Khẩn trương xử lý dứt điểm các dự án bất động sản, nhà ở xã hội vướng mắc pháp lý

Thứ năm, 03/10/2024 18:40
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương xử lý dứt điểm đối với các các dự án bất động sản, nhà ở xã hội gặp khó khăn, vướng mắc pháp lý, đình trệ do quá trình triển khai thực hiện kéo dài, pháp luật qua các thời kỳ có nhiều thay đổi...

Đây là một trong những nội dung kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về việc xem xét kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”. 

Ảnh minh hoạ (Nguồn: Kim Thanh) 

Theo đó, ngày 23/9/2024, tại Phiên họp thứ 37, UBTVQH đã cho ý kiến về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”. Thông báo Kết luận của UBTVQH về nội dung này do Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường vừa ký ban hành nêu rõ:

UBTVQH đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm của Đoàn giám sát để hoàn thành nhiệm vụ giám sát do Quốc hội giao; đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ của Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, sự tham gia tích cực, hiệu quả của các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, Kiểm toán nhà nước, các chuyên gia để hoàn thiện báo cáo giám sát, chuẩn bị bước đầu dự thảo Nghị quyết giám sát. 

Đến nay, những vấn đề chính trong Báo cáo giám sát cơ bản đã đạt được sự đồng thuận và thống nhất về quan điểm, nhận thức, thực trạng, kiến nghị, đề xuất giữa Đoàn giám sát với các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của UBTVQH để hoàn thiện Báo cáo tóm tắt, Báo cáo đầy đủ, Dự thảo Nghị quyết và Video về kết quả giám sát để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8. Trên cơ sở báo cáo bổ sung của Chính phủ, rà soát thông tin, số liệu, dẫn chứng để hoàn thiện Báo cáo và các Phụ lục trình Quốc hội.

Trong đó, làm rõ hơn những ưu điểm trong thực hiện chính sách, pháp luật cũng như chủ trương của Đảng về quản lý thị trường bất động sản, nhà ở xã hội; làm rõ những chuyển biến trong thực hiện chính sách, pháp luật ngay trong quá trình giám sát; phân loại các tồn tại, hạn chế trong chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội tại Phụ lục 2 của Báo cáo theo 2 nhóm: Nhóm đã được nhận diện và điều chỉnh bởi các luật mới ban hành như Luật Đất đai năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2024, Luật Nhà ở năm 2024 và các văn bản quy định chi tiết thi hành các luật đó; Nhóm các nội dung cần tiếp tục được nghiên cứu, đề xuất tháo gỡ.

Đồng thời, hoàn thiện nội dung về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đối với những tồn tại, hạn chế.

Tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết về chuyên đề giám sát thể hiện tổng quát kết quả giám sát với các kiến nghị phù hợp, cụ thể, khả thi; bảo đảm việc hoàn thiện quy định pháp luật phải theo hướng tôn trọng quy luật thị trường, nguyên tắc phát triển bền vững, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, khắc phục những hạn chế của các quy định pháp luật hiện hành; hướng tới phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, cân đối cung - cầu, đa dạng hóa các sản phẩm bất động sản, bảo đảm an sinh nhà ở nói chung và phát triển nhà ở xã hội nói riêng; bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc chỉ đưa vào Nghị quyết giám sát những vấn đề cấp bách, đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh, có sự thống nhất cao.

UBTVQH đề nghị Chính phủ khẩn trương bổ sung, hoàn thiện các đề xuất, kiến nghị các giải pháp cụ thể hơn để giải quyết những tồn tại, hạn chế đã nêu tại Báo cáo giám sát, bảo đảm khả thi và phù hợp với tính chất của Nghị quyết giám sát trong đó bao gồm các đề xuất, kiến nghị cụ thể để giải quyết việc triển khai dự án bất động sản vướng mắc, kéo dài, giải pháp về kiểm soát dòng vốn tín dụng bất động sản, việc thực hiện nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp, việc triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”, việc đơn giản hóa thủ tục mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội, đơn giản hóa thủ tục gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, việc giảm giá nhà ở trên thị trường để bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, tập trung tháo gỡ những dự án gặp khó khăn, vướng mắc, cải tạo, xây dựng chung cư cũ, hoàn thiện quy định về quản lý, sử dụng đất trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. 

Bên cạnh đó, Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, hướng dẫn xử lý các trường hợp, phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa không còn phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương.

UBTVQH cũng đề nghị Chính phủ khẩn trương xử lý dứt điểm đối với các các dự án bất động sản, nhà ở xã hội gặp khó khăn, vướng mắc pháp lý, đình trệ do quá trình triển khai thực hiện kéo dài, pháp luật qua các thời kỳ có nhiều thay đổi trên cơ sở đánh giá đầy đủ lợi ích - chi phí và tính khả thi của phương án giải quyết để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, doanh nghiệp, đồng thời giải phóng nguồn lực cho thị trường bất động sản, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. 

“Đối với những dự án đã có kết luận của cấp có thẩm quyền về phương án tháo gỡ, đề nghị sớm hoàn thiện hồ sơ đề xuất trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Đối với những dự án khác, đề nghị tiếp tục rà soát, phân loại và xây dựng phương án giải quyết, ban hành theo thẩm quyền cơ chế giải quyết phù hợp, trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền để trình Quốc hội xem xét, quyết định” – Thông báo kết luận nêu rõ./.

Minh Thư

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực