Đảm bảo quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng cho người chấp hành án

Thứ sáu, 01/07/2022 11:29
(ĐCSVN) - Việc đảm bảo quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng cho người chấp hành án không chỉ giúp họ hướng tới giá trị chân - thiện - mỹ, mà còn góp phần khẳng định thành tựu, chính sách nhất quán của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người, quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng.

Tại Hội nghị cung cấp và thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại tháng 6/2022, Thiếu tướng Nguyễn Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục C10 – Bộ Công an cho biết, hiện Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng- Bộ Công an (C10) quản lý 54 trại giam trên toàn quốc, thực hiện việc quản lý giáo dục cải tạo để bảo đảm khi phạm nhân chấp hành xong án tù thì có thể tái hòa nhập cộng đồng. Trong đó, việc thực hiện các chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước đối với những người chấp hành án luôn được thực hiện đúng, đảm bảo tất cả chính sách được thực hiện nghiêm minh, gồm cả việc thực hiện công tác giáo dục đối với phạm nhân. Hàng năm, Cục C10 thực hiện đầy đủ các chính sách về ăn, mặc, ở, sinh hoạt, đặc biệt là đảm bảo việc đọc sách ở 54 tại giam trên toàn quốc.

leftcenterrightdel
Thiếu tướng Nguyễn Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (C10-Bộ Công an) phát biểu tại Hội nghị cung cấp và thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại tháng 6/2022. (Ảnh: Thu Lan)

Theo Thiếu tướng Nguyễn Việt Hùng, tương ứng với 54 trại giam, hiện Cục C10 đã thành lập 54 thư viện, được trang bị nhiều loại sách, trong đó có nhiều sách nói về tín ngưỡng và tôn giáo để đảm bảo sinh hoạt, tín ngưỡng tôn giáo của những người theo đạo phải chấp hành án tại các trại giam của Bộ Công an.

Thực hiện luật thi hành án hình sự của Bộ Công an và luật tín ngưỡng tôn giáo, hiện tại các trại tạm giam của Bộ Công an có khoảng 12.000 trong tổng số 140.000 phạm nhân theo các tôn giáo. Cụ thể, số phạm nhân nam là khoảng hơn 10.000, nữ thì hơn 1.400 (chiếm tổng số khoảng 8,57% số phạm nhân chấp hành án ở trại giam) theo tôn giáo, trong đó số phạm nhân là người nước ngoài là 88. Trong số này, số phạm nhân là tín đồ theo Công giáo hơn 4.000; Đạo Phật là hơn 6.000, ngoài ra còn các đạo khác như đạo Tin lành, Đạo Hồi… chiếm khoảng khoảng 50 đến 500 phạm nhân.

“Tất cả tín đồ tôn giáo khi chấp hành án ở trại giam của Bộ Công an đều được tham gia đọc kinh sách. Trên cơ sở  thi hành Luật hình sự năm 2019, chúng tôi có tổ chức đưa sách vào thư viện. Sau đó tiếp tục thực hiện Luật thi hành án hình sự năm 2019, tất cả trại giam do Cục C10 – Bộ Công an quản lý đều được bố trí kinh sách để các tín đồ chấp hành án có điều kiện tham gia nghiên cứu đọc. Hàng tuần vào ngày nghỉ, tất cả các phạm nhân sinh hoạt tôn giáo đều được lên thư viện đọc, mượn sách tôn giáo về để nghiên cứu, thực hiện tôn giáo của mình” – Thiếu tướng Nguyễn Việt Hùng chia sẻ.

Ngày 1/4 vừa qua, thực hiện đề án của chính phủ, Cục C10 đã được tiếp nhận 4.418 cuốn kinh sách ấn phẩm tôn giáo. Số sách này đã được chuyển tới tất cả các trại giam trên toàn quốc để triển khai cho các phạm nhân có sinh hoạt tôn giáo.

Trong tổng số 17 đầu sách liên quan tôn giáo được đưa vào sử dụng tại thư viện 54 trại giam thuộc Bộ Công an, có 9 đầu sách là kinh sách, kinh thánh; 8 đầu sách thông tin chung về tín ngưỡng, tôn giáo, lịch sử hình thành, tác động đến đời sống, xã hội của tôn giáo, các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo và vận động quần chúng tín đồ tôn giáo. Hoạt động này không chỉ góp phần thực thi pháp luật về tôn giáo, quyền được tiếp cận kinh sách, ấn phẩm tôn giáo của mọi người mà còn thể hiện thành tựu, chính sách nhất quán của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người, quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng, truyền tải thông điệp về nỗ lực của Việt Nam trong thực thi các công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị, quyền con người đến các nước trên thế giới.

Tuy nhiên, Thiếu tướng Nguyễn Việt Hùng cho biết, do điều kiện cơ sở vật chất của các trại giam có khác so với bên ngoài và số lượng phạm nhân theo các tôn giáo khác nhau ở cùng phòng, cùng khu vực cùng trại nhiều nên việc tổ chức các hoạt động tín ngưỡng gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Cục C10 – Bộ Công an vẫn nỗ lực đảm bảo việc mượn, đọc sách cho các tín đồ tôn giáo diễn ra theo đúng quy định pháp luật.

Một khó khăn khác được lãnh đạo Cục C10 – Bộ Công an chia sẻ đó là các sách, ấn phẩm tôn giáo trong trại giam hiện vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của những người sinh hoạt tôn giáo. Bên cạnh đó, trình độ năng lực của cán bộ chiến sỹ tại nhiều nơi vẫn còn chưa đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu cũng như  nắm bắt tốt tình hình, nguyện vọng sinh hoạt tôn giáo của các phạm nhân.

Đề cập đến giải pháp trong thời gian tới, Thiếu tướng Nguyễn Việt Hùng khẳng định, Cơ quan quản lý thi hành án hình sự của Bộ Công an sẽ tiếp tục tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo đối với các phạm nhân trong trại giam. Cụ thể là thực hiện nghiêm Luật thi hành án hình sự, Luật tôn giáo đối với các phạm nhân theo tôn giáo đang chấp hành án tại các trại giam do Bộ Công an quản lý. Thứ hai là tổ chức thực hiện việc sử dụng kinh sách; bày tỏ tín ngưỡng, đảm bảo đúng các nguyên tắc thi hành án trừng phạt kết hợp với giáo dục và cải tạo, vừa đảm bảo quyền của người chấp hành án không bị tước bỏ, vừa đảm bảo mục tiêu đảm bảo an ninh an toàn cho các cơ sở giam giữ. Thứ ba là thực hiện đầy đủ chế độ chính sách cho các phạm nhân nói chung, đặc biệt là phạm nhân có theo tôn giáo nói riêng để làm sao họ có thể thực hiện được quyền tín ngưỡng tôn giáo của mình.

leftcenterrightdel
Thư viện dành cho phạm nhân nữ ở trại giam Thủ Đức (Bình Thuận). Ảnh: Trọng Phú. 

Chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta luôn coi quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một nhu cầu quan trọng của con người và là quyền hiến định. Trong quá trình chấp hành án có nhiều phạm nhân theo tín ngưỡng, tôn giáo. Trong đó, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo là hoạt động chung không chỉ riêng của Việt Nam mà của các nước trên thế giới.

Đảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đối với người chấp hành án phạt tù được Đảng và Nhà nước cụ thể hóa, luật hóa, mang lại cơ sở pháp lý vững chắc cho quá trình tổ chức thực hiện. Ngày 18/11/2016, Quốc hội thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó tại Điều 6, khoản 5 quy định người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở cai nghiện bắt buộc có quyền bày tỏ tín ngưỡng tôn giáo. Trên cơ sở đó, việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho phạm nhân trong quá trình chấp hành án phạt tù được thực hiện đúng quy định pháp luật, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta tiếp tục thực hiện quyền con người theo chủ trương vừa đấu tranh, vừa đảm bảo. Trong đó những nỗ lực của chúng ta trong việc bảo đảm tự do tín ngưỡng tôn giáo cho người đang chấp hành án phạt tù chính là khẳng định, bảo đảm quyền con người. Tín ngưỡng, tôn giáo luôn hướng tới giá trị chân - thiện - mỹ, giúp phạm nhân từng bước thay đổi hành vi nhân cách, hướng tới tái hòa nhập cộng đồng.

Tín ngưỡng, tôn giáo là quyền tự do của mọi người dân nói chung và phạm nhân đang chấp hành án phạt tù nói riêng. Chủ trương nhất quán này không chỉ thể hiện tính ưu việt của chế độ, tinh thần nhân đạo, tính nhân văn trong chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta, mà còn khẳng định Việt Nam là một thành viên trách nhiệm của cộng đồng quốc tế trong việc bảo đảm quyền con người trên lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo./.

Thu Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực