Nâng cao hiệu quả văn hóa đọc sách pháp luật

Thứ tư, 17/04/2024 14:30
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Phó Cục trưởng Cục PBGDPL Phan Hồng Nguyên mong muốn Tọa đàm là nơi để trao đổi, đánh giá thực trạng văn hóa đọc sách pháp luật; trong đó đánh giá kết quả đạt được, nhận diện các tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, từ đó đề xuất các giải pháp để phát huy vai trò văn hóa đọc sách pháp luật, nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật.

Hưởng ứng Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam (21/4/2024), sáng 17/4, Cục Phổ biến giáo dục pháp luật tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Giải pháp nâng cao hiệu quả văn hóa đọc sách pháp luật”. Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) Phan Hồng Nguyên chủ trì Tọa đàm.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Cục trưởng Cục PBGDPL Phan Hồng Nguyên nhấn mạnh, sách là kho tàng tri thức quý báu của nhân loại, đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải thông tin về tri thức nhân loại đến người dân. Sách pháp luật là công cụ quan trọng, là phương tiện để thông tin pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, đưa tri thức pháp lý đến người dân.

 Phó Cục trưởng Cục PBGDPL Phan Hồng Nguyên phát biểu khai mạc Tọa đàm. Ảnh: TH.

Điều 11 của Luật PBGDPL xác định: Sách và tài liệu pháp luật là một trong những hình thức PBGDPL có hiệu quả, hiện nay, sách pháp luật rất đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang phát triển mạnh mẽ với việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đa dạng hình thức tiếp cận thông tin pháp luật thì văn hóa đọc nói chung, văn hóa đọc sách pháp luật nói riêng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức; mỗi năm trung bình 1 người dân Việt Nam chỉ đọc tham khảo 4 đầu sách pháp luật; tình hình quản lý, khai thác sách pháp luật, thiết chế văn hóa thông tin cơ sở cũng nhiều khó khăn, cần giải pháp để giải quyết; số lượng người tìm đọc sách pháp luật chưa nhiều…

Tại Hội thảo, ông Trần Văn Tùy, Phó trưởng phòng truyền thông chính sách, PBGDPL (Cục PBGDPL) đã nhấn mạnh đến vị trí, vai trò của sách pháp luật, khẳng định sách pháp luật là kho tàng tri thức pháp luật, cũng như là một trong các phương tiện để thực hiện PBGDPL. Thực tiễn cho thấy, PBGDPL qua sách pháp luật có thể đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhiều đối tượng với nhiều trình độ nhận thức khác nhau. Thông qua việc đọc sách pháp luật, người đọc sẽ được trang bị nội dung, kiến thức pháp luật; các quy định về quyền, nghĩa vụ pháp lý cụ thể trong từng lĩnh vực pháp luật để nâng cao hiểu biết của bản thân. Việc hiểu biết pháp luật sẽ giúp hình thành trong người dân niềm tin vào pháp luật; qua đó tăng cường ý thức tự giác chấp hành pháp luật, sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

  Tọa đàm “Giải pháp nâng cao hiệu quả văn hóa đọc sách pháp luật”. Ảnh: TH.

Ông Đồng Việt Phương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hậu Giang chia sẻ, hiện nay trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có 8/8 huyện, thị xã, thành phố có 58 mô hình “Quán cà phê pháp luật”. Qua nhiều năm áp dụng mô hình đi vào hoạt động, công tác PBGDPL gắn với mô hình này đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, chất lượng chưa cao, chưa duy trì sinh hoạt thường xuyên, liên tục; chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý các mô hình tuyên truyền PBGDPL; việc đầu tư về cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động cho mô hình còn hạn chế, chưa đảm bảo đầy đủ; còn tình trạng lười, ngại đọc sách pháp luật trong một phận người dân nhất là trong giới thanh, thiếu niên, đặc biệt trong giai đoạn công nghệ thông tin phát triển…

Theo đó, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hậu Giang Đồng Việt Phương đề xuất cần nhân rộng các mô hình “Quán cà phê pháp luật”, “cà phê doanh nhân”; đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với từng địa bàn, đối tượng được phổ biến; tăng cường bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ cho những người làm công tác tuyên truyền; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng, hướng dẫn đúng đắn từ gia đình, nhà trường về văn hóa đọc nhất là đọc sách pháp luật, nhằm giúp các em học sinh có nền tảng tri thức, nhất là tri thức pháp luật, tạo cho các em có thói quen tự tìm hiểu pháp luật, tự giác chấp hành pháp luật ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.

Tại Tọa đàm, để nâng cao hiệu quả văn hóa đọc sách pháp luật, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp cụ thể như: tiếp tục ban hành thể chế, chính sách để khuyến khích văn hóa đọc và thiết chế hiệu quả phục vụ văn hóa đọc; cần thiết phải xây dựng, hình thành văn hóa đọc sách nói chung, sách pháp luật nói riêng trong từng cá nhân công dân và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong việc xuất bản các loại hình sách pháp luật điện tử; quan tâm đầu tư, xuất bản sách pháp luật dành cho đối tượng là người yếu thế trong xã hội…/.

Vy Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực