Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng cho biết, Tọa đàm nhằm phục vụ việc chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 9 sắp tới.
Dự án Luật nhằm sửa đổi, bổ sung kịp thời những vấn đề cấp bách, cần thiết nhất để tháo gỡ kịp thời vướng mắc, bất cập về thể chế, khắc phục ngay tồn tại, khó khăn trong công tác giám định tư pháp phục vụ giải quyết án tham nhũng, kinh tế.
|
Các đại biểu tham dự tọa đàm. (Ảnh: TH) |
Thượng tá Lê Đức Trường – đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an nêu thực trạng: Vẫn còn tình trạng một số trường hợp các cơ quan có biểu hiện đùn đẩy, né tránh trách nhiệm giám định khi vụ án thuộc lĩnh vực quản lý chuyên môn của cơ quan.
Nhấn mạnh nhiều vụ việc nội dung giám định liên quan đến nhiều lĩnh vực thuộc trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, rất phức tạp, Thượng tá Lê Đức Trường cho rằng giám định viên từng mảng phải có cơ chế để thường xuyên trao đổi, phối hợp với nhau thực hiện nội dung giám định mới có thể kết luận giám định được chính xác, khách quan.
Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đề nghị cần xác định rõ hơn trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị (chủ trì, phối hợp) trong giám định tư pháp, đây là điều kiện tiên quyết để tránh đùn đẩy trách nhiệm, quy định rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, nội dung giám định nào do cơ quan nào tiến hành thì sau mới dễ xác định trách nhiệm.
Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay, quan hệ phối hợp giữa cơ quan trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định và cá nhân, tổ chức giám định tư pháp chưa thường xuyên, chặt chẽ. Trên thực tế, khó xác định cơ quan, đơn vị đầu mối do vấn đề cần giám định phức tạp, liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị. Luật hiện hành cũng chưa quy định rõ trách nhiệm của Giám định viên và Cơ quan trưng cầu giám định, hình thức xử lý khi Giám định viên, Cơ quan trưng cầu giám định về việc phối hợp trong quá trình giám định, dẫn đến không hoàn thành nhiệm vụ, gây khó khăn cho Cơ quan tiến hành tố tụng và Cơ quan được trưng cầu giám định.
Trên cơ sở đó kiến nghị dự thảo Luật nên bổ sung làm rõ hơn quy định mang tính nguyên tắc về căn cứ, cách thức trưng cầu giám định và cơ sở lựa chọn cơ quan tiến hành giám định; quy định phân cấp trong tiếp nhận trưng cầu và thực hiện giám định ở cấp huyện, tỉnh đối với những vụ việc đơn giản nhằm giảm tải cho các cơ quan ở cấp Trung ương;…/.