Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội chọn 4 lĩnh vực chất vấn gồm: Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Tài chính; Ngân hàng Nhà nước, Giao thông vận tải. Đây đều là những vấn đề nóng được cử tri và đại biểu quan tâm.
Kết quả phiên chất vấn cho thấy các nội dung chất vấn đã được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) lựa chọn là đúng và trúng, bao quát các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, được nhân dân, cử tri cả nước quan tâm theo dõi và đánh giá cao.
Là Bộ trưởng đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) cho rằng, phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã đi sát vào các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, trả lời rất thẳng thắn các câu hỏi và tự nhận trách nhiệm về những tồn tại, nêu những giải pháp khắc phục thời gian tới, để ngành nông nghiệp phát triển hiệu quả, bền vững, mang lại cuộc sống tốt hơn cho người nông dân ở nông thôn, để nông thôn ngày càng phát triển hơn…
Đối với trả lời của Bộ trưởng Lê Minh Hoan về những giải pháp khắc phục tình trạng phân bón giả và đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp hay vấn đề về sản phẩm nông nghiệp sạch, đại biểu Nguyễn Tạo cho rằng, vấn đề này phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, cả hệ thống chính trị từ cơ sở tới Trung ương.
|
ĐBQH Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng). Ảnh: TH |
“Giải pháp mà Bộ trưởng Lê Minh Hoan đưa ra cũng cần sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng. Theo tôi nghĩ, nếu làm tốt việc này chúng ta sẽ đẩy lùi được tình trạng trên cũng như trong bình ổn giá, tạo sự liên kết giữa những người nông dân để kết nối với doanh nghiệp cũng như giữa doanh nghiệp với các hiệp hội như Bộ trưởng đã trả lời”, đại biểu Nguyễn Tạo nói.
ĐBQH Phan Đức Hiếu (Đoàn Thái Bình) đánh giá cao Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã nêu ra một số giải pháp, định hướng mới, như tách bạch từng vấn đề trong quá trình cổ phần hóa, từ đất đai đến giá trị thương hiệu…, góp phần giúp cổ phần hóa minh bạch, chống thất thoát và đạt hiệu quả cao nhất.
Đối với vấn đề thị trường vốn, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, ngoài những biện pháp như Bộ trưởng đã nêu là giám sát, chấn chỉnh thị trường chứng khoán, xử lý cán bộ vi phạm trong ngành tài chính, đại biểu cho rằng, cần có khung giải pháp dài hạn hơn, đó là cải cách thể chế, minh mạch hóa thông tin giúp cho thị trường này phát triển một cách bền vững.
Mặc dù đây là lần đầu tiên Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đăng đàn trả lời, nhưng theo đánh giá của ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị), Thống đốc nắm chắc vấn đề, nắm chắc vấn đề để trả lời trúng trọng tâm, trọng điểm vấn đề các cử tri, ĐBQH quan tâm.
Đại biểu cho hay đồng tình với các giải pháp mà Thống đốc NHNN đưa ra để hệ thống ngân hàng lành mạnh, linh hoạt, lựa chọn các phương án phù hợp với xu thế, ổn định để vừa kiểm soát lạm phát, vừa phục hồi phát triển nền kinh tế, đẩy lùi được tình trạng nợ xấu gia tăng, hạ mức tín dụng, tiếp cận vốn…
|
ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị). Ảnh: TH |
Dẫn lời Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể trả lời ngay ở phần mở đầu khẳng định: Giao thông vận tải là mạch máu của nền kinh tế, hết sức quan trọng, hạ tầng để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh, phục vụ đời sống sinh hoạt của xã hội, đại biểu bày tỏ tin tưởng và hy vọng qua phiên chất vấn sẽ phản ánh được bức tranh toàn cảnh của xã hội, đất nước về giao thông toàn quốc. Bộ trưởng Giao thông vận tải sẽ tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, có những quyết sách, giải pháp tham mưu cho Quốc hội dành nguồn lực cho ngành giao thông, cũng như phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành địa phương rà soát, đầu tư cho hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm, phục vụ tạo lợi ích về kinh tế - xã hội, môi trường.
“Chấm điểm” phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể, ĐBQH Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) đánh giá cao Bộ trưởng là người có kinh nghiệm trên Nghị trường, nắm vấn đề rõ, trả lời với khí thế và quyết tâm cao.
“Tôi ghi nhận những nội dung và cam kết của Bộ trưởng đối với các vấn đề mà ĐBQH đặt ra. Phần trả lời của Bộ trưởng đã giúp cho cá nhân tôi và các ĐBQH một phần yên tâm về lộ trình đặt ra và các cam kết của Bộ trưởng đối với các vấn đề mà ĐBQH rất quan tâm”, đại biểu nêu rõ.
|
ĐBQH Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai). Ảnh: TH |
Theo đại biểu, lĩnh vực giao thông vận tải được chọn là một trong 4 nhóm vấn đề chất vấn kỳ họp này là đúng và trúng. Phiên chất vấn không chỉ đánh giá trách nhiệm của ngành GTVT mà còn là sự gợi mở, chia sẻ, hiến kế của ĐBQH với ngành GTVT trước khối lượng công việc đang đồ sộ, và nhiều quyết sách đang đợi trong thời gian tới, đặc biệt trong 2 năm triển khai các dự án lớn để thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội.
Đại biểu cũng cho rằng các ĐBQH lo ngại về tiến độ một số dự án công trình giao thông lớn là có cơ sở vì đang trong thời điểm giá nguyên liệu vật liệu tăng cao, xăng dầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ dự án. Vì vậy, cần phải giải pháp đồng bộ và phù hợp trong thời gian tới.
Đại biểu cho hay, trong quá trình trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã nêu lên một số giải pháp, đặc biệt ý kiến của Chủ tịch Quốc hội lưu ý các dự án khi thực hiện ký kết hợp đồng phải tính toán, có sự điều chỉnh hợp lý, trong cơ cấu điều chỉnh giá phải có sự linh hoạt với biến động giá cả.
“Tôi nghĩ rằng trong bối cảnh hiện nay cần có sự chung tay của nhiều Bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương. Trong đó, nên đẩy mạnh phân cấp cho các địa phương, làm tốt khâu giải phóng mặt bằng; tiết giảm được việc kéo dài thời gian; thực hiện tốt khâu chuẩn bị nguyên vật liệu, giám sát, triển khai của Ban Quản lý, Bộ GTVT…”, đại biểu đề xuất.
Đại biểu Trịnh Kim Yến (Đoàn TP.Hồ Chí Minh) nhận định, mỗi vị Tư lệnh ngành có cách trả lời riêng, nhưng 2 vị Tư lệnh ngành: nông nghiệp và ngân hàng lần đầu tiên đăng đàn cơ bản đáp ứng được yêu cầu các ĐBQH đặt ra, trả lời các nhóm vấn đề thẳng thắn và với tinh thần cầu thị.
Đại biểu Trịnh Kim Yến bày tỏ ấn tượng với phần trả lời Bộ trưởng Bộ Tài chính Phớc với kinh nghiệm của mình, đã phân tích sâu sắc, nêu vấn đề, chỉ ra những nguyên nhân chủ quan, khách quan và các giải pháp cụ thể trong thời gian tới.
Liên quan đến băn khoăn của ĐBQH về việc triển khai gói hỗ trợ phục hồi kinh tế có thể tác động đến lạm phát, đại biểu cho hay nhiều giải pháp đưa ra để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, tuy nhiên, trong mỗi giải pháp sẽ có thể có những rủi ro nhất định. Nếu chúng ta cứ sợ rủi ro thì sẽ không đạt được kết quả như mong muốn.
“Quan trọng là các tư lệnh ngành phải dự báo được những khả năng sẽ xảy ra và điều hành linh hoạt, chứ nếu cứ cứng nhắc thì sẽ không có giải pháp đột phá”, đại biểu nói.
|
Đại biểu Trịnh Kim Yến (Đoàn TP.Hồ Chí Minh). Ảnh: TH |
Khẳng định hiệu quả của phiên chất vấn rất hay như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nói là thúc đẩy được các vấn đề cần giải quyết, song đại biểu Trịnh Kim Yến lưu ý, điều quan trọng là đối với các giải pháp các Bộ trưởng đã đưa ra phải phân tích kỹ nguyên nhân trách nhiệm, đặt ra vấn đề xử lý như thế nào?. Đồng thời, phải biến lời hứa, cam kết thành những giải pháp căn cơ, hành động cụ thể trong thời gian tới.
Đồng quan điểm, ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng những nội dung các đại biểu chất vấn là những vấn đề nóng đang diễn ra hiện nay, được rất nhiều đại biểu, cử tri quan tâm, đòi hỏi cần có giải pháp kịp thời để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện. Do vậy, khi Bộ trưởng đã cam kết trước cử tri, trước Quốc hội thì cần chú ý thực hiện tốt cam kết của mình, thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm "tư lệnh ngành".
Trong khi đó, ĐBQH Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) bày tỏ ấn tượng với vai trò điều hành các phiên chất vấn của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, rất linh hoạt, nhịp nhàng, kịp thời chấn chỉnh hoặc gợi mở để phần trả lời của các Bộ trưởng, trưởng ngành đi đúng trọng tâm hoặc làm rõ những vấn đề đại biểu đưa ra nhưng Bộ trưởng chưa trả lời đầy đủ. Theo đại biểu, phần điều hành của Chủ tịch Quốc hội hoàn toàn đáp ứng được mong đợi của cử tri cũng như thỏa mãn phần chất vấn của các ĐBQH.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã khép lại trong không khí dân chủ, đổi mới, đi tới cùng các vấn đề, thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri cả nước.
Các đại biểu kỳ vọng, những giải pháp, cam kết mà các Bộ trưởng đưa ra sẽ được triển khai kịp thời, thiết thực, nhằm khắc phục hạn chế, yếu kém, tạo sự chuyển động mạnh mẽ, tích cực trong công tác quản lý nhà nước; góp phần xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân; đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của Quốc hội và cử tri cả nước./.