Cảnh giác với thủ đoạn mạo danh thương hiệu du lịch để lừa đảo

Thứ tư, 06/11/2024 20:01
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Cơ quan chức năng khuyến nghị người dân trước khi lựa chọn dịch vụ đặt tour, đặt phòng khách sạn, xin làm cộng tác viên du lịch cần tìm hiểu kỹ thông tin, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch, lữ hành uy tín hoặc đặt phòng du lịch có sẵn trên các ứng dụng để không trở thành nạn nhân của các thủ đoạn mạo danh thương hiệu du lịch nhằm lừa đảo, trục lợi bất chính.

Ngày 6/11, thông tin từ Hiệp hội Du lịch tỉnh Lào Cai cho biết, đơn vị vừa gửi công văn đến các cơ quan chức năng tại địa phương và Trung ương đề nghị có biện pháp ngăn chặn kịp thời các đối tượng xấu mạo danh khách sạn, nhà hàng ở Sa Pa để lừa đảo. Tình trạng này đã ảnh hưởng lớn tới uy tín du lịch trong nước, đặc biệt tới du khách người nước ngoài, làm tổn hại tới khách hàng và uy tín các doanh nghiệp làm dịch vụ du lịch.

Trước đó, Bộ Công an cũng đã cảnh báo về thủ đoạn lập fanpage giả mạo khách sạn chiếm đoạt tiền cọc của khách hàng. Theo đó, các đối tượng lừa đảo thường tạo ra những trang web, fanpage có giao diện gần giống trang web, fanpage của các khách sạn; thậm chí còn có cả số điện thoại đường dây nóng để tư vấn khách hàng. Sau khi nhận được tiền đặt cọc hoặc thanh toán trước, các đối tượng sẽ chặn mọi liên lạc, khiến du khách lâm vào cảnh “tiền mất tật mang”. Nhiều khách sạn đã tự đăng thông tin cảnh báo nhưng nhiều trang giả mạo vẫn khiến khách vẫn bị nhầm lẫn.

 Trang fanpage giả mạo có giao diện giống như thật. (Ảnh chụp màn hình).

Các đối tượng lừa đảo thường lựa những khách sạn, resort để giả mạo nhằm gây lòng tin với khách hàng. Đáng chú ý, khi trao đổi với khách, đối tượng lừa đảo nhiệt tình tư vấn về các dịch vụ cũng như đưa ra mức giá vô cùng hợp lý. Nhằm chiếm được niềm tin của khách, đối tượng lừa đảo sẽ gửi kèm với nhiều hình ảnh đẹp, thậm chí có cả nhận xét (review) của khách hàng khác nhằm gia tăng mức độ uy tín. Khi đã chiếm được lòng tin của khách, các đối tượng sẽ yêu cầu khách nhanh chóng chuyển tiền đặt cọc với lý do khách sạn, nhà nghỉ quá tải, nếu không đặt trước sẽ không giữ được phòng.

Ngoài thủ đoạn chiếm đoạt tiền cọc đặt phòng, các đối tượng lừa đảo còn mạo danh các công ty du lịch đăng bài tuyển dụng cộng tác viên làm việc, nhân viên bán hàng nhằm mục đích lừa đảo và chiếm đoạt tài sản.

Các đối tượng lừa đảo mạo danh công ty du lịch tuyển dụng cộng tác viên. (Ảnh chụp màn hình).

Cơ quan công an khuyến nghị người dân, trước khi lựa chọn dịch vụ đặt tour, đặt phòng khách sạn, xin làm cộng tác viên du lịch cần tìm hiểu kỹ thông tin (chú ý kiểm tra tính minh bạch của trang fanpage), lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch, lữ hành uy tín hoặc đặt phòng du lịch có sẵn trên các ứng dụng.

Khi đã kiểm tra chính xác thông tin liên hệ, cần tìm hiểu kỹ chính sách đặt, hủy tour; yêu cầu khách sạn chuyển thông tin xác nhận đặt phòng. Đồng thời, người dân có thể đề nghị đơn vị cung cấp dịch vụ cho xem các Giấy phép hoạt động kinh doanh tại địa phương đang liên hệ đặt phòng.

Bên cạnh đó, một đặc điểm điểm cần chú ý nhận biết là trên các fanpage chính thống của khách sạn thường dùng số điện thoại tổng đài cố định, khách sạn sẽ bố trí với nhân viên được đào tạo chuyên nghiệp để nhận thông tin, tư vấn dịch vụ cho khách hàng; còn các trang fanpage giả mạo thường chỉ sử dụng số điện thoại di động để liên hệ./.

Nguyễn Thị Phượng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực