Sáng 3/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).
Khoản b Điều 3 dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định: “Dao có tính sát thương cao là dao sắc, dao nhọn và dao sắc nhọn, có chiều dài lưỡi dao từ 20cm trở lên hoặc có chiều dài lưỡi dao dưới 20cm nhưng được hoán cải, lắp ráp để có công năng, tác dụng tương tự dao có tính sát thương cao thuộc danh mục vũ khí thô sơ do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành. Trường hợp sử dụng dao có tính sát thương cao vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này”.
Nội dung này nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận trên hội trường. Đa số ĐBQH tán thành việc bổ sung "dao có tính sát thương cao" vào nhóm vũ khí thô sơ.
Đại biểu Nguyễn Việt Hà (Đoàn Tuyên Quang) bày tỏ nhất trí cao về sự cần thiết ban hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).
Đại biểu cho biết: Qua báo cáo tổng kết 5 năm thi hành luật của Bộ Công an cho thấy trong tổng số 28.715 vụ sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây án, giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ thì có đến 25.378 vụ chiếm 88,4% đối tượng sử dụng vũ khí thô sơ, dao và các phương tiện tương tự dao để gây án, riêng đối với đối tượng sử dụng các loại dao gây án là 16.841/25.378 vụ, chiếm 66,4%. Nhiều vụ đối tượng sử dụng dao nhọn, sắc, có tính sát thương rất cao, như dao bầu, dao phay, dao quắm và giết người với tình tiết rất manh động, gây bức xúc và hoang mang trong dư luận xã hội. Thực tế hiện nay, hiện tượng thanh niên tự hoán cải, tự chế thêm vào các loại dao này để sử dụng làm công cụ phạm tội, tuy nhiên chúng ta không xử lý được các đối tượng này về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vì trong luật hiện hành không quy định dao là vũ khí. Do đó, cần bổ sung vào dự thảo việc dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ. Đồng thời, để tránh vướng mắc trong thực tế khi dao này được sử dụng vào mục đích sinh hoạt nên quy định trường hợp đó không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này để đảm bảo tính khả thi của dự án luật và giải quyết được vướng về giải thích từ ngữ đối với các loại vũ khí thô sơ.
|
Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh). Ảnh: Hồ Long. |
Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) cơ bản thống nhất với dự thảo luật đề xuất dao vào loại vũ khí thô sơ tại điểm b khoản 4 Điều 3 để vừa đảm bảo tính khách quan của pháp luật, vừa đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm mà cuộc sống người dân vẫn không bị đảo lộn. Mặt khác, theo đại biểu cũng có thể quy định thêm một số hành vi bị nghiêm cấm như nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua, bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, cải tạo, lắp ráp, sử dụng trái phép, chiếm đoạt vũ khí thô sơ trừ dao có tính sát thương cao nhưng sử dụng vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt.
Đại biểu nhận định, việc người phạm tội sử dụng các vật dụng thường ngày để làm vũ khí khi thực hiện hành vi phạm tội là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, các đối tượng thường lựa chọn những vật có lực sát thương lớn như dao hơn các đồ vật bình thường khác, cũng không thể nói rằng bất cứ vật dụng gì từ công cụ sinh hoạt đến sản xuất đều có nguy cơ trở thành vũ khí. Vì vậy, theo đại biểu để đảm bảo tính ổn định xã hội, đề nghị cơ quan trình và cơ quan thẩm tra dự án luật cần tổ chức khảo sát, lấy ý kiến sâu hơn nữa của các tầng lớp nhân dân là đối tượng chịu sự tác động của các quy phạm pháp luật để đánh giá tính nghiêm trọng của các loại vật dụng gây nguy hiểm, từ đó đưa ra các quy định cụ thể và phù hợp với thực tiễn cuộc sống, trong đó có dao.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định), quy định theo dự thảo sẽ tăng tính răn đe đối với những đối tượng có tiền án, tiền sự, thường xuyên gây rối trật tự công cộng, hành hung người khác, các đối tượng này không còn lợi dụng việc sử dụng dao để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, có hành vi đe dọa, xâm hại cơ thể người khác mà được xử nhẹ hơn so với việc sử dụng vũ khí thô sơ. Tuy nhiên, phương án này cũng có một số hạn chế như: Nếu quy định dao từ 20cm trở lên hoặc dao độ chế là vũ khí thô sơ thì những đối tượng trên có xu hướng sẽ sử dụng vũ khí thô sơ theo quy định hiện hành nhiều hơn là sử dụng dao từ 20cm trở lên vì sử dụng vũ khí thô sơ sẽ có lợi thế hơn trong các vụ ẩu đả. Bên cạnh đó, quy định này sẽ không hạn chế được nhiều trường hợp người dân thường, trẻ em sử dụng dao nhỏ, vật nhọn mất kiểm soát, mất lý trí trong trường hợp giải quyết các mâu thuẫn trong cuộc sống khi giận quá mất khôn.
|
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định) phát biểu tại Hội trường. Ảnh: Hồ Long. |
Để hạn chế được thương vong theo hướng phòng là chính, cũng giúp cho người sử dụng dao cho mục đích lao động sản xuất, học tập, sinh hoạt thể dục thể thao được thuận tiện, đại biểu đề nghị dao, vật sắc nhọn đang được sử dụng đúng nhu cầu thông thường hằng ngày thì không xem là vũ khí thô sơ. Khi nào người cầm dao, vật nhọn trong hoàn cảnh được suy đoán là có nguy cơ sử dụng không vì mục đích lao động, học tập, sản xuất, sinh hoạt, thể dục thể thao thì lúc đó dao, vật nhọn trở thành vũ khí thô sơ, người có nguy cơ bị thương vong, các cá nhân, tổ chức khác có quyền, trách nhiệm báo cáo với cơ quan chức năng về hành vi cầm dao, vật nhọn đang có nguy cơ gây thương vong cho người khác và cơ quan chức năng sẽ có đủ căn cứ để dùng các biện pháp nghiệp vụ để tước dao, vật nhọn khỏi người đang sử dụng.
Còn đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, những loại Ban soạn thảo liệt kê ra.
“Tôi đề nghị trong giải thích từ ngữ phải rõ ràng, nếu phục vụ cho lực lượng vũ trang thì gọi là vũ khí, còn cho đối tượng manh động, xấu thì gọi là hung khí, còn trong sinh hoạt của gia đình thì gọi là công cụ để hỗ trợ cho gia đình trong mọi hoạt động sinh hoạt”, đại biểu nói./.