Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh:TA)
Đó là chỉ đạo của đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017 của Ban chỉ đạo 138 Thành phố, Ban chỉ đạo Phòng chống AIDS và phòng chống ma túy, mại dâm thành phố Hà Nội tổ chức sáng 2/8.
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đánh giá cao những kết quả công tác của Ban chỉ đạo 138 Thành phố, Ban chỉ đạo phòng chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm trên địa bàn thành phố Hà Nội trong 6 tháng vừa qua. Đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định tầm quan trọng của công tác bảo đảm an ninh, quốc phòng, tạo môi trường ổn định, bình yên và an toàn cho mọi người dân, trong đó, Ban chỉ đạo đã luôn nắm chắc, nhạy bén trước những diễn biến phức tạp của tình hình, làm tốt công tác tham mưu cho Thành ủy, UBND Thành phố xây dựng, triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch chuyên đề về công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội.
Chỉ rõ những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu rõ, trước tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp, nảy sinh những loại hình tội phạm mới, tinh vi, manh động... thì công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật có nơi, có lúc còn chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục, kết quả còn chưa được như mong muốn; công tác phòng ngừa tại một số địa bàn còn chưa chủ động, chưa kịp thời; các quận huyện chưa tổ chức cập nhật thống kê đầy đủ số người nghiện trong hồ sơ quản lý địa phương...
Tán thành với các ý kiến và phương hướng, nhiệm vụ của Ban chỉ đạo trong thời gian tới, Bí thư Hoàng Trung Hải yêu cầu các cấp, các ngành phải luôn xác định "công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội là hết sức quan trọng, là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, vừa có tính cấp bách, vừa có tính lâu dài và phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của các cấp ủy đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền để phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, huy động sự vào cuộc tích cực của các tầng lớp nhân dân, lấy phòng ngừa làm cơ bản, chủ động tấn công tội phạm làm trọng tâm".
Người đứng đầu Đảng bộ Thành phố Hà Nội nhấn mạnh, trên cơ sở nắm chắc tình hình, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội, phát huy vai trò của nhân dân trong công tác phòng, chống tội phạm, nhất là trong phát hiện, tố giác tội phạm, cảm hóa giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, nắm chắc và quản lý tốt các đối tượng nguy cơ cao về ma túy, người sau cai nghiện ma túy, người nghiện có tiền án, tiền sự, trong đó đặc biệt chú ý đến những đối tượng có biểu hiện loạn thần, "ngáo đá" do sử dụng ma túy; tiếp tục thực hiện đa dạng hóa, xã hội hóa các hình thức, biện pháp cai nghiện ma túy theo quy định; làm tốt hơn, hiệu quả hơn nữa các hoạt động truyền thông về công tác phòng, chống HIV/AIDS ngay từ cơ sở, ngay từ gia đình, dòng họ, tổ dân phố…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã kiểm điểm toàn diện tình hình, kết quả công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn mại dâm, tội phạm ma túy, diễn biến HIV/AIDS và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh trên địa bàn thành phố.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, phạm pháp hình sự tiếp tục được kiềm chế, toàn Thành phố Hà Nội đã phát hiện, khám phá 1.788 vụ, 2.339 đối tượng phạm tội về ma túy, xử lý hình sự 1.582 vụ; lập hồ sơ đưa gần 500 người nghiện đi cơ sở chưa bệnh bắt buộc, vận động gần 1.500 người nghiện cai nghiện tự nguyện.
Các cơ quan, đơn vị y tế đã triển khai các biện pháp chuyên môn trong phòng, chống HIV/AIDS thông qua các chương trình, hoạt động cụ thể: hoạt động can thiệp, giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS, cấp phát gần 840.000 bơm kim tiêm miễn phí cho người nghiện, hơn 150.000 dụng cụ phòng chống lây nhiễm...
Trong thời gian tới, Ban chỉ đạo 138 Thành phố Hà Nội, Ban chỉ đạo Phòng chống AIDS và phòng chống ma túy, mại dâm xác định tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, của Thành phố, trọng tâm là thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến 2030; Chương trình phòng chống ma túy, phòng chống mua bán người, phòng chống mại dâm, phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 2016 - 2020. Chủ động nắm chắc tình hình, thực hiện đồng bộ các biện pháp, giải pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn tội phạm và tệ nạn xã hội. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội với phương châm "phòng ngừa là chính", phòng ngừa xã hội đi đôi với phòng ngừa nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả công tác phát động các phong trào quần chúng nhân dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.../.