Đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan thi hành án dân sự

Thứ hai, 02/12/2024 14:15
(ĐCSVN) - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh đề nghị cần đổi mới tư duy thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn mới; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tinh thần trách nhiệm, gương mẫu của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ...

Thi hành án tăng cả về việc và tiền

Theo báo cáo kết quả công tác thi hành án dân sự (THADS), theo dõi thi hành án hành chính (THAHC) năm 2024, với sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, sự nỗ lực, quyết tâm của toàn Hệ thống thi hành án (THA), công tác THADS, THAHC về cơ bản đã đạt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

 Cụ thể, về công tác THADS, các cơ quan THADS đã thi hành xong 620.657 việc, đạt tỷ lệ 83.88% (tăng 0.62% so với năm 2023); về tiền, đã thi hành xong 116.531 tỷ 786 triệu 859 nghìn đồng, đạt tỷ lệ 51,84% (tăng 5,06% so với năm 2023).

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: TH. 

Công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế tiếp tục được tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, đạt nhiều kết quả tích cực, được các cơ quan có thẩm quyền đánh giá, ghi nhận; cụ thể, đã thi hành xong 9.211 việc tương ứng với 22.177 tỷ 138 triệu 250 nghìn đồng.

Về kết quả thu hồi các khoản nợ cho các tổ chức tín dụng, đã thi hành xong 6.252 việc, tương ứng với 30.544 tỷ 274 triệu 403 nghìn đồng. Đối với công tác THAHC, năm 2024, tổng số bản án, quyết định về vụ án hành chính có nội dung phải thi hành là 1.973 bản án (kỳ trước chuyển sang là 776 bản án), tăng 599 bản án so với năm 2023. Kết quả, các cơ quan hành chính nhà nước đã thi hành xong 896/1.973 bản án, quyết định (tăng 314 bản án, quyết định so với cùng kỳ năm 2023).

Trong công tác theo dõi THAHC, các cơ quan THADS đã thực hiện theo dõi 1.978 bản án (có 05 bản án Tòa án bác yêu cầu khởi kiện nhưng đã có quyết định buộc thi hành án).

Trong năm 2025, Tổng Cục THADS sẽ tiếp tục quán triệt, tham mưu thể chế hóa kịp thời, đầy đủ và triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản chỉ đạo của Đảng liên quan đến các lĩnh vực công tác THADS, đặc biệt là Chỉ thị số 04-CT/TW; Kết luận số 05-KL/TW.

Đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện thể chế về THADS, THAHC, trọng tâm là xây dựng Luật THADS (sửa đổi) để trình Quốc hội khóa XV bảo đảm tiến độ, chất lượng. Tiếp tục tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS, THAHC theo Nghị quyết số 96/2019/QH14. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về THADS, THAHC; thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, tự kiểm tra cùng với việc thực hiện hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao...

Tăng cường kiểm tra, tự kiểm tra, giám sát nội bộ

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của toàn thể công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống THADS đã đạt được những kết quả tích cực trong năm 2024.

Bên cạnh kết quả đạt được, Bộ trưởng chỉ ra công tác THADS vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục: tỷ lệ thi hành xong án tín dụng ngân hàng chưa đạt, còn để xảy ra vi phạm, sai phạm; kết quả thi hành án hành chính còn thấp, số lượng án hành chính nợ đọng chuyển kỳ sau ngày càng tăng. Thủ trưởng một số cơ quan THADS địa phương và một số đơn vị thuộc Tổng cục chưa phát huy đầy đủ trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, chưa năng động sáng tạo trong thực thi nhiệm vụ được giao. Công tác ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số còn chưa đáp ứng yêu cầu...

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: TH.

rong bối cảnh yêu cầu của Đảng, Nhà nước, xã hội đối với công tác THADS, THAHC ngày càng cao, bám sát quan điểm, ý kiến chỉ đạo sát sao của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đối với công tác tư pháp nói chung, công tác THA nói riêng và Kết luận của Tổng Bí thư tại buổi làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh đề nghị hệ thống THADS tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm.

Theo đó, cần nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn mới, trọng tâm là bám sát nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; Quy định số 183-QĐ/TW ngày 18/9/2024 của Bộ Chính trị về bảo vệ cơ quan, tổ chức, người thi hành công vụ trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; Quy định số 132-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án cùng các phát biểu, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội về đổi mới tư duy công tác xây dựng pháp luật.

Người đứng đầu cơ quan THADS phải nghiên cứu kỹ và quán triệt sâu sắc tới các công chức, cán bộ của đơn vị. Đồng thời khẩn trương tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và đề xuất thực hiện chủ trương sắp xếp tinh gọn bộ máy, mục tiêu gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và chất lượng công việc.

Cùng với đó, Bộ trưởng yêu cầu đẩy mạnh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện thể chế về THADS, THAHC, trọng tâm là xây dựng Luật THADS (sửa đổi).

Đổi mới mạnh mẽ phương pháp công tác, lề lối làm việc, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tinh thần trách nhiệm, gương mẫu của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ, làm tốt công tác đánh giá, điều động, luân chuyển cán bộ đảm bảo khách quan, thực chất, công tâm.

Cơ quan THADS các cấp cần triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành thắng lợi chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, trong đó đề cao sự chủ động và bản lĩnh của người đứng đầu, nhất là trong bối cảnh nhiều thay đổi, người đứng đầu cần là chỗ dựa về tinh thần và chuyên môn cho công chức, cán bộ của đơn vị.

Bộ trưởng yêu cầu toàn hệ thống THADS tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra, giám sát nội bộ bởi nếu chưa làm tốt công tác này thì chưa hoàn thành nhiệm vụ quản lý nhà nước. Trong đó tập trung kiểm tra, giám sát công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, chức vụ; thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng; thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án… Sau khi nhận diện được vấn đề cần kiến nghị giải pháp về thể chế.

Cùng với đó, nâng cao hiệu quả công tác theo dõi thi hành án hành chính, chủ động phối hợp cơ quan tòa án, kiểm sát và cấp ủy chính quyền địa phương, tận dụng các cơ chế như tiếp dân, giao ban nội chính. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực THADS.../.

Vy Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực