Sáng 07/12, tại Nhà Quốc hội, thẩm tra sơ bộ Báo cáo số 726/BC-CP ngày 28/10/2024 của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của một số chức danh nhằm bảo đảm tính thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra.
|
Toàn cảnh phiên họp |
Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết, thực hiện trách nhiệm thống nhất quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong phạm vi cả nước quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật Xử lý vi phạm hành chính (Luật XLVPHC) và căn cứ khoản 2 Điều 53 Luật XLVPHC: “Trường hợp chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có sự thay đổi về nhiệm vụ, quyền hạn thì thẩm quyền xử phạt của chức danh đó do Chính phủ quy định sau khi được sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội”, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của một số chức danh.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh nhấn mạnh, xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ thanh tra, có rất nhiều chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Điều 46 Luật XLVPHC. Do đó, khi chức năng, nhiệm vụ này có sự thay đổi trên cơ sở hệ thống pháp luật về thanh tra đã được sửa đổi, bổ sung, thay thế dẫn đến cũng kéo theo chức năng, nhiệm vụ về xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh này cũng có sự thay đổi theo.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cũng cho biết, hiện nay, công tác xử phạt vi phạm hành chính của các cơ quan, đơn vị ở Trung ương và địa phương gặp phải một số khó khăn. Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc này, ngày 17/02/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 20/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (Nghị quyết số 20/NQ-CP); trong đó, Chính phủ đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp sau khi các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có sự thay đổi về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể (Mục 3 Nghị quyết số 20/NQ-CP).
Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cũng đã nêu rõ các nội dung liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính tại các nghị định xử phạt vi phạm hành chính đối với các nhóm chức danh. Cụ thể: Các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 53 Luật XLVPHC, cần xin ý kiến Ủy ban thường vụ Quốc hội trước khi Chính phủ quy định thẩm quyền xử phạt tại các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước; Các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính không thuộc trường hợp phải xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định tại khoản 2 Điều 53 Luật XLVPHC;..
Sau khi nghe các ý kiến, kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, tại phiên họp các ý kiến đều tán thành sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính tại các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thanh tra để kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn hiện nay, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phù hợp với phân cấp phân quyền, giảm bớt các thủ tục hành chính không hiệu quả. Đồng thời, việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi sửa đổi, bổ sung các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính do có sự thay đổi và nhiệm vụ, quyền hạn là bảo đảm cơ sở pháp lý, đúng thẩm quyền theo quy định của luật.
Bên cạnh đó, về cơ bản các ý kiến cũng thống nhất với nhiều đề xuất của Chính phủ như: không quy định tiếp tục quy định thẩm quyền xử phạt đối với 06 chức danh; thống nhất cao với 31 chức danh trong 04 nhóm đề xuất;... Ngoài ra, về thời điểm thực hiện, Chính phủ xem xét cân nhắc quyết định lựa chọn thời điểm thực hiện phù hợp, khả thi, đồng bộ.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị, Thường trực Uỷ ban Pháp luật trên cơ sở kết quả phiên họp thẩm tra sơ bộ khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Báo cáo thẩm tra; gửi xin ý kiến các thành viên Ủy ban để tổng hợp. Trên cơ sở đó, tiếp tục hoàn thiện báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này theo đúng quy định.