Người dân có quyền kiểm tra giấy tờ của cảnh sát giao thông hay không?

Thứ tư, 24/08/2016 15:39

(ĐCSVN) - Người dân có quyền kiểm tra cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ hay không? Đó là câu hỏi đang làm nóng dư luận khi người đứng đầu ngành Cảnh sát giao thông phát biểu: "Các chiến sỹ cảnh sát giao thông ra đường xử lý vi phạm được các cấp có thẩm quyền cho phép, trên ngực có bảng tên, biển hiệu, có thẻ đàng hoàng nên người dân yêu cầu kiểm tra kế hoạch, chuyên đề hay kiểm tra tem kiểm định của máy bắn tốc độ là không đúng, họ không có quyền như vậy”.


Cảnh sát giao thông kiểm tra, xử lí vi phạm tại đường Phạm Hùng, gần ngã tư Xuân Thủy (Hà Nội). Ảnh: BA

Phát biểu trên của Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông tại buổi tổ chức ra quân đợt cao điểm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông do Phòng Cảnh sát giao thông (Công an Hà Nội) tổ chức hôm 15/8.

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Nguyễn Phú Thắng- Công ty Luật INTERCODE, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, để trả lời câu hỏi dân có quyền kiểm tra cảnh sát giao thông (CSGT) làm nhiệm vụ hay không? Trước hết cần làm rõ: Vì sao người tham gia giao thông, người vi phạm và những người dân chứng kiến lại yêu cầu “kiểm tra ngược” lực lượng cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ?

Theo luật sư Thắng, yêu cầu kiểm tra của người dân xuất phát từ thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp người tham gia giao thông không vi phạm mà vẫn bị CSGT dừng phương tiện để yêu cầu kiểm tra, dẫn đến người tham gia giao thông có quyền nghi ngờ cảnh sát đã làm sai quy trình. Trong khi người dân đã nắm được quy định tại Thông tư 01/2016 của Bộ Công an (trước kia là Thông tư 65/2012). Theo đó, CSGT muốn dừng đỗ phương tiện của người tham gia giao thông trong trường hợp họ không vi phạm thì phải thỏa mãn một trong những điều kiện:

Phải có kế hoạch hay mệnh lệnh của Cục trưởng Cục CSGT hay Giám đốc Công an tỉnh trở lên; hoặc có kế hoạch tuần tra, kiểm soát của Trưởng phòng tuần tra (thuộc Cục), Trưởng phòng CSGT, Trưởng Công an huyện trở lên; Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra, cơ quan chức năng nhằm phục vụ đấu tranh, phòng chống tội phạm hay vi phạm pháp luật khác; Hoặc có tin báo, tố giác vi phạm pháp luật.

Luật sư Thắng khẳng định, trong những trường hợp quy định trên, quyền yêu cầu xuất trình kế hoạch, mệnh lệnh của người dân là hoàn toàn chính đáng và phải được chấp nhận.

Còn theo Hiến pháp 2013, người dân có quyền tự do đi lại, tự do tiếp cận thông tin, trừ trường hợp đó là thông tin mật. Mà thông tin thuộc doanh mục bí mật Nhà nước thì phải được đóng dấu “Mật”, “Tuyệt mật” hay “Tối mật” theo Pháp lệnh Bí mật Nhà nước, khi đó lực lượng CSGT mới có quyền từ chối yêu cầu của người dân một cách đúng luật.  Luật Tiếp cận thông tin cũng quy định quyền này của người dân cụ thể tại Điều 9, Điều 10. Do đó, việc người dân yêu cầu cảnh sát cho biết kế hoạch tuần tra, kiểm soát là có căn cứ.

Một lí do nữa, cần thiết để “kiểm tra ngược” CSGT làm nhiệm vụ là, thực tế đã xảy ra tình trạng lực lượng CSGT làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý nhưng không có văn bản được phê duyệt của người có thẩm quyền, hoặc thực hiện nhiệm vụ không đúng với nội dung văn bản được phê duyệt, dẫn đến hiện tượng lạm quyền. Thậm chí còn có hiện tượng giả làm CSGT, cảnh sát trật tự, cảnh sát cơ động để dừng xe, dọa dẫm rồi lấy tiền của người dân…Khi người dân bị dừng phương tiện thì ít nhiều quyền của họ đã bị cơ quan chức năng hạn chế, tác động, đó là quyền tự do đi lại, quyền được bảo vệ về tài sản, danh dự, dẫn đến phản kháng cách nọ, cách kia, trong đó có yêu cầu kiểm tra văn bản, kiểm tra tem kiểm định phương tiện kỹ thuật như máy bắn tốc độ, đo nồng độ rượu, hình ảnh từ camera…

Theo luật sư Nguyễn Phú Thắng, để người dân tuân thủ pháp luật một cách tâm phục khẩu phục, cơ quan bảo vệ pháp luật, cụ thể là CSGT làm nhiệm vụ cần tuân thủ pháp luật trước hoặc làm cho người dân yên tâm rằng, họ đang bị kiểm tra, xử lí hoàn toàn đúng với quy định pháp luật. Muốn vậy, phải công khai, minh bạch hoạt động của CSGT.

“Xưa nay, chúng ta quen việc chỉ có lực lượng cảnh sát kiểm tra người dân chứ không có tư duy ngược lại, mặc dù Hiến pháp, Luật cho xác lập và bảo hộ quyền này. Vì vậy, cần minh bạch hóa, công khai hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lí vi phạm để người dân được biết. Nếu đúng luật, người dân hoàn toàn ủng hộ, còn chưa đúng thì rõ ràng người dân có quyền nghi ngờ và khi đó hoạt động của CSGT sẽ khó khăn. Việc minh bạch, vừa tránh việc lạm quyền, sai thẩm quyền, tiêu cực vừa xóa bỏ mối nghi ngờ từ người dân”, luật sư Thắng nói.


Luật sư Nguyễn Phú Thắng- Công ty Luật INTERCODE, Đoàn Luật sư TP Hà Nội. Ảnh: BA

Cùng trao đổi về việc có hay không quyền kiểm tra, giám sát của người dân đối với CSGT, luật sư Nguyễn Thuận- Giám đốc Trung tâm pháp lý TP. Đà Nẵng, cho rằng, vai trò giám sát của người dân đã thể hiện trong Hiến pháp. Nhưng nếu đòi hỏi quy định chi tiết với từng tình huống làm nhiệm vụ của CSGT thì hiện nay vẫn chưa có, dẫn đến lúng túng khi người thì bảo người dân có quyền, người thì bảo không có quyền kiểm tra.

“Qua theo dõi trên báo chí, tôi thấy không ai (kể cả người đứng đầu lực lượng CSGT) đưa ra được căn cứ pháp luật để chứng minh rằng người dân không có quyền kiểm tra CSGT. Trong khi Hiến pháp 2013 đã thể hiện người dân có quyền  giám sát cơ quan công vụ và cán bộ, công chức, quyền tiếp cận thông tin, trừ thông tin mật theo quy định”, luật sư Thuận nói.

Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Thuận cũng quan ngại: Nếu cứ bị dừng xe là đòi kiểm tra kế hoạch chuyên đề, thiết bị làm việc của cảnh sát thì sẽ rất khó khăn, bất tiện cho người thi hành công vụ, thậm chí có thể dẫn đến lạm dụng việc kiểm tra này để cố tình gây khó dễ cho CSGT. Vì vậy, cơ quan chức năng cần hướng dẫn công khai cách thức kiểm tra, giám sát với những trường hợp có tính phổ biến,  để vừa đảm bảo cho người dân được kiểm tra, giám sát vừa không làm khó cảnh sát khi làm nhiệm vụ, đồng thời ngăn chặn được trường hợp lạm quyền, giả danh cảnh sát.

Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an) cũng khẳng định khi trả lời báo chí: Theo quy định pháp luật, trong tất cả các trường hợp, người dân đều có quyền kiểm tra, giám sát lực lượng cảnh sát để tránh lực lượng thực thi nhiệm vụ lạm quyền. Tuy nhiên, cũng có một số yêu cầu của người dân với CSGT đang làm nhiệm vụ là không thể đáp ứng được. Cụ thể như với các chương trình hay kế hoạch chuyên đề, nếu người dân yêu cầu được xem lại là không khả thi. Bởi, mỗi kế hoạch chuyên đề chỉ có người quản lý chung được giữ, sau đó phổ biến cụ thể cho tất cả các cán bộ, chiến sĩ, không phải cán bộ, chiến sĩ CSGT nào cũng có một tờ kế hoạch chuyên đề này đem theo ra đường.

Theo khuyến cáo của Thiếu tướng Trần Thế Quân, nếu nghi ngờ cảnh sát, người dân có thể yêu cầu kiểm tra chứng minh thư công an nhân dân, lập biên bản, gọi điện đến đơn vị của chiến sĩ cảnh sát đó, hoặc đường dây nóng để xác minh, tố cáo./.

Bùi An

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực