Phấn đấu đến tháng 6 hoàn thành cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính

Thứ hai, 19/02/2024 15:12
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Quyết tâm của Bộ Tư pháp là đến tháng 6/2024, tất cả yêu cầu đặt ra trong cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục giao dịch, điều kiện kinh doanh sẽ được hoàn thành.

Cắt giảm các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính rườm rà

Theo Bộ Tư pháp, thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số được Bộ, ngành Tư pháp xác định là nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu để hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành Tư pháp. Bên cạnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên về công tác này, Bộ Tư pháp, các cơ quan tư pháp địa phương tiếp tục tập trung nguồn lực, triển khai toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06); Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án 06 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2023 và những năm tiếp theo.

Với quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chúng ta đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ trong thực hiện Đề án 06, từ việc Bộ Tư pháp được giao rà soát một số văn bản có tính chất liên ngành, trình nhiều báo cáo lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để các Bộ, ngành có cơ sở xem xét sửa đổi, bổ sung các luật nhằm đáp ứng được các nhiệm vụ được giao của Đề án 06. Có thể kể đến là Bộ Tư pháp đề xuất tiếp tục cắt giảm các thủ tục đầu tư, kinh doanh, các thủ tục hành chính rườm rà, bảo đảm thuận lợi thực hiện các giao dịch trên môi trường mạng.

Ảnh minh họa. Nguồn: TL. 

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ, ngành Tư pháp sẽ quyết tâm chủ trì trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền một loạt các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thực hiện Đề án 06, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, quá trình giao dịch, cung cấp dịch vụ công ích trong ngành Tư pháp cho người dân sẽ nhanh chóng hơn; ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, yêu cầu, đôn đốc địa phương triển khai thực hiện; tổ chức nhiều đoàn công tác của Lãnh đạo Bộ làm việc với Sở Tư pháp một số tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương để nắm bắt tình hình, hướng dẫn và trao đổi, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của địa phương trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, đạt được một số kết quả nổi bật như:

 Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch tiếp tục được duy trì, nâng cấp và triển khai thực hiện hiệu quả, tính đến nay trên Hệ thống đã ghi nhận hơn 80 triệu trường hợp dữ liệu. Trong đó có hơn 9,6 triệu trẻ em được cấp Số định danh cá nhân theo quy định và hơn 5,3 triệu trường hợp đăng ký khai sinh được chuyển sang các cơ quan bảo hiểm xã hội để cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Bộ, ngành Tư pháp, đã cố gắng xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, kết nối tương đối thông suốt với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đối với việc cung cấp dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân trên môi trường điện tử của ngành Tư pháp, đến nay: Đã có 63/63 địa phương đã cung cấp dịch vụ công: Đăng ký khai sinh; Đăng ký khai tử; Đăng ký kết hôn trên Cổng dịch vụ công của tỉnh/thành phố kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia; Triển khai kết nối liên thông dữ liệu giữa Cổng dịch vụ công/Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh với Hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử và đã triển khai cung cấp dịch vụ công lý lịch tư pháp trực tuyến trên Cổng dịch vụ công của tỉnh, kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia, đảm bảo tiến độ được giao theo Đề án. Đồng thời, Bộ Tư pháp đang triển khai các nội dung kết nối Hệ thống thông tin lý lịch tư pháp (LLTP) với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; triển khai thí điểm cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VneID.

Mặt khác, đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai việc kết nối, chia sẻ dữ liệu khai từ Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử với Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm để thực hiện liên thông các thủ tục hành chính: Đăng ký khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi (hoàn toàn trên môi trường điện tử) tại tất cả các địa phương trên toàn quốc.

Tính đến hiện nay, Bộ Tư pháp đã kết nối 58 dịch vụ công của Bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia, trong đó, năm 2023, đã kết nối thêm 08 dịch vụ công của Bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, có thể thấy nhân lực chuyên trách về công nghệ thông tin của Bộ, Ngành còn hạn chế, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao; thiếu nhân lực về bảo đảm an toàn thông tin, nhân lực vận hành, hỗ trợ kỹ thuật cho các phần mềm, cơ sở dữ liệu.

Thêm vào đó, việc triển khai các nhiệm vụ của ngành Tư pháp tại Quyết định số 06/QĐ-TTg tại một số địa phương chưa thực sự quyết liệt, quan tâm đúng mức, mặc dù Bộ có nhiều văn bản hướng dẫn và đôn đốc nhưng tiến độ triển khai nhiệm vụ tại một số địa phương còn chưa kịp thời; việc liên thông giữa hệ thống một cửa điện tử của địa phương với Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử chưa được khai thác, sử dụng triệt để.

Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Bộ, ngành Tư pháp trên Cổng dịch vụ công

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, năm 2024 là một năm bản lề, có ý nghĩa hết sức quan trọng nhưng dự báo là còn nhiều khó khăn, thách thức.

Đối với Bộ, ngành Tư pháp, đã có kế hoạch kết hợp sửa đổi, bổ sung những luật có vướng mắc, chồng chéo trong các luật đã và đang trình vừa qua. Trường hợp vướng mắc nằm trong các quy định của nghị định, thông tư, chúng ta sẽ áp dụng dùng một văn bản sửa nhiều văn bản.

“Quyết tâm của Bộ Tư pháp là đến tháng 6/2024, tất cả yêu cầu đặt ra trong cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục giao dịch, điều kiện kinh doanh sẽ được hoàn thành và báo cáo kết quả với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, báo cáo các đồng chí lãnh đạo”, Bộ trưởng chia sẻ.

Đồng thời, Bộ trưởng Lê Thành Long cho hay, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 là tiếp tục tập trung thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định 06/QĐ-TTg của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Triển khai giải pháp thực hiện quy trình cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID tại Thừa Thiên Huế; đánh giá và nhân rộng trên phạm vi toàn quốc. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư; đầu tư đối với các dự án công nghệ thông tin sử dụng vốn đầu tư trung hạn của Bộ trong các lĩnh vực Hộ tịch; Trợ giúp pháp lý; Phổ biến giáo dục pháp luật; Xử lý vi phạm hành chính.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và ban hành các văn bản về quản lý, phát triển dữ liệu; kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin; mở dữ liệu theo quy định. Tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Bộ, ngành Tư pháp trên Cổng dịch vụ công của Bộ, kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia. Tăng cường công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin đối với cơ sở hạ tầng thông tin, các hệ thống thông tin phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số và chuyển đổi số của Bộ, Ngành Tư pháp…/.

Vy Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực