Điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Thứ năm, 20/06/2024 16:18
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Ủy ban Kinh tế đề nghị cần thực hiện phân cấp và phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh, quản lý quy hoạch đô thị và nông thôn; cắt giảm thủ tục hành chính trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn, đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…

Chiều 20/6, Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.

Kết hợp hài hoà phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới

Trình bày Tờ trình về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và định hướng lãnh đạo đối với công tác quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy hoạch nông thôn, xác định đây là nhiệm vụ rất quan trọng trong phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Các Nghị quyết Đại hội Đảng, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045... đã chỉ đạo hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm kết hợp hài hoà phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng quy hoạch đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật. Ảnh: Hồ Long 

Theo Bộ trưởng, qua 14 năm thi hành Luật Quy hoạch đô thị, 09 năm thi hành Luật Xây dựng đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần nâng cao chất lượng không gian, kiến trúc, cảnh quan, môi trường sống. Tuy nhiên, sau thời gian dài thực hiện, cùng với những yêu cầu mới của thực tiễn phát triển đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.

Việc xây dựng Luật nhằm tạo cơ sở pháp lý, công cụ quản lý đồng bộ, toàn diện, thống nhất để điều chỉnh hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn, khắc phục được các tồn tại, hạn chế, bất cập và khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu đối với giai đoạn phát triển mới của đất nước; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, Nhân dân và xã hội.

Bộ trưởng cũng cho biết, sau khi nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, dự thảo Luật được chỉnh lý thành 06 Chương, 65 Điều; thể chế hóa Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thống nhất hóa các quy định về quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn trong cùng một Luật.

Đồng thời, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho tổ chức, cá nhân, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh với những điểm mới cơ bản gồm: Quy định rõ hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn về loại, cấp độ quy hoạch; làm rõ mối quan hệ với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, bảo đảm thống nhất, đồng bộ về quy hoạch; Tăng cường phân cấp, phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn; Đơn giản hóa trình tự, thủ tục trong lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh...

Bảo đảm định hướng gắn kết giữa đô thị và nông thôn phù hợp với thực tiễn

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: Ủy ban Kinh tế cơ bản thống nhất với sự cần thiết ban hành luật. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị, cần làm rõ mối quan hệ giữa các loại quy hoạch trong hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn, mối quan hệ của các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn với các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, nguyên tắc, căn cứ lập và điều chỉnh các quy hoạch.

Cùng với đó, cần thực hiện phân cấp và phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh, quản lý quy hoạch đô thị và nông thôn nhằm tăng cường vai trò, tính chủ động, trách nhiệm của chính quyền địa phương phù hợp với năng lực, nguồn lực thực hiện; cắt giảm thủ tục hành chính trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn, đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng cho biết, nhiều ý kiến tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; đồng thời, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát nội dung các khái niệm cơ bản như “đô thị”, “nông thôn”, bảo đảm định hướng gắn kết giữa đô thị và nông thôn và phù hợp với thực tiễn có sự đan xen giữa đô thị và nông thôn; rà soát, phân định rõ phạm vi, đối tượng của quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; tiếp tục rà soát, hoàn thiện, làm rõ phạm vi, đối tượng lập quy hoạch, nội dung quy hoạch nông thôn…

Báo cáo thẩm tra cũng đề nghị tập trung làm rõ một số vấn đề về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn (Điều 3); các trường hợp liên quan đến phạm vi ranh giới và địa giới hành chính khi lập quy hoạch đô thị và nông thôn (Điều 5); nguyên tắc trong hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn (Điều 7); quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương (Điều 20)…

 Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu rà soát nội dung, mức độ chi tiết của quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung nông thôn quy định tại dự thảo Luật và các quy hoạch khác có liên quan như quy hoạch sử dụng đất theo pháp luật về đất đai và quy hoạch tỉnh theo pháp luật về quy hoạch bảo đảm tính định hướng của các quy hoạch này phù hợp với tính chất, vai trò riêng của từng quy hoạch, tránh gây khó khăn trong việc xử lý chồng lấn giữa các quy hoạch và vướng mắc trong thực tiễn dẫn đến phải điều chỉnh quy hoạch./.

Khôi Nguyên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực