Quang cảnh Hội thảo (Ảnh: BT)
Theo ông Trần Văn Minh - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đến nay, Dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi) đã nhận được ý kiến đóng góp của 50 đoàn đại biểu Quốc hội. Tại Hội thảo này sẽ ghi nhận tiếp các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học để hoàn chỉnh Dự thảo Luật Thuỷ sản (sửa đổi) trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XIV.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Vũ Huy Thủ - nguyên Phó Cục trưởng Cục Khai thác nguồn lợi thủy sản cho biết, Dự thảo Luật Thủy sản sửa đổi có 9 chương, 108 điều, nhiều hơn Luật Thủy sản 2003 là 36 điều, bỏ 2 chương Hợp tác quốc tế về hoạt động thủy sản và chương khen thưởng và kỷ luật.
Tuy nhiên, theo TS. Vũ Huy Thủ, về giải thích từ ngữ, nhiều từ ngữ vừa thừa vừa thiếu, có những từ ngữ không cần giải thích ngư dân cũng hiểu như: khai thác thủy sản, tàu cá, cảng cá, thức ăn thủy sản, tàu thuyền kiểm ngư,…Trong khi nhà nước khuyến khích ngư dân đóng tàu lớn để khai thác thủy sản vùng khơi (xa bờ) nhưng không những ngư dân mà ngay cả một số cán bộ quản lý điều hành cũng không hiểu nếu như một số từ ngữ không được giải thích đầy đủ. Cụ thể, như thế nào là đường cơ sở, vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam – đây là những từ cần được giải thích trong luật.
Về nguyên tắc hoạt động thủy sản, trong dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi) có 4 điều, TS. Vũ Huy Thủ cho rằng, nên thêm Điều 5 về bảo đảm an toàn thực phẩm (tách ra từ Điều 2).
PGS.TS Đinh Xuân Thảo, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, về cơ sở dữ liệu quốc gia trong lĩnh vực thủy sản (Điều 9), cần quy định rõ hơn trách nhiệm đối với thống kê nghề cá khu vực và quốc tế; cần bổ sung vào danh mục chính sách đầu tư của nhà nước để thực hiện tốt hơn.
Về cơ quan kiểm ngư (Điều 90), dự thảo đưa ra hai phương án, phương án 1, cơ quan kiểm ngư được thành lập ở Trung ương và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển; hoạt động theo nguyên tắc thống nhất từ Trung ương đến địa phương về chuyên môn nghiệp vụ. Phương án 2, cơ quan kiểm ngư được thành lập ở Trung ương. Theo PGS.TS Đinh Xuân Thảo, nên chọn phương án 1 nhằm để đảm bảo tính thống nhất về tổ chức và chế độ chính sách đối với lực lượng kiểm ngư từ Trung ương đến địa phương trong cả nước.
Bên cạnh đó, về chợ đầu mối thủy sản (Điều 103), dự thảo luật quy định, chợ thủy sản đầu mối là nơi thực hiện hoạt động giao dịch, mua, bán đấu giá thủy sản, kiểm soát an toàn thực phẩm là phù hợp. Tuy nhiên, cần quy định rõ hơn việc định giá thủy sản để đảm bảo lợi ích cho người sản xuất và người tiêu dùng.
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến khác của các đại biểu đã được đưa ra nhằm góp ý cho Dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi) được rõ ràng, chặt chẽ và súc tích hơn. Cụ thể, trong Điều 10, đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cần xác định rõ vai trò, vị trí, địa vị pháp lý của Tổ chức cộng đồng quản lý trong mối liên quan đến hệ thống chính trị - xã hội; Điều 17 về khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nên phân cấp quản lý khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản cấp quốc gia (Bộ NN&PTNT chủ trì) và cấp tỉnh (địa phương chủ trì); tại Điều 20 về nguồn tài chính bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, cần quy định rõ việc sử dụng các nguồn tài chính; cần quy định chi tiết khung pháp lý và các nguyên tắc hoạt động của Quỹ (Điều 22 Quỹ cộng đồng),…/.