Đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong giải quyết khiếu nại, tố cáo

Thứ ba, 13/09/2022 14:05
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Đây là vấn đề được nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị khi cho ý kiến vào báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021, sáng 13/9.

Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến cơ bản nhất trí với nội dung báo cáo, tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị phân tích rõ hơn bối cảnh đất nước trong thời kỳ giám sát (1/7/2016 - 1/7/2021), đặc biệt là ảnh hưởng của tình hình thế giới, khu vực, trong nước, dịch bệnh, thiên tai liên quan đến tình hình khiếu nại, tố cáo.

Tuy nhiên một số ý kiến tỏ ra băn khoăn việc tỷ lệ tổ chức tiếp công dân của các bộ, UBND các cấp theo quy định còn thấp.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu thực tế, nhiều Chủ tịch UBND các cấp không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa, không thi hành án hành chính, do đó Chính phủ cần thiết chỉ đạo kiểm điểm các trường hợp này.

Chỉ rõ vẫn còn tình trạng “đơn chuyển lòng vòng”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp kiến nghị sửa đổi hệ thống pháp luật theo hướng khi nhận đơn không phải thẩm quyền giải quyết thì trả lại đơn và hướng dẫn công dân chuyển đơn đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

 Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga . Ảnh: Phạm Thăng.

Làm rõ địa chỉ, trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, trong báo cáo cần bổ sung rõ địa chỉ, trách nhiệm, vụ việc liên quan đến việc tiếp công dân; đồng thời nhấn mạnh đề cao trách nghiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở các cấp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý các cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt việc công khai, minh bạch trách nhiệm giải trình quản lý nhà nước thi hành công vụ, nhất là những công việc liên quan trực tiếp đến người dân; quan tâm giải quyết kịp thời, có lý, có tình khiếu kiện, tố cáo ngay từ cơ sở, nơi phát sinh vụ việc.

 “Khẩu hiệu dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra có được thực hiện đúng không?”, Phó Chủ tịch Thường trực nêu câu hỏi.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, giám sát chuyên đề này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải đặt trong bối cảnh bối cảnh thế giới và trong nước, đánh giá sâu sắc hơn kết quả chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, cấp ủy chính quyền các cấp về thực hiện tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; cùng với việc Quốc hội đang chuẩn bị xem xét, thông qua dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Qua đó, bảo đảm sau khi ban hành Nghị quyết về giám sát chuyên đề sẽ tạo được một nề nếp mới, chuyển biến cơ bản trong lĩnh vực này, tạo cơ sở để chúng ta giám sát quá trình thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu, Thường trực Đoàn giám sát tiếp thu ý kiến của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trên cơ sở chỉ rõ những việc nào phải làm, ai làm, ai chịu trách nhiệm, làm theo hướng nào, thời hạn hoàn thành và cơ chế báo cáo việc thực hiện các yêu cầu tại Nghị quyết này.

Mặt khác, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần rà soát, đánh giá về tính khả thi của quy định pháp luật về tiếp công dân hiện hành, làm rõ quy định nào không phù hợp; cách thức để tăng cường trách nhiệm người đứng đầu…/.

Vy Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực