Nhiều chỉ tiêu đặt ra trong Nghị quyết số 43 cơ bản hoàn thành

Thứ bảy, 25/05/2024 21:40
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh nêu rõ, sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 43, nước ta đã từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế, khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội; các chỉ tiêu đặt ra trong Nghị quyết số 43 cơ bản hoàn thành.
 Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo tóm tắt Kết quả thực hiện giám sát chuyên đề. (Ảnh: QH)

 Sáng 25/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”.

Nhiều chỉ tiêu đặt ra trong Nghị quyết 43 cơ bản hoàn thành

Trình bày Báo cáo tóm tắt Kết quả thực hiện giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết: Nghị quyết số 43 được Quốc hội ban hành trong bối cảnh đặc biệt, khi dịch COVID-19 với những diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, gây tác động tiêu cực nặng nề đến đời sống người dân và tình hình kinh tế - xã hội đất nước, với nhiều chính sách mạnh mẽ, quyết liệt, mang tính đặc thù, chưa từng có tiền lệ giúp phục hồi và phát triển nền kinh tế sau đại dịch.

Đến hết năm 2023, sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 43, nước ta đã từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế, khôi phục các hoạt động kinh tế, xã hội. Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 90/2023/QH15 ngày 08/6/2023 về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 và Nghị quyết số 94/2023/QH15 ngày 22/6/2023 về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”.

Các dự án Sân bay Long Thành; các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và 2021 - 2025; dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 là các dự án do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư nhằm đẩy mạnh triển khai một trong ba đột phá của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030 về xây dựng kết cấu hạ tầng.

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Đoàn giám sát đã ban hành Kế hoạch, Đề cương giám sát gửi đến các đối tượng chịu sự giám sát; giao Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố giám sát; tổ chức giám sát trực tiếp tại 10 địa phương, làm việc với Chính phủ và 12 Bộ, ngành, cơ quan. Đến nay, Đoàn giám sát đã hoàn thành các nhiệm vụ được giao, bảo đảm tiến độ và đạt các mục tiêu đặt ra.

Theo đó, qua 02 năm thực hiện, nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra trong Nghị quyết số 43 cơ bản hoàn thành. Tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,12%, là mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022; năm 2023 đạt 5,05% là mức khá cao trong điều kiện thế giới và trong nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ, hài hòa giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; việc huy động, phân bổ và điều hòa sử dụng vốn đầu tư công giúp đưa nguồn lực vào nền kinh tế hợp lý; lạm phát được kiềm chế, lãi suất, tỷ giá được điều hành phù hợp, ổn định; bội chi ngân sách, nợ công trong phạm vi Quốc hội cho phép và thấp hơn so với mức dự kiến.

Nhiều chính sách đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả kịp thời; các cơ chế đặc thù được Quốc hội thông qua đã phát huy hiệu quả, tăng cường trách nhiệm, năng lực điều hành, tính chủ động, sáng tạo của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương, rút ngắn thời gian thực hiện, thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn, bổ sung dòng tiền quan trọng, kịp thời cho nền kinh tế, đồng thời, phát huy hiệu quả các dự án đầu tư.

Quyết liệt, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Tuy nhiên, Báo cáo giám sát cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện Nghị quyết số 43. Bên cạnh những kết quả tích cực là cơ bản, việc ban hành và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 43 còn một số tồn tại, hạn chế như: Công tác chuẩn bị đầu tư một số dự án chậm, chưa đảm bảo tính sẵn sàng để thực hiện, giải ngân vốn theo yêu cầu về thời hạn của Nghị quyết số 43. Tiến độ thực hiện và giải ngân vốn nhiều dự án không bảo đảm thời hạn quy định trong 2 năm 2022 - 2023, đặc biệt, các dự án đầu tư trong lĩnh vực y tế, công nghệ thông tin có tiến độ rất chậm nên Chính phủ đã kiến nghị và được Quốc hội chấp thuận, cho kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân các dự án sử dụng vốn của Chương trình tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. 

Một số chính sách thực hiện không đạt kế hoạch, mục tiêu đề ra như: chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đạt tỷ lệ giải ngân thấp (chỉ đạt khoảng 3,05% kế hoạch); chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động (đạt 56% kế hoạch), phải chuyển nguồn để thực hiện chính sách khác…

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế và nâng cao hiệu quả trong thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội và các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia, Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, có giải pháp giải quyết các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc liên quan đến thực hiện các dự án đầu tư nêu tại Báo cáo giám sát; đẩy mạnh tiến độ triển khai thực hiện, giải ngân các dự án đầu tư sử dụng vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Phấn đấu đến ngày 31/12/2024 hoàn thành giải ngân vốn của Chương trình đã được phân bổ theo tiến độ yêu cầu tại Nghị quyết số 110/2023/QH15 của Quốc hội để đưa các dự án đi vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư vốn…

Các địa phương tiếp tục quan tâm rà soát, có giải pháp quyết liệt, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh, thành phố để hỗ trợ phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội…

Đoàn giám sát cũng đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cơ quan liên quan nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và khẩn trương có giải pháp đồng bộ để khắc phục tồn tại, hạn chế, nguyên nhân đã được chỉ ra tại Báo cáo kết quả giám sát.

Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát, kịp thời phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, ngăn chặn vi phạm trong triển khai thực hiện các dự án, nhất là các vấn đề liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng, nguyên vật liệu và đấu thầu, chỉ định thầu./.

 

Khôi Nguyên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực