Phát huy vai trò của báo chí trong truyền thông chính sách

Thứ năm, 06/04/2023 08:05
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – Theo TS. Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp), truyền thông chính sách pháp luật từ sớm, từ xa ngay từ khâu dự thảo, nhằm bảo đảm, phát huy quyền làm chủ của người dân trong xây dựng và ban hành chính sách, pháp luật để nội dung chính sách, pháp luật thực sự thể hiện ý chí của Nhân dân xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, mang hơi thở cuộc sống...

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 về tăng cường công tác truyền thông chính sách, trong đó xác định đây là một nhiệm vụ, một chức năng quan trọng của cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Báo chí và các loại hình truyền thông khác là kênh thông tin, là phương thức cơ bản, quan trọng để thực hiện việc truyền thông chính sách.

TS. Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp), đã có trao đổi nhằm làm rõ hơn về tình hình triển khai công tác truyền thông chính sách và vai trò của báo chí đối với công tác này trong thời gian qua.

Nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị

Phóng viên (PV): Ngày 30/03/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027”. Xin đồng chí cho biết Bộ Tư pháp có vai trò như thế nào trong việc triển khai Quyết định số 407?

Đồng chí Lê Vệ Quốc: Tại Quyết định số 407/QĐ-TTg đã xác định trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc chủ trì, theo dõi, đôn đốc, giám sát, sơ kết, tổng kết thực hiện Đề án; nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông dự thảo chính sách; phát hiện, nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả; thực hiện khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác này; hàng năm tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương kết quả thực hiện Đề án (nội dung báo cáo lồng ghép trong báo cáo của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương hàng năm theo quy định). Đồng thời, thực hiện nhiệm vụ của Cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương trong việc chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, tổ chức, địa phương tham mưu Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện hoạt động truyền thông dự thảo chính sách theo Quyết định này; chủ trì triển khai truyền thông một số dự thảo chính sách theo phân công của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương. Bộ Tư pháp được giao làm đầu mối huy động nguồn lực xã hội, các hiệp hội, nhà khoa học tham gia quá trình hoạch định, phản biện chính sách, pháp luật; chủ trì xây dựng nội dung, chương trình đào tạo, tập huấn đội ngũ người làm công tác truyền thông chính sách, pháp luật tại các bộ, ngành, địa phương.

TS. Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp. (Ảnh: PLVN) 

Tuy nhiên, cũng cần chia sẻ thêm, công tác truyền thông dự thảo chính sách không phải là nhiệm vụ của riêng Bộ, ngành Tư pháp, mà là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Do đó, Bộ Tư pháp đề nghị các bộ, ngành và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, cơ quan tư pháp các cấp trong triển khai Đề án; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả trong thực hiện truyền thông dự thảo chính sách nhằm góp phần tăng cường chất lượng công tác xây dựng pháp luật, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, tạo đồng thuận xã hội đối với văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) sau khi được ban hành và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, doanh nghiệp trong thời gian tới.

PV: Xin đồng chí chia sẻ những kết quả nổi bật và tác động tích cực sau 1 năm triển khai thực hiện Đề án?

Đồng chí Lê Vệ Quốc: Qua 1 năm triển khai thực hiện Quyết định số 407/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở kết quả nắm bắt tình hình triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án tại bộ, ngành, địa phương, có thể khẳng định Đề án đã từng bước đạt được một số kết quả tích cực, quan trọng, đó là:

Thứ nhất, trong công tác tổ chức quán triệt, hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc việc triển khai thực hiện Đề án đã được các bộ, ngành, địa phương quan tâm, thực hiện kịp thời, chủ động. Tại Bộ Tư pháp, thực hiện các nhiệm vụ được giao, ngay sau khi Đề án được ban hành, Bộ Tư pháp đã khẩn trương tham mưu Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định số 407/QĐ-TTg với sự tham dự của đại diện một số ban Đảng liên quan, các bộ, ngành, đoàn thể trung ương, thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương và Tổ Thư ký giúp việc Hội đồng; lãnh đạo tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương; đại diện tổ chức xã hội - nghề nghiệp và một số chuyên gia pháp lý, nhà khoa học. Đồng thời, tham mưu Hội đồng ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện Đề án cũng như trực tiếp ban hành Kế hoạch triển khai Đề án năm 2022, năm 2023 của Bộ Tư pháp; tham mưu tổ chức các Đoàn kiểm tra của Hội đồng phối hợp PBGDPL tại một số bộ, ngành, địa phương, trong đó có nội dung về việc triển khai hoạt động truyền thông chính sách, pháp luật theo Đề án số 407 của Thủ tướng Chính phủ.

Tại các bộ, ngành, địa phương, công tác quán triệt việc thực hiện Đề án cũng đã bước đầu được quan tâm thông qua việc triển khai nhiều hội nghị, hội thảo, toạ đàm để triển khai hoặc lồng ghép triển khai nội dung của Đề án. Trong năm 2022, có 8 bộ, ngành, 55 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch, công văn hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án và 13 tỉnh, thành phố đã ban hành văn bản hướng dẫn của Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp tỉnh. Năm 2023, việc hướng dẫn, chỉ đạo triển khai Đề án cơ bản đã được các bộ, ngành, địa phương quan tâm, ban hành kế hoạch, công văn triển khai Đề án hoặc lồng ghép trong kế hoạch công tác PBGDPL của bộ, ngành, địa phương mình.

Thứ hai, các nhiệm vụ, giải pháp triển khai thực hiện Đề án đã được các bộ, ngành, địa phương thực hiện và bước đầu đạt kết quả. Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan thông tin, báo chí, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ xây dựng Chương trình, nội dung truyền thông về một số dự thảo văn bản QPPL có tác động lớn như: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Công chứng (sửa đổi); Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản…; xây dựng Tài liệu tập huấn kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách để bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ người làm công tác truyền thông dự thảo chính sách.

Tại các bộ, ngành, địa phương, nhìn chung, việc triển khai Đề án đã được các bộ, ngành, địa phương quan tâm, chủ động thực hiện, qua đó góp phần đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật từ sớm, từ xa, góp phần nâng cao chất lượng VBQPPL, phù hợp với thực tiễn, tạo đồng thuận xã hội và là tiền đề thuận lợi cho việc tổ chức thi hành pháp luật sau khi văn bản được ban hành. Thực tế, chúng ta đã chứng kiến nhiều đồng chí Bộ trưởng, trưởng ngành đã chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông tổ chức các tọa đàm, diễn đàn cung cấp thông tin về chính sách được sửa đổi, bổ sung trong các đạo luật, qua đó tạo đồng thuận trong xã hội đối với nội dung dự thảo, giúp nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành VBQPPL.

Thứ ba, hoạt động truyền thông dự thảo chính sách đã có tác động đến công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, thể hiện quyết tâm chính trị của các bộ, ngành, địa phương trong việc phát huy dân chủ rộng rãi, theo nguyên tắc bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, qua đó tạo dựng niềm tin của Nhân dân vào các chủ trương, chính sách của Nhà nước sau khi được ban hành. Việc triển khai Đề án còn khẳng định đây là hướng đi, cách thức làm hết sức căn cơ, khoa học, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế để huy động trí tuệ các tầng lớp Nhân dân, định hướng dư luận xã hội, cung cấp cho cơ quan soạn thảo những góc nhìn khách quan để các cơ quan chức năng nghiên cứu, tìm hiểu kịp thời điều chỉnh, tránh gây bức xúc trong dư luận và Nhân dân trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Truyền thông từ sớm, từ xa, tạo đồng thuận trong xã hội

PV: Như đồng chí vừa chia sẻ, việc triển khai Đề án đã được các bộ, ngành, địa phương quan tâm, chủ động thực hiện qua đó góp phần đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật từ sớm, từ xa. Vậy, việc thực hiện truyền thông chính sách từ sớm, từ xa có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với công tác này?

Đồng chí Lê Vệ Quốc: Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: “… trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm "dân là gốc"; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, kiên trì thực hiện nguyên tắc "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng"; “Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của Nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố, nâng cao niềm tin của Nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội”.

Cùng với đó, Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII đã đặt ra yêu cầu về đổi mới công tác PBGDPL với phương châm lấy người dân làm trung tâm, bảo đảm tối đa quyền làm chủ của nhân dân, trong đó, trước hết phải nói đến quyền làm chủ về thông tin, đặc biệt là thông tin chính sách, pháp luật.

Để quyền làm chủ này của người dân ngày càng trở nên thực chất, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, với tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, việc truyền thông chính sách nói chung có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng VBQPPL được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu, cần thiết và cấp bách hiện nay. Hoạt động truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng VBQPPL được tiến hành song song, không thay thế quy trình lấy ý kiến về dự thảo VBQPPL theo quy định hiện hành, mà có tính chất hỗ trợ, giúp cho công tác xây dựng pháp luật đạt hiệu quả, góp phần tạo đồng thuận trong đời sống, xã hội.

Trên cơ sở đó, việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 407/QĐ-TTg được coi là một trong những “cú hích” quan trọng để hoạt động truyền thông dự thảo chính sách được thực hiện từ sớm, từ xa, ngay từ khi lập đề nghị xây dựng VBQPPL, bảo đảm đồng bộ, bài bản, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng chính sách, thể chế, tạo đồng thuận xã hội cũng như ý thức tôn trọng, tuân theo pháp luật của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước, như phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: “làm tốt công tác truyền thông chính sách sẽ mở ra những nguồn lực lớn, tạo nên sức mạnh lớn, hiệu quả cao trong xây dựng, thực hiện các chính sách. Truyền thông chính sách tốt là giải pháp quan trọng để đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống và mang hơi thở cuộc sống vào quá trình xây dựng chính sách”.

Đặc biệt, việc ban hành Đề án cũng là một bước cụ thể hoá sâu sắc và thực hiện nhất quán quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong việc chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam đã được xác định trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Thông qua việc chủ động truyền thông dự thảo chính sách pháp luật sẽ giúp các nhà đầu tư nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài ở Việt Nam có thêm kênh thông tin hữu hiệu để tìm hiểu về môi trường đầu tư kinh doanh, hợp tác có hiệu quả, giúp Việt Nam phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong giai đoạn mới.

Tóm lại, truyền thông chính sách pháp luật từ sớm, từ xa ngay từ khâu dự thảo nhằm bảo đảm, phát huy quyền làm chủ của người dân trong xây dựng và ban hành chính sách, pháp luật để nội dung chính sách, pháp luật thực sự thể hiện ý chí của Nhân dân xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, mang hơi thở cuộc sống, trở thành công cụ hữu hiệu để “Đảng lãnh đạo, Nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý”, hướng tới một Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN.

Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của báo chí trong công tác truyền thông dự thảo chính sách. (Ảnh minh hoạ: TL)

Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của báo chí trong truyền thông dự thảo chính sách

PV: Để có thể đưa thông tin truyền thông chính sách pháp luật một cách chủ động, theo đồng chí, cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thông tấn báo chí cần tăng cường mối quan hệ phối hợp theo cách thức ra sao?

Đồng chí Lê Vệ Quốc: Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thông tấn báo chí là một trong những giải pháp quan trọng được xác định tại Quyết định số 407/QĐ-TTg. Gần đây nhất, tại Chỉ thị số 07-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường truyền thông chính sách cũng đã khẳng định: “Báo chí và các loại hình truyền thông khác là kênh thông tin, là phương thức cơ bản, quan trọng để thực hiện việc truyền thông chính sách”.

Để công tác phối hợp này có hiệu quả, cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thông tấn báo chí cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác truyền thông dự thảo chính sách pháp luật. Đối với cơ quan chủ trì soạn thảo thì cần phải có kế hoạch truyền thông về dự thảo văn bản một cách cụ thể, rõ kênh báo chí thông tin hoạt động, rõ nội dung, thời điểm cũng như nguồn kinh phí thực hiện. Quan trọng hơn, cơ quan soạn thảo cần chủ động cung cấp thông tin trung thực, khách quan, chính xác, kịp thời về nội dung cần truyền thông, nhất là những vấn đề dư luận xã hội quan tâm; tiến hành biên soạn tài liệu nguồn để cung cấp cho cơ quan báo chí thực hiện truyền thông.

Về phía cơ quan báo chí, cần chủ động phối hợp nắm bắt các kế hoạch, chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của bộ, ngành, địa phương trong từng năm hoặc cả giai đoạn, để có kế hoạch truyền thông nội dung văn bản trên báo chí một cách phù hợp, không thụ động chờ cơ quan chức năng mới thực hiện. Để làm được điều này, cơ quan thông tấn, báo chí cần cử đầu mối thường trực, chuyên sâu và có phối hợp chặt chẽ với từng cơ quan, tổ chức được giao chủ trì xây dựng chính sách, pháp luật tạo nên cầu nối thông suốt hai chiều trong quá trình phối hợp giữa các bên.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí./.

Vy Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực