Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đo đạc và bản đồ

Thứ sáu, 10/11/2017 15:02
(ĐCSVN) - Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, sáng 10/11, Quốc hội thảo luận dự án Luật Đo đạc và bản đồ.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trình bày Tờ trình về dự án Luật. Ảnh: quochoi.vn

Huy động nguồn lực xã hội phát triển dịch vụ đo đạc và bản đồ

Trình bày Tờ trình về dự án Luật Đo đạc và bản đồ Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết,  hoạt động đo đạc và bản đồ là hoạt động điều tra cơ bản, đặc biệt quan trọng, làm nền tảng để triển khai các nghiên cứu khoa học về trái đất, cung cấp các dữ liệu cơ bản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; phục vụ quy hoạch, quản lý lãnh thổ, giám sát tài nguyên, môi trường; phòng chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn; góp phần bảo vệ và khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia, góp phần nâng cao dân trí. Các sản phẩm đo đạc, bản đồ và dữ liệu thông tin địa lý được sử dụng rộng rãi trong hoạt động hàng ngày của đời sống xã hội.

Tuy nhiên, qua tổng kết thực tiễn, công tác quản lý nhà nước và tổ chức triển khai hoạt động đo đạc và bản đồ trong thời gian vừa qua còn một số tồn tại như: thiếu sự thống nhất, đồng bộ trong quản lý và triển khai hoạt động đo đạc và bản đồ; hoạt động đo đạc và bản đồ còn chồng chéo, lãng phí; việc phân cấp giữa Trung ương và địa phương chưa phù hợp… Bởi vậy, việc xây dựng một đạo luật để quản lý thống nhất, có hiệu quả hoạt động đo đạc và bản đồ là yêu cầu cấp bách và thực tiễn khách quan.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, dự thảo Luật đo đạc và bản đồ gồm 63 điều thể hiện trong 9 chương. Dự án Luật đã được Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015,  đã tổng kết việc thực hiện Nghị định số 12 năm 2002 và Nghị định số 45 năm 2015 về hoạt động đo đạc và bản đồ; đã nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của hơn 30 luật đo đạc và bản đồ của các nước trên thế giới, đặc biệt là của các nước tiên tiến như: Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật bản, Hàn Quốc, Ba Lan, Pháp, Ý…;

Ban soạn thảo đã tổ chức khảo sát tại các Bộ, ngành và các tỉnh có nhiều hoạt động đo đạc và bản đồ như các Bộ: Quốc phòng, Giao thông vận tải, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Bình Dương... Trong quá trình xây dựng luật, đã tổ chức nhiều hội thảo lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý; các ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã được nghiên cứu, giải trình, tiếp thu đầy đủ. Trên quan điểm chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, không tạo ra sự chồng chéo, mâu thuẫn với các luật đã ban hành và tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên…

Dự thảo Luật được xây dựng trên các nguyên tắc: Nhà nước thống nhất quản lý các hoạt động đo đạc và bản đồ, quy định hành lang pháp lý, chính sách phát triển hạ tầng kỹ thuật đo đạc và bản đồ, xây dựng cơ sở dữ liệu đo đạc và bản đồ quốc gia đồng bộ, hiện đại nhằm đảm bảo cung cấp thông tin địa lý đầy đủ, chính xác, kịp thời, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh; quản lý, giám sát tài nguyên, môi trường; phòng chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn; nâng cao dân trí; làm nền tảng để phát triển Hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia. Đồng thời, đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội phát triển dịch vụ đo đạc và bản đồ. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư cho sản xuất và phát triển các ứng dụng thông tin địa lý phục vụ nâng cao dân trí, tiến bộ xã hội; sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ vào hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh và các nhu cầu của đời sống…

Các quy định của dự thảo Luật hoàn toàn có tính khả thi

Trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý Dự án Luật Đo đạc và bản đồ, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết: các quy định của dự thảo Luật hoàn toàn có tính khả thi và đủ căn cứ, điều kiện để triển khai khi Luật có hiệu lực

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, các quy định của dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở điều kiện thực tế của Việt Nam và phù hợp với xu hướng phát triển trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ của khu vực và trên thế giới, gắn liền với sự phát triển của khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin. Vì vậy, các quy định của dự thảo Luật hoàn toàn có tính khả thi và đủ căn cứ, điều kiện để triển khai khi Luật có hiệu lực.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật có nhiều nội dung quy định liên quan đến ứng dụng khoa học - công nghệ mới. Những khái niệm như dữ liệu, cơ sở dữ liệu, siêu dữ liệu, bản đồ số, hạ tầng dữ liệu không gian địa lý, không ảnh, hệ thống trạm định vị vệ tinh, hệ thống trạm thu viễn thám... là những nội dung liên quan mật thiết đến triển khai ứng dụng các công nghệ mới theo xu hướng phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Trên cơ sở ứng dụng công nghệ số, hầu hết các quy trình đo đạc và thành lập bản đồ đã thay đổi và xuất hiện nhiều dạng sản phẩm mới được quản lý, tích hợp ở dạng dữ liệu, cơ sở dữ liệu và cung cấp, phổ biến một cách nhanh chóng, rộng rãi qua mạng Internet.

Tiếp thu ý kiến góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Ban soạn thảo dự kiến bổ sung một số quy định liên quan đến việc tăng cường quản lý, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, bổ sung một số thuật ngữ, rà soát lại các điều, khoản giao Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ quy định chi tiết.

Ngay sau báo cáo giải trình của Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng, Quốc hội đã tiến hành thảo luận Tổ về dự án Luật Đo đạc và bản đồ.

Thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu bày tỏ đồng tình với sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật Đo đạc và Bản đồ; cho rằng dự án Luật phải được xây dựng trên tinh thần quán triệt đầy đủ các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên một số đại biểu cũng đề nghị, Ban soạn thảo cần hoàn thiện thêm, thể hiện rõ hơn, sâu sắc hơn việc cần thiết phải ban hành Luật trong tình hình hiện nay.

Về cấp chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ, đại biểu Nguyễn Hồng Hải (Bình Thuận) cho biết: “Mỗi một nội dung lại được cấp một chứng chỉ thì sẽ có nhiều chứng chỉ. Hiện chúng ta thường cấp theo 2 loại: Loại 1 cấp sát hạch do Bộ TN&MT cấp, loại 2 là do cơ quan chuyên môn cấp. Ở địa phương không giao cho Sở TN&MT mà lại giao cho một cơ quan chuyên môn cấp. Như vậy là không hợp lý, nên giao cho Sở TN&MT địa phương thì tốt hơn”, đại biểu cho biết.

Theo đại biểu Lê Minh Chuẩn (Quảng Ninh), lĩnh vực đo đạc bản đồ có vị trí quan trọng đối với các ngành kinh tế - xã hội khác. Hiện nay với sự phát triển của khoa học và công nghệ thế giới việc xây dựng một Luật riêng về lĩnh vực này là cần thiết. Tuy nhiên, để tránh trùng lặp với một số Luật khác, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ để khi triển khai Luật không có sự chồng chéo với một số Luật.

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu cũng cho rằng, hoạt động đo đạc và bản đồ có liên quan mật thiết đến sự phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, nội dung của dự thảo Luật liên quan đến nhiều luật đã ban hành và một số luật đang trình Quốc hội. Vì vậy, Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, quy định rõ hơn các nội dung của dự thảo Luật với các luật có liên quan để tránh chồng chéo, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và phù hợp với điều ước, công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc là thành viên./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực