Nhân dịp đầu xuân Tân Sửu 2021, Tổng Cục trưởng Tổng cục thi hành án dân sự (THADS) Nguyễn Quang Thái đã có chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam về những kết quả đã đạt được trong năm 2020 và các giải pháp nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong năm 2021.
Vượt chỉ tiêu về việc, về tiền
PV: Năm 2020, kết quả công tác THADS đã đạt được những kết quả quan trọng, vượt chỉ tiêu về việc, về tiền được Bộ Tư pháp giao. Xin ông chia sẻ rõ hơn về kết quả này?
Tổng Cục trưởng Nguyễn Quang Thái: Năm 2020, mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình tổ chức thi hành án, song Tổng cục đã tập trung triển khai toàn diện, đồng bộ các mặt công tác, bám sát Chương trình, Kế hoạch công tác, đặc biệt là nhiệm vụ chỉ đạo các cơ quan THADS tập trung, nỗ lực để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự (THADS), theo dõi thi hành án hành chính (THAHC). Nhờ đó, mà kết quả thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ của toàn Hệ thống đã đạt được tỷ lệ cao: đạt tỷ lệ 81,41% về việc, tăng 2,82% so với năm 2019; đạt 40,09% về tiền, tăng 4,66% so với năm 2019.
Các cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước đã tập trung thi hành xong 363/830 việc (đạt tỷ lệ 43,73%, tăng 65 việc so với năm 2019). Kết quả thi hành án ngày càng thực chất và bền vững; cơ quan THADS các cấp đã chủ động xác minh, áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi tài sản cho ngân sách nhà nước, khoản nợ của các tổ chức tín dụng, các vụ việc phức tạp, kéo dài, các vụ án lớn được tập trung chỉ đạo giải quyết, đạt kết quả cao; thể chế ngày càng hoàn thiện, tổ chức bộ máy các cơ quan THADS từng bước được củng cố, kiện toàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần quan trọng vào vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Đáng chú ý, trong năm 2020 ngành thi hành án đã rất chú trọng trong việc thu hồi tài sản Nhà nước bị thất thoát trong các vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo. Nhờ vậy đã đạt được kết quả rất tốt: Trong tổng số 15.000 tỷ đồng thi hành được trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, đã có trên 14.000 tỷ đồng thuộc các vụ án do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi.
PV: Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng việc đặt chỉ tiêu cao sẽ dẫn đến áp lực cho chấp hành viên, có thể dẫn đến thiếu sót trong quá trình thi hành án, thưa Tổng Cục trưởng?
Tổng Cục trưởng Nguyễn Quang Thái: Vâng, rõ ràng việc đặt ra chỉ tiêu cũng có hai mặt.
Một mặt để cho anh em nhận thức tốt hơn trách nhiệm của mình, nỗ lực cố gắng hoàn thành mục tiêu. Mặt khác đâu đó có hiện tượng vì lý do cố gắng hoàn thành nhiệm vụ có biểu hiện “nọ kia”, tuy nhiên đây là vấn đề thứ yếu.
Tôi cho rằng cần tiếp tục tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ, chấp hành viên hệ thống thi hành án hiểu rằng phải nỗ lực hoàn thành mục tiêu nhưng đúng pháp luật. Đồng thời, tạo các kênh giám sát, kiểm tra để hạn chế tối đa những vi phạm, thiếu sót.
Cùng với đó, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Thủ trưởng cơ quan THADS, không để xảy ra tình trạng “khoán trắng” cho Chấp hành viên.
|
Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Quang Thái yêu cầu đẩy mặt công tác tự kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tại hội nghị triển khai công tác THADS năm 2021. Ảnh: TH. |
Đẩy mạnh công tác tự kiểm tra
PV: Thực tế cho thấy, trong năm qua mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp song tính chất và mức độ vi phạm của đội ngũ cán bộ, chấp hành viên vẫn có chiều hướng gia tăng. Theo ông nguyên nhân do đâu và cần có giải pháp nào mạnh hơn?
Tổng Cục trưởng Nguyễn Quang Thái: Thứ nhất, về khách quan, có những quy định pháp luật chưa thống nhất trong cách hiểu và quan điểm áp dụng, do nhận thức sơ suất dễ dẫn đến sai phạm cho các chấp hành viên.
Bên cạnh đó, THADS có những khó khăn nhất định về trình tự, thủ tục, yêu cầu với công tác này như một giai đoạn tố tụng, đòi hỏi phải chặt chẽ, bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của các bên liên quan.
Thứ hai, về chủ quan, một số đội ngũ chấp hành viên chưa đáp ứng yêu cầu kể cả về phẩm chất đạo đức và năng lực trình độ. Do đó, cũng có những cán bộ cố tình vi phạm bị phát hiện và xử lý. Đối với những trường hợp cố tình sai phạm, chúng tôi sẽ xử lý rất nghiêm.
Về giải pháp, theo tôi, cần nhiều giải pháp đồng bộ. Trước tiên, cần tập trung củng cố kiện toàn đội ngũ cán bộ THADS trong cả nước, đặc biệt đối với các tỉnh, địa phương, địa bàn yếu kém, nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo, kiểm tra của đội ngũ lãnh đạo; nâng cao năng lực, trình độ, tinh thần trách nhiệm của Chấp hành viên. Tập trung khắc phục nguyên nhân chủ quan về đạo đức, phẩm chất, nâng cao năng lực trình độ cán bộ, chấp hành viên. Câu chuyện này phải làm thường xuyên và lâu dài.
Đồng thời, cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác kiểm tra, xử lý nghiêm khắc các sai phạm, nhằm xây dựng hệ thống ngày càng trong sạch.
Tôi cho rằng cần kiểm soát nghiêm hơn quá trình tổ chức thi hành án. Vừa qua tôi đã chỉ đạo tất cả 100% vụ việc liên quan đến đấu giá tài sản thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án phải vào cuộc kiểm soát không để chấp hành viên một mình quyết định.
Các vụ việc liên quan đến cưỡng chế phải huy động lực lượng cũng phải có sự kiểm soát của Thủ trưởng cơ quan thi hành án để hạn chế sai phạm, thiếu sót.
Tới đây, chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh công cuộc tự kiểm tra. Lâu nay vẫn cho rằng khâu này là khâu yếu. Năm 2020 chúng tôi đã làm nhưng trong năm 2021 cần tích cực hơn. Tổng cục THADS sẽ yêu cầu thực hiện nghiêm công tác tự kiểm tra , chính là để kiếm soát lẫn nhau giúp cho công tác thi hành án tốt hơn, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong kiểm soát, giám sát việc tổ chức thi hành án của chấp hành viên.
Tập trung thi hành án tham nhũng, kinh tế
PV: Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cũng là năm cả nước triển khai Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Để thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ,Tổng cục đã đề ra các giải pháp trọng tâm gì, đặc biệt để giải quyết các vụ việc trọng điểm, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng thưa Tổng Cục trưởng?
Tổng Cục trưởng Nguyễn Quang Thái: Nhằm thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, năm 2021 trong lĩnh vực công tác THADS, Tổng cục THADS đã đề ra các nhóm giải pháp trọng tâm. Đặc biệt, năm 2021, Tổng cục THADS, Bộ Tư pháp đã xác định việc đảm bảo hiệu quả công tác thu hồi tiền, tài sản của nhà nước bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm cần được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
|
Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Quang Thái (áo trắng) lắng nghe tâm tư,
kiến nghị của người dân khi thực hiện tiếp công dân. Ảnh: TH.
|
Nếu như trước đây chúng ta quan tâm nhiều đến việc làm sao tìm cho được tội phạm, thì hiện nay song song và đồng thời với việc đó là thu hồi tối đa tiền của Nhà nước bị thất thoát .
Để nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong các vụ việc loại này, Tổng cục thường xuyên theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan THADS lập kế hoạch đối với từng vụ việc cụ thể để tổ chức thi hành kịp thời, hiệu quả. Tăng cường công tác phối hợp liên ngành trung ương và địa phương trong công tác THADS, nhất là trong công tác xác minh, truy tìm tài sản, trong tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thực tiễn áp dụng pháp luật, trong tổ chức thi hành án để giải quyết dứt điểm các vụ việc. Tiếp tục tập trung chỉ đạo các cơ quan THADS kịp thời nắm bắt thông tin từ giai đoạn xét xử để chủ động có các biện pháp thi hành án hiệu quả hơn, đồng thời, đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng tăng cường các biện pháp kê biên, phong tỏa tài khoản, tài sản của các đối tượng phạm tội ngay từ giai đoạn điều tra để phòng ngừa, hạn chế tẩu tán tài sản.
Đối với các vụ việc trọng điểm, phức tạp, kéo dài, Tổng cục THADS luôn dành sự quan tâm đặc biệt và đã lồng ghép trong các giải pháp trọng tâm. Theo đó, Tổng cục sẽ giao các cơ quan THADS chủ động, tích cực đề xuất tham mưu cho cấp ủy và chính quyền địa phương, Ban Chỉ đạo THADS tập trung chỉ đạo giải quyết giải quyết dứt điểm, thấu tình đạt lý các vụ việc này; bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong tổ chức thi hành án, nhất là trong tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ việc, có ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Một trong những giải pháp đặt ra là phải xác định rõ trách nhiệm của hệ thống cơ quan thi hành án trong thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng không chỉ được Đảng, Nhà nước mà dư luận xã hội quan tâm. Từ việc đề cao trách nhiệm việc thực hiện thi hành án sẽ hiệu quả cao.
Trong chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính Tổng cục giao cho các cơ quan thi hành án dân sự địa phương năm 2021, ngay từ đầu năm đã yêu cầu: Tiếp tục thi hành có hiệu quả các khoản thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, đặc biệt là các vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, đảm bảo tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt đạt trên 60%. Kết quả thi hành án cho các tổ chức tín dụng ngân hàng, các khoản thu cho ngân sách nhà nước bảo đảm đạt tỷ lệ thi hành xong về việc, về tiền cao hơn năm 2020.
Tổng Cục cũng yêu cầu, trong năm 2021, cơ bản khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động thi hành án dân sự, nhất là các vi phạm trong kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án; giảm đến mức thấp nhất các vụ việc liên quan đến trách nhiệm bồi thường nhà nước, bảo đảm tài chính và các vụ việc đấu giá thành nhưng chưa giao được tài sản…
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!