Quang cảnh buổi giám sát. (Ảnh:TH)
Đó là nhận định của Đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Luật làm Trưởng đoàn trong buổi giám sát tại thành phố Hà Nội về việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành bản án, quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND, UBND diễn ra ngày 11/4.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, những năm qua, HĐND Thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách hỗ trợ các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp của Thành phố, gồm Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) thành phố và quận, huyện, thị xã; Tòa án Nhân dân (TAND) thành phố và quận, huyện, thị xã; Cục Thi hành án (THA) dân sự Thành phố và Chi cục THA dân sự cấp huyện. Đặc biệt, Hà Nội là địa phương rất quan tâm đầu tư hỗ trợ về địa điểm xây dựng trụ sở làm việc và kinh phí đầu tư xây dựng trụ sở, trong đó ưu tiên phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bố trí trụ sở làm việc theo quy hoạch, đúng tiêu chuẩn và định mức quy định, hỗ trợ việc giải phóng mặt bằng (GPMB), đền bù GPMB dự án…
Tại buổi giám sát, các thành viên trong đoàn đã nghe đại diện các cơ quan Sở Tư pháp, TAND, Viện KSND, Cục THA dân sự của Thành phố Hà Nội báo cáo kết quả thực hiện công tác này. Theo Giám đốc Sở Tư pháp Ngô Anh Tuấn, từ 1/10/2014 đến 30/9/2017, TAND hai cấp đã thụ lý 1.203 vụ, trong đó cấp sơ thẩm thụ lý việc khởi kiện đối với quyết định của Chủ tịch UBND và UBND 774 vụ, tổng số có 834 quyết định hành chính của chủ tịch UBND và UBND bị khiếu kiện. TAND Thành phố đã thụ lý sơ thẩm 390 vụ khởi kiện đối với quyết định hành chính của chủ tịch UBND và UBND. Số quyết định hành chính của chủ tịch, UBND bị khởi kiện ngày càng tăng. Các quyết định bị khởi kiện phần lớn phát sinh từ hoạt động thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất phục vụ đầu tư các dự án thương mại, kinh tế, an ninh quốc phòng.
Cũng trong 3 năm, Tòa án cấp sơ thẩm đã giải quyết 499/774 vụ khởi kiện đối với quyết định của chủ tịch, UBND, trong đó chủ yếu đã bác yêu cầu của người khởi kiện và đình chỉ giải quyết vụ án do đương sự rút đơn (sau khi đối thoại); số quyết định bị hủy chỉ chiếm 5,8%, cho thấy việc ban hành các quyết định hành chính của chủ tịch, UBND ban hành cơ bản đúng luật, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của công dân.
Đại diện lãnh đạo thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan cũng chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc, kiến nghị và đề xuất với Đoàn giám sát một số nội dung liên quan đến việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính; tiếp tục sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn luật để áp dụng thống nhất Luật Tố tụng hành chính, Luật Thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014; đề nghị Quốc hội và các bộ, ngành trung ương nghiên cứu hoàn thiện Luật Tố tụng hành chính, cần xác định rõ trong luật về trách nhiệm của người bị kiện trong vụ án hành chính; xây dựng và hoàn thiện cơ chế, trách nhiệm và quan hệ phối hợp trong giải quyết các vụ án hành chính đối với UBND các cấp và cơ quan tổ chức; cần sớm thông qua Luật Ban hành quyết định hành chính… Đặc biệt, đề nghị Quốc hội rà soát tổng thể cơ chế, chính sách pháp luật về đất đai, sở hữu nhà, quy hoạch, bồi thường, GPMB… qua các thời kỳ để đảm bảo việc áp dụng, hướng dẫn pháp luật được thống nhất trong hệ thống pháp luật chuyên ngành và pháp luật về tố tụng.
Tại buổi làm việc, các thành viên trong Đoàn giám sát đã đánh giá cao kết quả thực hiện chính sách pháp luật về tố tụng hành chính của thành phố Hà Nội thời gian qua. Đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhận định, trong các tỉnh, Thành phố mà đoàn đã đến khảo sát thì tại Hà Nội có số vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của chủ tịch UBND và UBND rất lớn. Điều này cho thấy tính dân chủ đã được mở rộng, hành lang pháp lý tăng lên…
Những kiến nghị của thành phố Hà Nội về các vấn đề liên quan sẽ được Đoàn giám sát ghi nhận để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, xem xét chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới./.