Luật Thủ đô với cách đi riêng trong huy động nguồn lực

Thứ sáu, 17/11/2023 14:58
(ĐCSVN) - Hà Nội không chỉ là trung tâm hành chính – chính trị và văn hoá mà còn là một trung tâm kinh tế lớn của cả nước. Quy mô GRDP năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 1.196 nghìn tỷ đồng, bằng 12% GDP của cả nước. Do vậy, tăng trưởng kinh tế của Hà Nội sẽ có tác động lan toả thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

Cơ chế sẽ mang lại nguồn lực phát triển

Tính chung cả giai đoạn 2021-2025, tổng nhu cầu chi cho đầu tư phát triển của Hà Nội là 650 nghìn tỷ, song khả năng đáp ứng của ngân sách Nhà nước (NSNN) của Thủ đô chỉ là 284,1 nghìn tỷ, với mức thiếu hụt là 365,8 nghìn tỷ hay 56% tổng nhu cầu chi. Dự báo tổng nhu cầu chi này sẽ tăng lên 704,8 nghìn tỷ cho giai đoạn 2026-2030 song mức thiếu hụt cũng được dự báo sẽ tăng lên mức 394,2 nghìn tỷ. 

Chỉ có những cơ chế đặc thù vượt trội thì mới có thể tạo nguồn lực nhằm giải quyết sự thiếu hụt nguồn lực này và mới có thể hoàn thành được một khối lượng khổng lồ kết cấu cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hệ thống giao thông công cộng, đặc biệt là 9 tuyến được sắt đô thị, các tuyến đường nối các đô thị vệ tinh với trung tâm, các cây cầu bắc qua sông Hồng, sông Đà, hệ thống giao thông công cộng, y tế, giáo dục, các công trình văn hoá thể thao, từ đó tạo nền tảng để đưa Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD; trong đó kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà, tiêu biểu cho cả nước và có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới vào năm 2045.

Dự thảo Luật Thủ đô dự kiến sẽ trao cho Hà Nội những cơ chế đặc thù, vượt trội để hoàn thành mục tiêu đó như mở rộng quyền vay nợ, sử dụng và tập trung nguồn lực ngân sách hiện có nhằm chi cho đầu tư phát triển, phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng... Ảnh: TL. 

Dự thảo Luật Thủ đô dự kiến sẽ trao cho Hà Nội những cơ chế đặc thù, vượt trội để hoàn thành mục tiêu đó như mở rộng quyền vay nợ, sử dụng và tập trung nguồn lực ngân sách hiện có nhằm chi cho đầu tư phát triển, phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), áp dụng mô hình đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực văn hoá, thể thao, nhượng quyền kinh doanh, quản lý, liên kết trong khai thác tài sản công lĩnh vực văn hóa, thể thao hay thử nghiệm có kiểm soát đối với giải pháp công nghệ mới, khu phát triển thương mại, văn hóa, quỹ đầu tư mạo hiểm. Đáng chú ý là các các cơ chế này như trong dự thảo có tính sáng tạo, được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế đồng thời tính toán tới điều kiện thực tiễn của Việt Nam và do vậy đã đưa ra các hướng đi riêng và khả thi để huy động và sử dụng nguồn lực phát triển Thủ đô. 

Không làm ảnh hưởng tới ngân sách chung

Trong dự thảo Luật Thủ đô, quy định về tài chính ngân sách được đề cập chủ yếu tại Điều 35 và Điều 36. Quy định tại Điều 35 được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định của Luật Thủ đô năm 2012 và Nghị định số 63/2017/NĐ-CP (về thưởng vượt thu NSNN), các cơ chế chính sách thí điểm về tài chính – ngân sách theo Nghị quyết số 115/2020/QH14 của Quốc hội. Đồng thời, có 2 nội dung quy định tại Điều này đã có sự điều chỉnh, bổ sung mới so với các cơ chế thí điểm về tài chính, ngân sách đang được áp dụng ở Thủ đô như Thành phố được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn trái phiếu Chính phủ phát hành không phụ thuộc vào hạn mức trần, đồng thời Thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ, đúng hạn các nghĩa vụ liên quan đến khoản vay lại. Tuy nhiên, Dự thảo Luật cũng cẩn trọng quy định rằng “tổng mức vay và bội chi ngân sách thành phố Hà Nội hằng năm do Quốc hội quyết định”. Dự thảo cũng xây dựng Điều 36 về sử dụng nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển Thủ đô được xây dựng nhằm tạo thể chế thông thoáng, thuận lợi cho Thủ đô được linh hoạt, chủ động trong việc bố trí, sử dụng ngân sách để phục vụ cho đầu tư phát triển; khắc phục những vướng mắc của Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công hiện hành.  

Cũng trong dự thảo, các quy định về thu hút nguồn lực đầu tư phát triển Thủ đô được quy định từ Điều 37 đến Điều 45. Các quy định này có quan hệ mật thiết đến các quy định của chương III, nhằm tạo nguồn lực cho việc đầu tư, phát triển hạ tầng, đô thị, nhà ở, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, nông nghiệp, khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường của Thủ đô.

Nhìn tổng thể, các cơ chế, chính sách về tài chính ngân sách, thu hút nguồn lực này được thiết kế nhằm tạo thể chế thông thoáng, thuận lợi cho Thủ đô được linh hoạt, chủ động trong việc bố trí, sử dụng ngân sách để phục vụ cho đầu tư phát triển. Đáng chú ý là các cơ chế huy động, sử dụng nguồn lực của Thủ đô theo các cơ chế được thiết kế theo dự thảo chủ yếu nhằm mục tiêu đánh thức tiềm năng, nguồn lực rất lớn hiện có của Thành phố mà không ảnh hưởng tới NSNN Trung ương hay NSNN của các địa phương khác. Đây cũng thể hiện tinh thần Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước, cùng nỗ lực huy động nguồn lực, đầu tư và phát triển để NSNN sẽ lớn hơn và mang lại lợi ích lớn hơn cho Hà Nội và cùng cho các địa phương khác trên cả nước. 

Sáng tạo song thực tiễn trong khai thác giá trị gia tăng từ đất 

Dự thảo Luật Thủ đô đưa ra quy định về “Phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng” (TOD) tại Điều 39. Đây là cơ chế cho phép Thành phố huy động nguồn lực từ đất để phát triển đường sắt đô thị, trong đó việc quy hoạch vùng phụ cận và thu hồi, đấu giá đất trong vùng phụ cận là biện pháp để thu lại giá trị gia tăng từ đất để tạo nguồn lực cho phát triển đường sắt đô thị. Quy định này đã cơ bản thể hiện được về biện pháp, cách thức triển khai thực hiện và giải pháp kết hợp giữa dự án đường sắt đô thị và dự án phát triển đô thị. Đây là biện pháp quan trọng để giúp Thành phố đẩy nhanh tiến độ phát triển đường sắt đô thị; từ đó, giúp tăng cường khả năng kết nối giao thông, giúp giảm phương tiện giao thông cá nhân từ đó giảm ùn tắc giao thông ở đô thị trung tâm; giảm ô nhiễm không khí; giúp đẩy nhanh quá trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị trung tâm, phát triển các đô thị, thành phố vệ tinh, từ đó thực hiện hiệu quả mục tiêu di dời các cơ sở, trường đại học, cao đẳng, bệnh viện, giãn dân ở khu vực đô thị trung tâm.

TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Vietnam. Ảnh: TL. 

Mô hình TOD đã được thực hiện thành công tại nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Singapore và nhiều quốc gia khác. Việc quy định áp dụng mô hình TOD trong Luật Thủ đô cho thấy cách tiếp cận sáng tạo trên tinh thần học hỏi kinh nghiệm quốc tế, song cũng được điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn thông qua các quy định cụ thể trong Dự thảo về quy trình thực hiện nhằm phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam, và nâng cao tính khả thi ngay sau Luật có hiệu lực. Áp dụng mô hình TOD sẽ giúp Thủ đô khai thác hiệu quả nguồn lực từ đất đai trên nguyên tắc khai thác một cách tối ưu nhất và hài hòa nhất giá trị gia tăng từ đất, sớm hình thành được cơ sở hạ tầng đồng bộ đường sắt đô thị hiện đại để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Cơ chế này cũng sẽ giúp NSNN giảm bớt sức ép về nợ công, đồng thời giúp Thành phố chủ động hơn trong việc lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu, chủ động trong việc lựa chọn công nghệ và gắn kết phát triển đường sắt đô thị với việc hình thành và phát triển những ngành công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ hỗ trợ cho ngành đường sắt đô thị trong tương lai.

Phát huy vai trò nguồn lực t khu vực tư nhân

Không chỉ phát huy vai trò của khu vực tư nhân trong việc tham gia các dự án hạ tầng quy mô lớn bằng các phương thức như TOD, dự thảo Luật Thủ đô cũng quy định cho phép các dự án PPP trong lĩnh vực văn hoá, thể thao ở các dự án có quy mô lớn. Các quy định về hợp tác công tư trong khai thác tài sản công lĩnh vực văn hóa, thể thao và các dự án PPP trong lĩnh vực văn hoá, thể thao sẽ góp phần tạo nên các sản phẩm, hoạt động văn hóa, sự kiện thể thao đa dạng, phong phú, có chất lượng, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ của người dân trong nước, thúc đẩy phát triển du lịch và xuất khẩu.

Nhấn mạnh phát huy vai trò nguồn lực từ khu vực tư nhân là một cách tiếp cận phù hợp và rất riêng để huy động mạnh mẽ hơn nguồn lực từ xã hội và từ khu vực tư để cùng tham gia các dự án đầu tư, phát triển của Thành phố.

Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài sản công

Thành phố Hà Nội có một số lượng lớn các công trình hạ tầng văn hóa, thể thao. Thực tiễn cho thấy rất nhiều công trình này chưa được sử dụng, khai thác một cách hiệu quả và xuống cấp nhanh chóng do thiếu các nguồn lực để duy tu, bảo dưỡng và đầu tư bổ sung..

Điều 42 Dự thảo Luật Thủ đô quy định cho phép Thành phố được nhượng quyền kinh doanh, quản lý các công trình hạ tầng văn hóa, thể thao nhằm sử dụng, khai thác hiệu quả công trình, tạo nguồn thu để tái đầu tư, bảo dưỡng, phát triển công trình, tăng khả năng tự chủ của các đơn vị sự nghiệp. Đây là quy định rất phù hợp với chủ trương, định hướng chỉ đạo và tình hình thực tiễn.  Dự thảo cũng cụ thể hoá phương thức O&M của Luật PPP với công trình, hạ tầng văn hóa, thể thao. Biện pháp này giúp huy động nguồn lực xã hội tham gia, hợp tác với Nhà nước khai thác, vận hành và bảo trì có hiệu quả, đúng công năng của công trình văn hóa, thể thao; tổ chức nhiều hơn, rộng rãi hơn các hoạt động văn hóa, thể thao; giúp Nhà nước, nhà đầu tư thu được lợi ích kinh tế cao hơn từ việc hợp tác và giúp cho người dân có cơ hội được tiếp cận, sử dụng các công trình văn hoá, thể thao, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn Thủ đô.

Tuy nhiên, để đảm bảo việc thực hiện hiệu quả, tránh lạm dụng trên thực tiễn, đồng thời bảo vệ được các công trình văn hóa, Dự thảo Luật đã quy định loại trừ những lĩnh vực hay công trình mà không được phép thực hiện theo cơ chế này, đồng thời quy định vai trò của HĐND trong việc ban hành danh mục cũng như giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện.

Với tinh thần cơ chế sẽ tạo ra nguồn lực, hy vọng rằng các giải pháp về huy động và sử dụng nguồn lực đang được đề xuất trong Dự thảo của Luật Thủ đô sẽ tạo ra những đột phá mới về phát triển, đặc biệt là trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, y tế - giáo dục, văn hóa – thể thao, khoa học công nghệ, môi trường, du lịch, nông nghiệp và phát triển nông thôn trong thời gian tới./.

TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Vietnam

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực