"Cởi trói” và tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp phát triển
Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đánh giá cao Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 với nhiều quy định “đột phá” như bỏ những điều liên quan đến quản trị doanh nghiệp, đưa ra nguyên tắc xác định rõ tiền vốn của Nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp thì trở thành tiền vốn của doanh nghiệp, để không nhầm lẫn với vốn nhà nước. Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị cần rà soát, hoàn thiện các quy định nhằm tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp nhà nước phát triển.
Theo đại biểu Nguyễn Việt Hà (Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang), Dự thảo Luật còn những quy định chưa thực sự “cởi trói” cho DNNN, còn hạn chế quyền tự chủ, cạnh tranh bình đẳng của những doanh nghiệp này. Dự thảo Luật quy định cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn là cấp phê duyệt. Việc này sẽ hạn chế quyền chủ động, sáng tạo trong định hướng và triển khai các giải pháp kinh doanh của doanh nghiệp, tạo thủ tục hành chính không cần thiết khiến doanh nghiệp có thể bỏ lỡ cơ hội kinh doanh. Đại biểu đề nghị chỉnh sửa lại nội dung này theo hướng giao quyền chủ động cho doanh nghiệp tự quyết định, tự chịu trách nhiệm, Nhà nước thực hiện quyền quản lý đối với nội dung này thông qua việc giao các chỉ tiêu kinh doanh trọng yếu cho doanh nghiệp như tốc độ tăng trưởng, lợi nhuận, nghĩa vụ nộp ngân sách…
|
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai |
Cùng quan tâm vấn đề này, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) đề nghị rà soát lại toàn bộ để giảm bớt các quy định mang tính chất hành chính, trình tự, thủ tục trong Luật, qua đó "cởi trói” và tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp phát triển. Trong khi đó, đại biểu Triệu Quang Huy (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm quy định về doanh nghiệp có chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Theo đó, cần tách bạch được chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước của các Bộ quản lý ngành và địa phương, qua đó giảm thiểu được các quy trình, thủ tục phức tạp. “Công tác quản trị doanh nghiệp và tái cơ cấu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp được thực hiện một cách chuyên nghiệp giúp doanh nghiệp nắm bắt cơ hội kinh doanh, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như hiệu quả quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp” - đại biểu nêu quan điểm.
Đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) đề nghị, Dự thảo Luật cần làm rõ thế nào là quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, thế nào là vốn nhà nước tại doanh nghiệp, vốn này là gì, nằm ở đâu? Nếu không rõ các khái niệm này thì không thể có quy định về phương thức quản lý tương ứng, phù hợp để thực hiện chức năng quản lý nhà nước, tách bạch với chức năng kinh doanh của doanh nghiệp.
Tiền nhà nước đầu tư đến đâu phải quản lý đến đó
Theo đề xuất của Chính phủ, Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp áp dụng cho các đối tượng doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50%, không quy định đối với các doanh nghiệp sở hữu vốn nhà nước dưới 50%. Tuy nhiên, nhiều ĐBQH bày tỏ băn khoăn về quy định này.
|
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh) |
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh) đặt vấn đề, nếu không quy định đối với các doanh nghiệp sở hữu vốn nhà nước dưới 50% thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm quản lý, thi hành và theo dõi, phần vốn của Nhà nước trong các doanh nghiệp này sẽ được quản lý, sử dụng như thế nào, phần lợi nhuận thu được từ đầu tư, sử dụng vốn sẽ ra sao và chế tài xử lý vi phạm thế nào…
Đại biểu đề nghị mở rộng phạm vi quản lý đối với doanh nghiệp có dưới 50% vốn Nhà nước, đồng thời quy định về nguyên tắc quản lý dòng tiền của Nhà nước đi tới đâu, Nhà nước theo dõi và quản lý tới đó và chỉ quản lý dựa theo nguyên tắc là tỷ lệ vốn chủ sở hữu cổ phần. Có như vậy, mới đảm bảo được nguyên tắc quản trị tài chính.
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cũng đề nghị bổ sung quy định doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về đầu ra từ việc sử dụng vốn nhà nước để kinh doanh. “Loại trừ doanh nghiệp thực hiện mục tiêu công ích của Nhà nước thì các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng hiệu quả vốn nhà nước, đảm bảo đạt lợi ích kinh tế (có loại trừ trường hợp rủi ro do nguyên nhân khách quan như thiên tai, địch hoạ, hay cú sốc từ kinh tế, chính trị, xã hội). Nếu không quy định trách nhiệm này, doanh nghiệp chỉ cần bảo toàn đủ vốn là đạt yêu cầu" - đại biểu nhấn mạnh.
Đồng quan điểm trên, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội) cho rằng, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng chỉ đối với doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ chưa phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu tiền nhà nước đầu tư đến đâu phải quản lý đến đó. “Cần phải mở rộng đối tượng, đưa các yêu cầu có tính nguyên tắc vào quản lý, giám sát đối các doanh nghiệp có vốn đầu tư dưới 50% và cả những doanh nghiệp F2, F3 là những doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước đầu tư vốn” - đại biểu Cường nói.
Nhấn mạnh vốn chủ sở hữu là vốn của Nhà nước, của nhân dân, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn ĐBQH Quảng Nam) cũng đề nghị, Luật cần có quy định để kiểm soát chặt chẽ đồng tiền của Nhà nước; trong đó, phải nghiên cứu đến các doanh nghiệp F2, F3 để tránh câu chuyện F1 dùng tiền của Nhà nước đem đi đầu tư dàn trải, không hiệu quả ở các lĩnh vực khác./.