Quản lý thu ngân sách tại một số cơ quan thuế, hải quan còn thiếu chặt chẽ

Thứ năm, 28/05/2020 18:55
(ĐCSVN) – Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, việc quản lý thu ngân sách tại một số cơ quan thuế, hải quan còn thiếu chặt chẽ, miễn giảm tiền thuê đất, ưu đãi thuế không đảm bảo điều kiện quy định; kết quả thanh tra, kiểm tra thuế còn một số hạn chế; việc quản lý tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và khai thác khoáng sản còn chưa kịp thời, đầy đủ theo quy định.
 Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018. (Ảnh: quochoi.vn)

Chiều 28/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội nghe Báo cáo Quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2018.

Trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết qua tổng hợp kết quả chính từ 268 báo cáo kiểm toán của 214 cuộc kiểm toán tổ chức trong năm 2019 đối với niên độ ngân sách năm 2018, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 81.095 tỷ đồng, trong đó tăng thu 8.151 tỷ đồng, giảm chi ngân sách Nhà nước 18.884 tỷ đồng; chuyển 04 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan Cảnh sát điều tra, 02 vụ việc đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý theo quy định pháp luật; kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 198 văn bản không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tránh thất thoát, lãng phí.

Quản lý thu ngân sách thiếu chặt chẽ

Về các nội dung cụ thể, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nêu rõ, dự toán thu nội địa Chính phủ giao tăng 8,73% so với ước thực hiện năm 2017, song tổng hợp dự toán thu NSNN do các địa phương lập chưa đảm bảo mức tăng bình quân tối thiểu theo quy định; dự toán thu xuất nhập khẩu lập và giao chỉ bằng 99,3% so với ước thực hiện năm 2017. Đặc biệt, Bộ Tài chính xây dựng dự toán hoàn thuế giá trị gia tăng đầu năm thấp hơn số địa phương lập và chưa sát với số phải hoàn trong năm dẫn đến hoàn vượt dự toán Quốc hội quyết định.

Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ rõ còn tình trạng các tổ chức, đơn vị, người nộp thuế hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và các khoản phải nộp khác vẫn diễn ra và chậm được khắc phục. Kết quả kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước xác định số phải nộp tăng thêm. Ngoài ra, tỷ lệ để lại đối với một số phí, lệ phí không phù hợp so với nhu cầu sử dụng dẫn đến cuối năm 2018 kinh phí tồn không có nhiệm vụ chi còn lớn làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực.

Công tác quản lý nợ thuế quá hạn do ngành hải quan quản lý tiếp tục có xu hướng giảm (giảm 1,7% so với năm 2017), song nợ nợ thuế do ngành thuế quản lý đến 31/12/2018 tăng 4,9% so với cùng kỳ của năm 2017 và bằng 8% số thực thu NSNN năm 2018, không đạt mức phấn đấu dưới 5% theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ, trong đó 49/63 địa phương không đạt mức phấn đấu.

Việc quản lý thu ngân sách tại một số cơ quan thuế, hải quan còn thiếu chặt chẽ, miễn giảm tiền thuê đất, ưu đãi thuế không đảm bảo điều kiện quy định; kết quả thanh tra, kiểm tra thuế còn một số hạn chế; việc quản lý tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và khai thác khoáng sản còn chưa kịp thời, đầy đủ theo quy định.

Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa phân bổ hoặc phân bổ chưa chi tiết danh mục ngay từ đầu năm; phân bổ thiếu căn cứ hoặc chưa sát thực tế, chưa đủ điều kiện, không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn; bố trí vốn còn dàn trải và ứng trước kế hoạch vốn sai quy định; 15/45 địa phương ứng trước dự toán NSTW nhưng chưa bố trí để thu hồi, còn 34/45 địa phương được kiểm toán có số tạm ứng quá hạn chưa thu hồi; tạm ứng sai quy định; NSĐP tạm ứng từ NSTW kéo dài, quá thời hạn nhưng chưa thu hồi…

Thực hiện kịp thời kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước

Trên cơ sở kết quả kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.

Báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội phân bổ nguồn tăng thu vốn viện trợ không hoàn lại chi thường xuyên năm 2018; điều chỉnh dự toán để quyết toán một số khoản chi đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn dự toán chi thường xuyên thuộc nguồn kinh phí đảm bảo hoạt động của ngành trong giai đoạn 2016-2018.

Chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra, rà soát để xử lý theo quy định đối với các dự án nằm trong kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn NSNN giai đoạn 2016-2020 nhưng không thuộc đối tượng, phạm vi của các Chương trình mục tiêu 790 tỷ đồng, gồm: Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội các vùng giai đoạn 2016-2020; Chương trình mục tiêu phát triển hạ tầng du lịch giai đoạn 2016-2020; Tiếp tục báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý dứt điểm việc chuyển đổi 04 dự án của VEC từ hình thức cho vay lại sang hình thức Nhà nước đầu tư trực tiếp.

Đồng thời, Kiểm toán Nhà nước kính đề nghị Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2018; ban hành nghị quyết chỉ đạo các đơn vị thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị hợp lý của KTNN, trong đó: Hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 198 văn bản (01 Luật, 01 Nghị quyết của Quốc hội, 13 Nghị định, 34 Thông tư và 149 văn bản khác)./.

 

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực