|
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp (Ảnh: quochoi.vn) |
Sáng ngày 20/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 44. Theo chương trình, Phiên họp lần thứ 44 diễn ra từ ngày 20/4 đến 28/4/2020.
Ngay sau phát biểu khai mạc phiên họp của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần hai đối với dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Chỉ tập trung đầu tư PPP ở những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm
Báo cáo tại phiên họp, về lĩnh vực đầu tư dự án PPP, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng thu hẹp lĩnh vực, chỉ tập trung đầu tư PPP ở những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, quan tâm đến các dự án lớn có tính liên kết vùng miền, tính lan toả đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương.
Để phù hợp với thực tiễn, dự thảo Luật quy định nguyên tắc chung, chỉ rõ 5 nhóm lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP bao gồm: Giao thông vận tải; Nhà máy điện, lưới điện; Cung cấp nước sạch, thoát nước và xử lý nước thải, xử lý chất thải; Y tế, giáo dục - đào tạo; Hạ tầng công nghệ thông tin.
Đồng thời, nhằm bảo đảm tính linh hoạt trong triển khai trên thực tế, bổ sung quy định để xử lý tình huống phát sinh dự án ngoài lĩnh vực quy định nhưng cần thiết, đáp ứng 4 điều kiện và có khả năng thực hiện đầu tư theo phương thức PPP, cơ quan có thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện đầu tư theo phương thức PPP.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi với một số lĩnh vực khác.
Thảo luận tại Phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị có thể xem xét mở rộng thêm, ví dụ hệ thống thủy lợi có thể đầu tư theo hình thức PPP sẽ thu hút nhà đầu tư. Đồng thời đề nghị khái niệm nhà máy điện nên ghi theo lĩnh vực sản xuất điện hoặc công nghiệp điện để hiểu cho rõ ràng hơn.
Trình bày thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định nguyên tắc là lĩnh vực nào doanh nghiệp làm được thì để doanh nghiệp làm. Tuy vậy, theo Bộ trưởng, hiện có một số dự án nhà nước chưa có điều kiện để đầu tư, doanh nghiệp muốn làm nhưng lại muốn có sự tham gia của nhà nước. "Các dự án điện, nước thì nhà đầu tư muốn làm và làm được, nhưng muốn có sự tham gia của nhà nước để đảm bảo chia sẻ, giải phóng mặt bằng…" – Bộ trưởng ví dụ.
Đối với các dự án vùng sâu, vùng xa, Bộ trưởng cho rằng rất khó thu hút đầu tư, nên để ở đầu tư công. Bởi dự án đầu tư thu lại qua phí dịch vụ, qua giá thu của dân nghèo rất khó nên khó bảo đảm phương án tài chính, khó thực hiện.
Chia sẻ cả tăng, giảm doanh thu
Một trong những vấn đề được quan tâm là chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư.
Theo ông Vũ Hồng Thanh, với bản chất dài hạn, thời điểm hoàn vốn của dự án PPP có thể lên đến hàng chục năm kể từ thời điểm ký kết hợp đồng dự án. Trên thực tế, dự án PPP chỉ được xác định thua lỗ, mất vốn khi không đạt điểm hoàn vốn (bắt đầu có lãi) theo phương án tài chính. Do đó, dự thảo Luật PPP không tiếp cận theo hướng chia sẻ khi nhà đầu tư dự án PPP thua lỗ, mất vốn, mà chỉ xem xét việc áp dụng chia sẻ khi doanh thu của dự án bị sụt giảm do lỗi từ phía Nhà nước.
Về tỷ lệ, Chính phủ đề xuất theo hướng Nhà nước chia sẻ không quá 50% phần hụt thu và nhà đầu tư chia sẻ không thấp hơn 50% phần tăng thu. Một số ý kiến cho rằng quy định như vậy không rõ, không bảo đảm sự bình đẳng trong mối quan hệ chia sẻ giữa Nhà nước và tư nhân, do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu theo hướng cố định tỷ lệ 50%-50%.
Về mức doanh thu bắt đầu chia sẻ rủi ro, dự thảo Luật hiện đang đề xuất tỷ lệ như sau: Khi doanh thu thực tế chỉ đạt 75% doanh thu trong phương án tài chính trở xuống, với các dự án đủ điều kiện, Nhà nước bắt đầu xem xét, tính toán việc chia sẻ phần giảm doanh thu.
Khi doanh thu thực tế đạt từ 125% doanh thu trong phương án tài chính trở lên, Nhà nước bắt đầu xem xét, yêu cầu nhà đầu tư chia sẻ phần tăng doanh thu. Cơ chế chia sẻ phần tăng doanh thu áp dụng đối với tất cả các dự án PPP.
Giải trình thêm tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: “Chỉ chia sẻ rủi ro khi nhà nước gây ra do yêu cầu phải điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh chính sách tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu, làm giảm nguồn thu, thua lỗ”.
Hơn nữa, điều kiện được chia sẻ rủi ro đã thiết kế rất chặt chẽ. Cụ thể, có 3 điều kiện là: Dự án do cơ quan có thẩm quyền lập; dự án không có sự hỗ trợ cuả nhà nước trong quá trình xây dựng; đã thực hiện đầy đủ các biện pháp điều chỉnh mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ hoặc điều chỉnh thời hạn hợp đồng PPP theo quy định nhưng chưa bảo đảm được mức doanh thu.
Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Dự án Luật cần đảm bảo nguyên tắc thống nhất trong hệ thống pháp luật, ngoài ra cần có những quy định đặc thù để thu hút đầu tư. Trên cơ sở các ý kiến thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị Cơ quan soạn thảo phối hợp với Cơ quan thẩm tra tiếp tục hoàn thiện dự án Luật, đảm bảo toàn diện ở mọi góc độ để trình Quốc hội xem xét thông qua./.