Công chức cấp xã áp lực không thua kém cấp huyện

Thứ năm, 24/10/2019 17:36
(ĐCSVN) - Theo đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau), nếu xét về phạm vi, mức độ hoạt động, công chức cấp xã cũng đang gánh vác một áp lực công việc không thua kém công chức cấp huyện. Đại biểu yêu cầu Quốc hội xem xét cho liên thông công chức trong bộ máy nhà nước từ cấp trung ương đến cấp xã.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu (Ảnh: TTXVN)

Sáng 24/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức. Một trong những nhóm vấn đề nhận được sự quan tâm nhiều của các vị đại biểu Quốc hội là về công chức cấp xã.

Cấp xã làm được việc thì mọi việc đều xong xuôi

Trong phần phát biểu của mình, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói "cấp xã là gần gũi dân nhất, là nền tảng của hành chính. Cấp xã làm được việc thì mọi việc đều xong xuôi”; đồng thời nhấn mạnh, trong thực tiễn hoạt động, cấp xã đã thực hiện tốt nhiệm vụ là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân.

Đại biểu phân tích, hiện tại công chức cấp này được hưởng lương từ ngân sách nhà nước và được tuyển dụng, sử dụng không khác nhiều so với quy trình tuyển dụng công chức cấp huyện, có khác chăng chỉ là cách tổ chức tuyển dụng. Vì vậy nếu đặt vấn đề trình độ tuyển dụng thấp hơn so với công chức cấp huyện thì “chưa thật sự thoả đáng, vì đây chỉ là quy định của chúng ta”.

Cũng theo ông, với số lượng 22 vạn cán bộ, công chức cấp xã, chỉ có 9,5 vạn công chức chưa có trình độ đại học nhưng số lượng này đang ngày càng giảm dần và trình độ năng lực của cán bộ, công chức cấp xã cũng theo đó mà nâng lên, thu hẹp khoảng cách như công chức cấp huyện.

Đáng chú ý, theo đại biểu, nếu xét về phạm vi, mức độ hoạt động, công chức cấp xã cũng đang gánh vác một áp lực công việc không thua kém công chức cấp huyện. “Một lĩnh vực chuyên môn, trong khi ở tỉnh có bộ máy giúp việc là cấp sở với biên chế đến vài chục người, cấp huyện là các phòng cũng khoảng từ 07 cho đến trên 10 biên chế, còn cấp xã chức danh công chức phụ trách lĩnh vực này chỉ có 1 người” – đại biểu dẫn chứng.

Ở một khía cạnh khác, vị đại biểu này nhắc đến việc trong kỳ họp này sẽ xem xét ban hành nghị quyết về thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân phường tại thành phố Hà Nội. Theo đó, các phường này không còn là một cấp chính quyền mà chỉ là "cánh tay nối dài" của quận trong quản lý địa bàn và như thế thì các công chức làm việc ở đây đương nhiên là công chức cấp quận.

Từ những phân tích trên, đại biểu yêu cầu Quốc hội xem xét cho liên thông công chức trong bộ máy nhà nước từ cấp trung ương đến cấp xã. “Việc làm này sẽ tạo được sự phấn đấu nỗ lực để hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã” – đại biểu tin tưởng.

Xem xét nghiên cứu, bổ sung công chức cấp xã là cán bộ, công chức 

Dành phần lớn thời gian phát biểu xoay quanh vấn đề không xem xét cán bộ, công chức cấp xã là đối tượng công chức, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) chia sẻ, khi đi tiếp xúc cử tri thì thấy công chức cấp xã rất mong muốn kỳ này sửa Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, họ được đưa vào là đối tượng là cán bộ, công chức, được liên thông từ cơ sở đến trung ương.

Vì vậy, ông bày tỏ tiếc nuối khi luật không ghi và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì giải thích là cán bộ, công chức cấp xã chưa đạt những điều kiện, tiêu chuẩn nên không được đối tượng là công chức.

Nhấn mạnh “nếu công chức cấp xã mà họ nghe được tin này sẽ rất hụt hẫng”, ông thiết tha mong muốn Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét nghiên cứu bổ sung công chức cấp xã là cán bộ, công chức vào đối tượng lần này.

Với khoảng 9,5 nghìn công chức cấp xã không đạt trình độ, ông đề xuất, nếu tới thời điểm năm nào đó không đạt trình độ theo tiêu chí thì loại ra khỏi lực lượng công chức cấp xã và bổ sung người khác, còn ví dụ tới năm 2025 đạt tiêu chuẩn có trình độ đại học, tiêu chuẩn chính trị là trung cấp trở lên thì sẽ đương nhiên là cán bộ, công chức từ cấp xã đến liên thông.

Vị đại biểu đoàn Đồng Tháp thiết tha đề nghị “nếu được thì cho lấy phiếu biểu quyết của đại biểu Quốc hội về nội dung này”.

Về nội dung này, giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, từ năm 1969, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 137 về cán bộ xã, đến năm 1998, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh trong đó không phân biệt cán bộ hay công chức, cũng không biệt công chức cấp xã, nói chung gần như giống nhau.

Hiện nay, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức thì phân biệt giữa cán bộ, công chức và viên chức, trong đó có cán bộ cấp xã và công chức cấp xã. Công chức cấp xã khác công chức cấp huyện trở lên. Theo Bộ trưởng, công chức cấp huyện quản lý theo ngạch công chức, công chức cấp xã quản lý theo chức danh chuyên môn nghiệp vụ.

Theo Bộ trưởng, đối với Luật Cán bộ, công chức lần này thể hiện tính liên thông giữa cán bộ, công chức, giữa công chức xã và công chức cấp huyện trở lên.

Bộ trưởng giải trình rõ: “Nếu những người có bằng cấp chuyên môn phù hợp với Luật Công chức thì được hưởng lương của công chức. Nếu những người có trình độ trung cấp thì hưởng lương trung cấp, đại học thì hưởng lương đại học. Chức danh của cán bộ, công chức khi đáp ứng đủ điều kiện và có thời gian công tác 5 năm phù hợp vị trí việc làm cấp huyện thì được tiếp nhận và bổ nhiệm là công chức cấp huyện. Tính liên thông có phân biệt giữa công chức cấp xã và công chức cấp huyện trở lên. Nếu công chức huyện làm việc từ 5 năm trở lên, có điều kiện, đủ tiêu chuẩn công chức huyện thì vẫn được liên thông”./.

Phạm Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực