Đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý để triển khai Luật Đất đai tại địa phương

Thứ năm, 05/09/2024 12:24
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương thực hiện thống nhất các quy định của pháp luật đất đai; khẩn trương tham mưu để HĐND, UBND tỉnh, thành phố ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật thống nhất, đồng bộ với các Nghị định, Thông tư, đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý để triển khai thi hành Luật Đất đai tại địa phương.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: BL) 

Sáng 5/9, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức Hội nghị phổ biến các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai năm 2024.

Ban hành 04 Nghị định, 04 Thông tư thi hành Luật Đất đai

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy cho biết, Luật Đất đai năm 2024 được Quốc hội thông qua ngày 18/01/2024 tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 (sau khi được thảo luận qua 4 kỳ họp Quốc hội).

Tại kỳ họp thứ 7 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng; theo đó, quyết nghị Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 01/8/2024 để đưa những nội dung mới mang tính đột phá của Luật sớm đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện mục tiêu đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; trong đó, đã bao quát toàn diện các mặt công tác quản lý đất đai; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, phát huy vai trò, trách nhiệm, tính chủ động của chính quyền địa phương các cấp trong quản lý, sử dụng đất đai…

Luật Đất đai năm 2024 giao Chính phủ quy định chi tiết 96 nội dung, trong đó Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tham mưu quy định chi tiết 86/96 nội dung, tập trung vào: điều tra cơ bản đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; giá đất; đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; chế độ sử dụng các loại đất; giám sát, theo dõi và đánh giá việc quản lý, sử dụng đất đai; thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai…

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, để bảo đảm điều kiện cho việc đưa Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực kể từ ngày 01/8/2024 (sớm hơn 5 tháng so với kế hoạch), trong thời gian ngắn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành 04 Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành đồng bộ với Luật, bao gồm: Nghị định số 71/2024/NĐ-CP ngày 27/6/2024 quy định về giá đất; Nghị định số  88/2024/NĐ-CP ngày 15/7/2024 quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Nghị định số 101/2024/NĐ-CP ngày 29/7/2024 quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và Hệ thống thông tin đất đai; Nghị định số 102/2024/NĐ-CP ngày 30/7/2024 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai. Đồng thời, Bộ cũng đã ban hành theo thẩm quyền 04 Thông tư được giao trong Luật.

"Đây là thành quả được tạo nên từ tinh thần, thái độ làm việc bền bỉ, kiên trì, công phu, nghiêm túc; sự đóng góp công sức, trí tuệ, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành Tài nguyên và Môi trường từ Trung ương đến địa phương. Qua đó, góp phần quản lý hiệu quả và giải phóng nguồn lực đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đồng thời, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta", Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng nêu rõ, cùng với các quy định của Luật, nội dung các nghị định hướng dẫn thi hành đã bao trùm phần lớn các nội dung quản lý nhà nước về đất đai, là cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên đất tại địa phương.

Đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý để triển khai Luật Đất đai tại địa phương

Để kịp thời triển khai thi hành, sớm đưa Luật Đất đai thực sự đi vào cuộc sống, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả trên phạm vi cả nước, Bộ trưởng đề nghị các địa phương tham dự tập trung lắng nghe, theo dõi và thảo luận kỹ lưỡng về các điểm mới, các nội dung còn chưa rõ để đạt được sự thống nhất trong nhận thức, nâng cao chất lượng tổ chức thực hiện trong thực tiễn.

 Các đại biểu dự Hội nghị. (Ảnh: BL)

“Sau Hội nghị, các đồng chí sẽ trở thành báo cáo viên tại địa phương của mình, tiếp nối việc phổ biến, tuyên truyền, chỉ đạo thực hiện thống nhất các quy định của pháp luật đất đai; khẩn trương tham mưu để Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh, thành phố ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền, thống nhất, đồng bộ với các Nghị định, Thông tư, đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý để triển khai thi hành Luật tại địa phương”, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nêu rõ.

Tại Hội nghị, bà Đoàn Thị Thanh Mỹ, Vụ trưởng Vụ Đất đai đã giới thiệu các điểm mới, nổi bật của Nghị định số 102/2024/NĐ-CP ngày 30/7/2024 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.

Theo bà Đoàn Thị Thanh Mỹ, Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai gồm 10 Chương, 113 Điều quy định chi tiết 54 nội dung được giao trong Luật, bảo đảm có hiệu lực đồng thời với thời điểm có hiệu lực của Luật Đất đai.

Trong đó, quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; xác định cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp; quy định chi tiết phân loại đất; xác định loại đất; hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; quy định về nhận chuyển nhượng vốn đầu tư là giá trị quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; quy định việc nhận quyền sử dụng đất tại khu vực hạn chế tiếp cận đất đai; việc giải quyết trường hợp chưa thống nhất về địa giới đơn vị hành chính và quy định chung về thực hiện thủ tục hành chính; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất…

Về thu hồi đất, bà Đoàn Thị Thanh Mỹ cho biết, Nghị định đã hướng dẫn thực hiện trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai; Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người; Cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc, quyết định thu hồi đất, khiếu nại quyết định thu hồi đất, quyết định cưỡng chế./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực