PV: Thưa Bộ trưởng, nhìn lại một năm qua và hơn nửa chặng đường nhiệm kỳ Chính phủ mới đã đi, Bộ trưởng có thể khái quát những điểm nhấn nổi bật trong hoạt động điều hành, chỉ đạo của Chính phủ?
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Trước hết, tinh thần xuyên suốt của Thủ tướng là quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, Chính phủ hành động, liêm chính, nói và làm, hướng tới phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN). Đặc biệt là chấn chỉnh kỷ cương công vụ.
Từ đầu nhiệm kỳ 2016 đến nay là 3 năm, mục tiêu ấy vẫn luôn trải dài trong điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt của người đứng đầu.
Trong đó kiên quyết, kiên trì tập trung cho trọng tâm hàng đầu là ưu tiên hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách. Vì Chính phủ kiến tạo, thượng tôn pháp luật nên vấn đề liên quan đến cơ chế, thể chế, thực thi có ý nghĩa quan trọng. Trong quá trình điều chỉnh, xem xét, rà soát, nhiều văn bản quy phạm pháp luật còn mang tính chồng chéo, nhiệm vụ giao cho các Bộ, ngành, địa phương vẫn còn chồng chéo, ngay cả vấn đề phân cấp, giám sát trách nhiệm người đứng đầu. Năm 2018, công tác này đã rõ nét hơn.
Chính phủ cũng quan tâm phát huy nội lực, chuyển từ những khó khăn thách thức để tạo ra những cơ hội lớn, thu hút vốn tư nhân, tạo cơ chế thu hút các nguồn lực. Trong khi vốn ngân sách nhà nước có hạn thì huy động vốn tư nhân rất quan trọng, vì tư nhân chiếm 40% GDP của cả nước với trên 600 nghìn DN tư nhân.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. (Ảnh: N. Thành).
Đặc biệt, tư tưởng xuyên suốt của Chính phủ và Thủ tướng là chuyển sang Chính phủ phục vụ, rất tận tâm và mang lại hiệu quả, đúng như 10 chữ phương châm hành động năm 2018 là “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”. Phục vụ ở đây là giải quyết xem xét thấu tình đạt lý những vấn đề liên quan đến bức xúc xã hội, bức xúc của người dân chứ không riêng gì những vấn đề liên quan đến điều hành chung.
Chúng ta mừng năm nay các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống tham nhũng được toàn Đảng, toàn dân quan tâm và thực sự có hiệu quả.
Phải cải cách mạnh mẽ liên tục, cương quyết
PV: Văn phòng Chính phủ là cơ quan tham mưu, giúp việc cho Chính phủ, Thủ tướng trong điều hành, chỉ đạo, Bộ trưởng cũng là người trực tiếp “sát cánh” cùng Thủ tướng trong rất nhiều hoạt động. Vậy có khi nào Bộ trưởng cảm thấy quá tải, áp lực trong công việc?
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Bảo không áp lực, không vất vả là nói dối, thực sự rất áp lực. Khi ở vùng miền quê lên làm một vị trí công việc rất quan trọng là tham mưu giúp việc cho Chính phủ, đặc biệt cho Thủ tướng, đây là vấn đề rất quan trọng. Yêu cầu về năng lực và yêu cầu khác có hạn nên trước hết tôi cho là phải tận tuỵ, trung thành. Cả Văn phòng Chính phủ (VPCP) đều được quán triệt tư tưởng này, phải cởi mở, chịu học, chịu lắng nghe, quyết tâm thực hiện đúng tư tưởng chỉ đạo của Thủ tướng, đó là Chính phủ phục vụ, chuyển từ quản lý hành chính để mang tính phục vụ. Không riêng tôi mà tất cả Bộ trưởng đều phải có áp lực như vậy, vì với sự chỉ đạo quyết tâm, tâm huyết và đầy nhiệt huyết như vậy, sự lăn lộn, quyết liệt của Thủ tướng như vậy thì không thể nào các Bộ trưởng, tư lệnh đứng ngoài cuộc được.
Theo đó, áp lực vì đòi hỏi về điều kiện năng lực chuyên môn, về bản lĩnh, trí tuệ, yêu cầu phải cao hơn, đòi hỏi nhiều hơn, tròn trịa hơn, tốt hơn thì mới đáp ứng yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng. Cho nên vất vả mình phải cố gắng, lăn xả vào công việc. Yêu cầu của Thủ tướng quyết liệt như thế thì VPCP phải cải cách, luôn hướng tới hiện tại và chuyên nghiệp, nếu văn phòng chỉ là ông văn thư thì không phải là VPCP. VPCP phải làm gương. VPCP là cơ quan tiên phong, để văn phòng các địa phương học tập về cả điều phối.
Tôi cho rằng, trong một đất nước phát triển phải có sự cạnh tranh quyết liệt, không có cạnh tranh thì không thể phát triển. Không tạo sức ép mạnh từ trên xuống thì không thể lay động, để tạo thay đổi suy nghĩ truyền thống sang sáng tạo thì phải có sức ép, sự quyết liệt từ lãnh đạo, từ người đứng đầu.
PV: Chúng ta đã đẩy mạnh cải cách, nhưng rào cản cải cách còn nhiều, điều này có khi nào khiến Bộ trưởng cảm thấy “chùn bước” không?
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Không! Tôi cho là không nản vì xã hội, doanh nghiệp cần lắm, vấn đề là làm khó. Vừa rồi , chúng ta làm rất quyết liệt khi đã cắt giảm hơn 6.000 thủ tục kiểm tra chuyên ngành, vượt hơn 36% chỉ tiêu Nghị quyết 19 của Chính phủ, tiết kiệm hơn 11,6 triệu ngày công, tương đương khoảng hơn 5.400 tỷ đồng. Cắt được hơn 3.000 điều kiện kinh doanh, tiết kiệm khoảng 1.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, doanh nghiệp và người dân rất cần cải cách. Có những trường hợp, tai nạn giao thông mà khai tử không được. Dân bức xúc là đúng vì sách nhiễu, rào cản kinh khủng... Cho nên tất cả phải cải cách vì yêu cầu của doanh nghiệp, người dân nhưng cải cách bây giờ phải đi vào thực chất.
Chúng ta đã làm được bước đầu như vậy và tôi biết có những việc vẫn cơ học, bỏ cái này nhưng lại sinh ra những quy chuẩn, tiêu chuẩn khác cho nên vẫn phải kiểm tra. Liên quan đến cải cách mà đi đến nơi thấy người ta khó khăn mà không dám nói, không dám kết luận cuối cùng thì làm sao thay đổi được?...Cho nên, phải cải cách mạnh mẽ, làm liên tục, làm cương quyết, làm rắn, dù đây là vấn đề rất khó. Cải cách giúp dư địa tăng trưởng mạnh vì tháo gỡ khó khăn, cắt giảm chi phí, thúc đẩy gia nhập thị trường của DN.
Tới đây sẽ thành lập thêm một số bộ phận của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng. Cùng với đó, thường xuyên tiếp cận doanh nghiệp để lằng nghe doanh nghiệp vướng ở đâu, khó khăn vấn đề gì?.
Bứt phá trong xây dựng thể chế, chính sách
PV: Phương châm hành động 2019 của Chính phủ nhấn mạnh yếu tố bứt phá để về đích, xin Bộ trưởng nói cụ thể hơn vấn đề Chính phủ cần bứt phá là gì?
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Phương châm hành động năm 2018 của Chính phủ là “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”. Tôi cho rằng, kỷ cương, liêm chính, hành động là một mệnh đề xuyên xuốt của Chính phủ. Kỷ cương, liêm chính, hành động là muốn thực sự chấn chỉnh kỷ cương, cách làm việc. Thủ tướng Chính phủ có nói “trên nóng dưới lạnh”, hay Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhắc “không ngủ quên trên vòng nguyệt quế”, tức là không quá hài lòng với những gì chúng ta đạt được, vì có những cái ta phải cố gắng rất nhiều. Nếu như không có tư tưởng xuyên suốt như vậy thì sẽ không xây dựng được Chính phủ liêm chính, kiến tạo.
Năm 2019 đặt yêu cầu sáng tạo, bứt phá, phát triển mang tính hiệu quả. Đi vào thời gian cuối của nhiệm kỳ thì bứt phá có ý nghĩa rất quan trọng, để hoàn thành các chỉ tiêu, là tiền đề của năm sau. Nói bứt phá thì rất rộng nhưng tựu lại là về thể chế, cơ chế chính sách, bứt phá trong đề xuất xây dựng thể chế, trách nhiệm của Chính phủ phải mạnh mẽ vấn đề phân cấp, rõ nghĩa, rõ trách nhiệm.
Như sửa đổi một Luật mất rất nhiều thời gian, nên sửa theo hướng cái gì vướng mắc nhất thì sửa trước, không mang tính “dỡ tung” ra rất khó làm. Để thực hiện bứt phá cần sự đột phá rất mạnh, khi thực tiễn cuộc sống đòi hỏi thì Chính phủ tạo điều kiện để thí điểm, sau đó có tổng kết xây dựng Luật. Chúng ta có 5.000 hộ kinh doanh cá thể, nếu không có cơ chế bứt phá thì không thể chuyển sang doanh nghiệp
Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW 'Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả', nếu không bứt phá mạnh mẽ thì không thể làm, làm mà hiệu quả không cao thì không ổn.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khi phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương đã nói” các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2019 phải cao hơn 2018”.
Để làm được như vậy, cần cả sự quyết tâm của cả đội ngũ cán bộ công chức, cả hệ thống chính trị chứ không riêng cơ quan Chính phủ.
PV: Mới đây, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ký ban hành Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, bản thân Bộ trưởng là một Ủy viên Trung ương thì sẽ thực hiện quy định nêu gương như thế nào?
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Tôi cho là trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, đặc biệt là Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương rất quan trọng, rất hay, mang tính giáo dục, mang tính tự giác. Nêu gương mang tính tự giác, mỗi người phải tự soi xét mình. Vị trí càng cao thì tính nêu gương càng phải tốt hơn, sáng hơn, tự giác hơn.
Là thành viên Chính phủ, tôi cho rằng đầu tiên phải làm theo chức trách được giao và phải làm tốt. Phải rèn luyện bản thân đồng thời phải hoàn thành chức trách, trách nhiệm. Nhiệm vụ nào được giao thì phải làm đàng hoàng, làm tốt để cùng nhau xây dựng một Chính phủ tốt.
Ngược lại, nếu co mình lại, không dám làm gì thì cũng không được. Yêu cầu là phải quyết liệt, phải hành động, cơ quan tham mưu mà không dám đề xuất những hành động mà chỉ rụt rè thì cũng không được. Có những việc Thủ tướng băn khoăn, yêu cầu Bộ trưởng chủ nhiệm VPCP cho ý kiến thì tôi phải có báo cáo riêng. Trường hợp Thủ tướng yêu cầu đích danh thì tôi cũng phải ký mang tư cách cá nhân Bộ trưởng để Thủ tướng quyết định trên cơ sở pháp luật./.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!