Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ lại bị tàn phá

Thứ ba, 25/10/2011 15:16

Bằng những nỗ lực của tỉnh Bắc Cạn, nạn khai thác rừng nghiến đặc hữu trên núi đá trong Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ tạm thời được ngăn chặn trong thời gian ngắn. Nhưng gần đây nạn khai thác nghiến trái phép lại tái diễn.

 

 Rừng nghiến trong Khu BTTN Kim Hỷ mới bị chặt hạ.

Lâm tặc hoành hành

Khu bảo tồn thiên nhiên (Khu BTTN) Kim Hỷ rộng lớn, trải rộng trên địa bàn hàng chục xã thuộc hai huyện Na Rì và Bạch Thông (Bắc Cạn), còn nhiều gỗ quý hiếm, trong đó có gỗ nghiến là loài đặc hữu ở vùng núi đông bắc nước ta. Chung quanh khu bảo tồn này là dân cư sinh sống, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, từ mọi phía có rất nhiều đường mòn vào rừng, địa hình trong khu bảo tồn phức tạp và đặc biệt là có nhiều gỗ nghiến rất có giá trị kinh tế. Chỉ với một cục thớt nghiến có đường kính 40 cm, dày 20 cm, tại “cửa” rừng đã có giá ba, bốn trăm nghìn đồng, khi vận chuyển lên biên giới phía bắc đã có giá cả triệu đồng. Vì thế, Khu BTTN Kim Hỷ là “miếng mồi” ngon, lâm tặc thường xuyên lăm le, có điều kiện là chúng vào chặt hạ nghiến cưa thành thớt.

Đầu năm 2010 trở về trước, tình hình khai thác gỗ nghiến trái phép ở đây diễn ra rất phức tạp. Hạt Kiểm lâm Bắc Cạn và Ban Quản lý khu bảo tồn thống kê được có hàng nghìn khối gỗ, chủ yếu là gỗ nghiến đã bị khai thác đang nằm trong khu bảo tồn mà lâm tặc chưa kịp vận chuyển đi tiêu thụ. Trước tình hình đó, tỉnh đã điều động hơn 100 công an, bộ đội “nằm vùng” gần hai tháng để truy quét lâm tặc, bảo vệ rừng.

Tuy nhiên, gần đây rừng nghiến ở đây lại bị đốn hạ tại những vùng địa hình hiểm trở, xa xôi hơn. Đường lên khu vực rừng nghiến ở lũng Chẻn Thải thuộc xã Ân Tình phải bám theo những vách đá tai mèo, nhưng thi thoảng chúng tôi lại bắt gặp những cây gỗ nghiến có đường kính chừng 60 - 70cm bị lâm tặc chặt hạ, lâm tặc chỉ lấy phần thân, cưa làm thớt ngay trong rừng, thuê người vận chuyển ra bên ngoài. Phần lõi bị nứt, lâm tặc vứt lại nằm ngổn ngang trong rừng. Trên đường đi, quan sát trên sườn núi, thấy những vạt rừng bị đổ rạp do cây lớn đổ xuống.

Bà con địa phương cho biết trong thời gian nông nhàn, một số người dân địa phương đi vận chuyển thớt thuê cho lâm tặc. Mỗi người chỉ cần vác một cục thớt có đường kính khoảng 50cm, dày từ 10 đến 15cm từ trên núi xuống, qua đường mòn đến nơi tập kết thuộc xã Lương Thành thì được trả công 200 ngàn đồng, mỗi người được hai chuyến trong ngày. Tuy vậy những đầu nậu mới thu lời lớn khi một cục thớt như vậy được bán sang bên kia biên giới với giá gần một triệu đồng. Vì thế, việc bảo vệ khu bảo tồn ngày càng trở nên khó khăn.

Giám đốc kiêm Hạt trưởng Kiểm lâm Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kim Hỷ Nguyễn Tiến Dũng tâm sự: Mặc dù đã phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền quản lý và bảo vệ rừng đến quần chúng nhân dân trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, truy quét, mật phục trên rừng… nhưng vẫn không thể kiểm soát được tình trạng phá rừng. Thời gian gần đây, lâm tặc lại lén lút chặt hạ, khai thác và vận chuyển gỗ quý ra khỏi khu bảo tồn. Ông nói: “Chúng tôi đã có nhiều cố gắng, nhưng lực lượng còn mỏng, phương tiện thiếu, địa hình rộng lớn, hiểm trở nên việc ngăn chặn khai thác rừng nghiến chưa hiệu quả. Lâm tặc thường rình chúng tôi sơ hở là hành động”.

Chế tài xử phạt chưa nghiêm

Sau nhiều tháng chờ đợi, giữa tháng 6- 2011 nhân dân các xã Côn Minh, Ân Tình, Lạng San thuộc huyện Na Rì được chứng kiến tòa án huyện Na Rì xét xử chín người tổ chức khai thác gỗ nghiến trái phép trong Khu BTTN Kim Hỷ. Nhưng kết thúc phiên tòa, nhiều người thất vọng khi tòa tuyên các đối tượng này chỉ bị xử phạt từ 20 đến 36 tháng tù giam. Đặc biệt, tại phiên xử phúc thẩm sau đó, nhân dân địa phương ngỡ ngàng khi tòa tuyên cả chín đối tượng này chỉ bị xử lý án treo. Hạt Phó Hạt kiểm lâm Khu BTTN Kim Hỷ Nguyễn Đức Chức tỏ ra chán nản: “Không bị tù giam, một số đối tượng trở về địa phương cười phe phé, hiện nay lại đang lăm le vác cưa vào rừng ngả gỗ quý”.

Ông Nguyễn Tiến Dũng than phiền: “Một trong những nguyên nhân làm hàng trăm cây nghiến cổ thụ bị lâm tặc đốn hạ là do khung hình phạt đối với loại tội phạm này chưa tương xứng với hành vi, hậu quả mà chúng gây ra. Một cây nghiến cổ thụ có tuổi vài trăm năm, to cỡ vài ba người ôm bị đốn hạ, nhưng thủ phạm chỉ bị xử phạt án treo. Do đó, chưa có tác dụng răn đe, giáo dục ở địa phương”.

Để Khu BTTN Kim Hỷ được bảo vệ nghiêm ngặt như quy định, cần phải khắc phục những hạn chế nêu trên, đồng thời tăng cường phát triển kinh tế ở những xã giáp khu bảo tồn, có chính sách để nhân dân cùng bảo vệ rừng. Nếu không, rừng sẽ không được bảo vệ tận gốc một cách lâu dài, lực lượng chức năng chỉ chạy theo hết đợt truy quét này đến đợt tăng cường khác mà thôi.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực