Nhiều vấn đề cần làm rõ trong Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi)

Thứ tư, 12/09/2018 15:13
(ĐCSVN) - Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đã bổ sung 2 chính sách mới đó là: chính sách không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập và chính sách nâng chuẩn trình độ được đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm.

Sáng 12/9, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Ảnh: VA

Về chính sách không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, hiện nay khung học phí mầm non, phổ thông quy định đối với các trường công lập khá thấp (Khu vực thành thị từ 60.000 đồng đến 300.000 đồng; khu vực nông thôn từ 30.000 đồng đến 120.000 đồng; khu vực miền núi từ 8.000 đồng đến 60.000 đồng). Riêng các cơ sở giáo dục ngoài công lập tự quyết định mức thu học phí.

Tuy nhiên, đến nay Nhà nước mới chỉ thực hiện miễn học phí đối với giáo dục tiểu học, còn giáo dục trung học cơ sở, trẻ em mầm non 5 tuổi (học sinh thuộc diện phổ cập) vẫn chưa được miễn học phí. Điều này gây khó khăn cho việc huy động trẻ đến trường, nhất là ở vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

Vấn đề này, nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn về nguồn kinh phí để bù đắp chính sách không thu học phí đối với trẻ đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập trong bối cảnh cân đối ngân sách gặp khó khăn. “Tôi đề nghị cần hết sức cân nhắc về lộ trình và khả năng tài chính; cần phải có phân tầng, chỉ nên hướng tới khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, học sinh nghèo thành phố không nên làm đại trà”- Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển bày tỏ.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ngoài kinh phí ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên và chi thực hiện chính sách chế độ cho học sinh miễn, giảm học phí theo quy định hiện nay, khi thực hiện chính sách này, hàng năm, tổng kinh phí ngân sách chi thêm để hỗ trợ để thực hiện chính sách này là: 4.730 tỷ đồng. Dự kiến, nguồn kinh phí thực hiện, cân đối trong 20% chi ngân sách cho giáo dục đào tạo.

Về chính sách nâng chuẩn trình độ được đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay, qua nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước trong khu vực và quốc tế,  phần lớn các nước phát triển đều yêu cầu có trình độ đào tạo đại học hoặc sau đại học (Thạc sĩ hoặc chứng chỉ sau đại học) đối với giáo viên mầm non. Nhiều nước, vùng lãnh thổ trong khu vực yêu cầu có trình độ đào tạo cao đẳng sư phạm đối với giáo viên mầm non như: Singapore, Thái Lan, Hồng Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia.

Hiện nay, tổng số giáo viên mầm non (bao gồm cả nhà trẻ và mẫu giáo) là 337.488 giáo viên, trong đó số lượng giáo viên đạt chuẩn trình độ trung cấp trở lên là 332.403 giáo viên (chiếm 98,5%). Nếu tính đạt trình độ từ cao đẳng trở lên thì số lượng giáo viên mầm non chưa đạt chuẩn là 107.150 (chiếm 33,8%). Tổng kinh phí đào tạo nâng chuẩn là khoảng 857,2 tỷ đồng, nếu thực hiện theo lộ trình 5 năm thì mỗi năm chi chỉ khoảng 171,4 tỷ đồng và ngân sách có thể cân đối.

Dẫn chiếu những số liệu thống kê về doanh thu rất lớn của Nhà Xuất bản Giáo dục và số tiền mà phụ huynh phải bỏ ra để mua sách giáo khoa hàng năm lên tới trên 1 nghìn tỷ đồng, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng việc sử dụng sách giáo khoa một lần là rất lãng phí, đây là vấn đề xã hội rất bức xúc; cử tri nói rất gay gắt... Vì vậy, cần phải có những quy định cụ thể hơn trong dự thảo luật liên quan đến vấn đề về sách giáo khoa, tránh sự tốn kém, lãng phí cho người dân, xã hội.

Cũng về vấn đề trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu vấn đề: “Trước đây một bộ sách có thể sử dụng được cả chục năm, anh học xong để lại cho em học... bây giờ sử dụng một lần thì thật quá tốn kém tiền của cho xã hội, cần phải xem xét, nghiên cứu nghiêm túc về vấn đề này”.

Còn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, đối với sách giáo khoa, cần phải có quy định thống nhất trong cả nước, không thể có chuyện sách giáo khoa tự chọn.

Đồng quan điểm trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng nếu có thể lựa chọn được sách giáo khoa thì đây là việc làm rất cục bộ, không toàn diện, thậm chí phát sinh tiêu cực. Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần nghiên cứu giảm tải các môn học trong giáo dục phổ thông, nhất là những môn học mang tính hàn lâm.

Cũng trong phiên họp sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực