Báo cáo tại Phiên họp, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Phạm Quốc Hưng cho biết, qua tổng kết thực tiễn thi hành Luật Phá sản năm 2014, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật vẫn tồn tại một số vướng mắc, bất cập, như: chưa có cơ chế khuyến khích việc áp dụng sớm thủ tục phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã; quy định về thẩm quyền của Tòa án còn phân tán, chưa hợp lý; chưa quy định thủ tục giản lược để giải quyết những vụ việc đơn giản; chưa có các quy định để kết hợp, sử dụng phương thức tố tụng điện tử, quy định về Quản tài viên còn có điểm bất cập...
Hồ sơ đề nghị xây dựng Dự án Luật Phá sản (sửa đổi) đề xuất 05 chính sách, gồm: Xây dựng, hoàn thiện thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã; Xây dựng thủ tục phục hồi giản lược, thủ tục phá sản giản lược đối với doanh nghiệp, hợp tác xã; Xây dựng thủ tục tố tụng điện tử giải quyết vụ việc phá sản; Hoàn thiện quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Quản tài viên, người tiến hành thủ tục phá sản, người tham gia thủ tục phá sản; Hoàn thiện trình tự, thủ tục giải quyết vụ việc phá sản để khắc phục vướng mắc, bất cập và phù hợp với thông lệ quốc tế.
|
Toàn cảnh phiên họp (Ảnh: QH) |
Về thời gian trình, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 5/2025, thông qua tại kỳ họp tháng 10/2025.
Cho ý kiến tại phiên họp, các đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Phá sản, đồng thời, đề nghị tiếp tục rà soát kỹ lưỡng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật phù hợp với tinh thần đổi mới tư duy lập pháp, chỉ quy định trong Luật những nội dung đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn cho thấy phù hợp, ổn định, thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.
Về phạm vi điều chỉnh, thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã được đề xuất xây dựng theo hướng độc lập với thủ tục phá sản, khác so với Luật Phá sản hiện hành. Do đó, các đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của tiến hành, tham gia thủ tục phục hồi.
Bên cạnh đó, các ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát nội dung điều chỉnh của Luật Phá sản để đồng bộ, thống nhất với các luật khác có quy định về quy trình, thủ tục phá sản, như Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Các tổ chức tín dụng.
Liên quan đến các chính sách của Dự án Luật, các ý kiến đề nghị bổ sung đánh giá tác động cụ thể hơn chính sách xây dựng, hoàn thiện thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm tránh việc ban hành quy định không rõ ràng, phát sinh thủ tục tiền phá sản làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh của doanh nghiệp; bổ sung đánh giá tác động kinh tế, tác động xã hội trong quá trình doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện thủ tục phục hồi, đặc biệt là tác động của việc “khoanh tiền nợ thuế”, “tạm dùng đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí, tử tuất”.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị làm rõ hơn tiêu chí, điều kiện áp dụng thủ tục phục hồi giản lược và thủ tục phá sản giản lược; làm rõ sự khác biệt giữa thủ tục giản lược và thủ tục rút gọn; tiếp tục rà soát với quy định của pháp luật có liên quan để quy định đối tượng, điều kiện được xem xét áp dụng thủ tục giản lược phù hợp, khả thi; làm rõ hiệu quả, tính khả thi của các thủ tục thực hiện trực tuyến trong trường hợp không chỉ định Quản tài viên.
Liên quan tới xây dựng thủ tục tố tụng điện tử giải quyết vụ việc phá sản, các ý kiến đề nghị làm rõ điều kiện để áp dụng hình thức trực tiếp, trực tuyến, kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến để giải quyết vụ việc phá sản.
Kết luận Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan của Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Phá sản với các lý do được nêu tại Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao. Đồng thời, nhất trí với thời điểm trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (5/2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025) là phù hợp để kịp thời khắc phục các vướng mắc, bất cập của Luật Phá sản hiện hành.
Ông Hoàng Thanh Tùng đề nghị tiếp tục làm rõ hơn nội dung các chính sách trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật; rà soát các quy định của pháp luật có liên quan để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của chính sách, sự đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật./.