trong nước chiếm trên 45% tổng số vụ). Đã xuất hiện tình trạng mua bán thai nhi, mua bán nam giới để cưỡng bức lao động trên tàu cá. Ở một số nơi, nổi lên tình trạng mua bán trẻ sơ sinh núp bóng tinh vi các tổ chức mang danh thiện nguyện tự phát. Ngoài ra, nước ta không những là nơi xuất phát tội phạm nguồn mà còn là địa bàn trung chuyên mua bán người từ một số nước trong khu vực đi nước thứ ba.

Còn theo báo cáo của Bộ Công an, trong 05 năm (từ ngày 01/01/2018 đến 31/12/2022), trên cả nước đã phát hiện 394 vụ với 837 đối tượng vi phạm pháp luật và tội phạm về mua bán người, trong đó xử lý hình sự 386 vụ với 808 đối tượng. Cơ quan có thẩm quyền của Bộ Quốc phòng đã khởi tố và chuyển sang cơ quan điều tra có thẩm quyền 54 vụ với 68 đối tượng. Đây là loại tội phạm có độ ẩn cao, xảy ra ở hầu hết các địa phương, trong đó tập trung ở một số tỉnh có đường biên giới với các nước láng giềng, nhất là ở vùng núi phía Bắc.

Riêng trong Quý III/2023, lực lượng Công an đã tiếp nhận, giải quyết 92 tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố liên quan đến tội phạm mua bán người; phát hiện, điều tra 85 vụ/230 đối tượng phạm tội mua bán người xác định 224 nạn nhân bị mua bán.

Nguyên nhân được chỉ ra như: nước ta có đường biên giới dài, có nhiều đường mòn, đường tiểu ngạch thuận lợi cho người dân qua lại hai bên biên giới. Nước ta tăng cường mở cửa hội nhập quốc tế nên việc đi lại, thông thương, giao lưu quốc tế của người dân ngày càng thuận lợi, cũng là điều kiện để đối tượng tội phạm lợi dụng lừa bán người qua biên giới.

Thêm vào đó, tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, phân hóa giàu nghèo, chênh lệch phát triển giữa thành thị và nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa; tình trạng thiếu việc làm và do tác động của phong tục, tập quản nên một bộ phận người dân bị đối tượng mua bán người dụ dỗ, lừa gạt. Hậu quả của đại dịch COVID-19 đã khiến cho nhiều gia đình lâm vào hoàn cảnh khó khăn, nhiều người không có việc làm, dẫn đến tình trạng mua bán người trong nội địa gia tăng được trá hình dưới hình thức hợp đồng lao động, thiết thực chất là bị bán vào các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, cơ sở lao động với đồng lương ít ỏi và bị bóc lột sức lao động. Mặt khác, tội phạm mua bán người trên thế giới diễn ra phức tạp.

Ở khía cạnh khác, công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội ở một số lĩnh vực như quản lý người nước ngoài, xuất nhập cảnh, hôn nhân có yếu tố nước ngoài, cho nhận con nuôi,... còn sơ hở, để tội phạm mua bán người lợi dụng hoạt động. Lực lượng có chức năng trực tiếp trong phòng, chống mua bán người (Công an, Biên phòng) còn mỏng, chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm, trong khi địa bản rộng, phải quản lý nhiều lĩnh vực có nguy cơ xảy ra mua bán người.

Thực tế cho thấy, số lượng các vụ phạm tội mua bán người  được phát hiện, điều tra, xử lý chưa tương xứng với tình hình thực tế. Trong khi đó, số lượng các vụ án được phát hiện xử lý thông qua chủ động nắm tình hình còn rất ít. Vì vậy, vấn đề đặt ra cần nâng cao hiệu quả công tác quản lý trên địa bàn, quản lý dân cư, chủ động phát hiện, ngăn chặn hoạt động của tội phạm mua bán người.

Theo Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an: Tội phạm mua bán người là loại tội phạm có độ ẩn cao và có khả năng xảy ra trên các địa bàn như khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc ít người; trên các lĩnh vực như cho nhận con nuôi, kết hôn có yếu tố nước ngoài; đẻ thuê; cho, hiến tạng; xuất khẩu lao động, di cư (hợp pháp hoặc bất hợp pháp) ra nước ngoài lao động làm thuê, du lịch, chữa bệnh, thăm thân...

Trong Quý III/2023, tình hình tội phạm mua bán người tại Việt Nam tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp.

Để chủ động phòng tránh với tội phạm mua bán người, Bộ Công an khuyến cáo, người dân cần nâng cao cảnh giác, nhất là đối với các hành vi thủ đoạn sau:

Tội phạm mua, bán người thường dùng tên, tuổi, địa chỉ giả; thường xuyên không cung cấp hình ảnh, số điện thoại; liên lạc chủ yếu qua mạng xã hội như Zalo, Facebook…

 Hay đối tượng không hẹn gặp trực tiếp, chủ yếu hướng dẫn, liên lạc qua điện thoại, đặc biệt là các đối tượng dùng nhiều số điện thoại khác nhau, hoặc liên lạc qua mạng xã hội. Dụ dỗ, hứa hẹn tìm những công việc nhẹ, lương cao, lấy chồng nước ngoài để có cuộc sống giàu sang. Các đối tượng yêu cầu nạn nhân cung cấp hình ảnh thông tin, địa chỉ để tổ chức xem mặt chọn vợ. Giả danh lực lượng chức năng để đe dọa nạn nhân, không hẹn làm việc tại các cơ quan nhà nước mà hướng dẫn gặp riêng bên ngoài. Công việc, địa điểm làm việc mà các đối tượng dụ dỗ, hứa hẹn đưa nạn nhân đến làm việc thường không có địa chỉ cụ thể…

Bộ Công an khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác khi phát hiện các dấu hiệu tội phạm mua, bán người cần chủ động tố giác tội phạm, phối hợp đấu tranh ngăn chặn với loại tội phạm này./.

 

Vy Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực