Quyết liệt tháo gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Thứ bảy, 26/10/2024 13:15
(ĐCSVN) - Theo các đại biểu Quốc hội, cần đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng và thực thi pháp luật; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực, giải quyết, khắc phục điểm nghẽn, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 26/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. 

Qua thảo luận, các ý kiến đại biểu cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ, đánh giá cao những kết quả nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Đáng chú ý là nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch của Quốc hội giao, trong đó GDP 9 tháng năm nay ước đạt 6,82%, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Nhiều ngành kinh tế đã phục hồi hoàn toàn và trở lại mức bằng hoặc cao hơn trước đại dịch COVID- 19. Bên cạnh đó, ước cả năm có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch và đặc biệt là chỉ tiêu tăng năng suất lao động, sau 3 năm không đạt thì 9 tháng đầu năm 2024 đã vượt kế hoạch….

Các đại biểu thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.  Ảnh: TL.

Tuy nhiên, đại biểu Triệu Quang Huy (Đoàn Lạng Sơn) cho rằng tốc độ tăng GDP năm 2024 cao hơn kỳ vọng chưa phản ánh hết khó khăn tiềm ẩn trong nền kinh tế như sự phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư công. 9 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu ghi nhận mức tăng trưởng cao nhưng vẫn còn nguy cơ khó đoán định. Xuất khẩu các mặt hàng chủ lực sang các thị trường còn gặp một số khó khăn, rào cản kỹ thuật cũng như điều tra chống bán phá giá. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn lớn, tỷ lệ số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trên số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường vẫn cao hơn cùng kỳ.

Từ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, đại biểu đề nghị Chính phủ cần quyết liệt đôn đốc các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án quan trọng quốc gia, đường cao tốc, các dự án trọng điểm, dự án liên vùng có tác động lan tỏa. Đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đánh giá kỹ về tình hình thực hiện 03 Chương trình Mục tiêu quốc gia năm 2024, làm rõ nguyên nhân của việc thực hiện và giải ngân chậm để đề xuất giải pháp thiết thực để đảm bảo thực hiện mục tiêu của các Chương trình Mục tiêu quốc gia.

Cũng theo đại biểu, Chính phủ cần nghiên cứu xây dựng, tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất lao động trong thời gian tới, thực hiện quyết liệt các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về tiếp cận nguồn vốn, hỗ trợ lãi suất, tìm kiếm đơn hàng, mở rộng thị trường tiêu dùng trong nước, mở rộng thị trường đẩy mạnh xuất khẩu; nhanh chóng giải quyết các khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Như So (Đoàn Bắc Ninh) đề nghị tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp thiết thực, cụ thể nhằm khơi thông điểm nghẽn tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp tư nhân.

Đại biểu chỉ ra hiện chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp vừa và nhỏ có khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng, trong khi đó, các doanh nghiệp này cần rất nhiều nguồn lực tài chính để mở rộng quy mô, đầu tư vào công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh. Việc thiếu vốn làm giảm khả năng phát triển và đổi mới sáng tạo, đẩy doanh nghiệp vào vòng xoáy “chết yểu”. Do vậy, cần tiếp tục điều hành lãi suất theo hướng duy trì lãi suất thấp, ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn; khuyến khích các ngân hàng thương mại áp dụng hình thức đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp để mở rộng cho vay tín chấp đối với các doanh nghiệp có dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi.

Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (Đoàn Quảng Ngãi) phát biểu tại phiên thảo luận tại tổ. Ảnh: TL.

Đồng thời, cần nghiên cứu, triển khai các chính sách ưu đãi đặc thù đủ mạnh, có sự phân hóa trong các lĩnh vực về thuế, đất đai nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân trong nước, đặc biệt doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, các doanh nghiệp đầu tàu có tiềm năng phát triển lớn. Bên cạnh đó, việc thiết lập các "hàng rào kỹ thuật thông minh" sẽ bảo vệ doanh nghiệp tư nhân trong nước trước sự cạnh tranh gay gắt từ hàng hóa nước ngoài, là chìa khóa vàng giúp doanh nghiệp trong nước có thể đứng vững trước sóng gió của thị trường toàn cầu, đảm bảo cho sản xuất nội địa không bị thua ngay trên sân nhà.

Về giải ngân vốn đầu tư công đến nay chưa đạt 50% kế hoạch, đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc ) cũng đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân kết quả giải ngân đạt thấp và giải pháp để từ nay đến hết năm hoàn thành việc giải ngân theo kế hoạch.

Đề cập đến nợ đọng xây dựng cơ bản, theo báo cáo của Kiểm toán, nợ đọng xây dựng cơ bản tại các bộ, ngành và địa phương đến ngày 31/12/2022 còn tương đối lớn, khoảng 14,75 nghìn tỷ đồng; đại biểu Trần Văn Tiến kiến nghị Chính phủ cho biết giải pháp khắc phục nợ đọng xây dựng cơ bản tại các Bộ, ngành và địa phương.

Liên quan đến “điểm nghẽn” trong công tác giải ngân, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (Đoàn Quảng Ngãi) đề nghị cần rà soát hoàn thiện thể chế, theo đó cần phân cấp, phân quyền cho phê quyệt kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh, giao quyền chủ động cho tỉnh đẩy nhanh việc thực hiện quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đồng thời, cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ các vướng mắc, bất cập trong việc triển khai thực hiện Luật Đất đai năm 2024, như: hướng dẫn về xây dựng, áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2024 tính giá đất áp dụng cho công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư; trình tự, thủ tục về giao đất, cho thuê đất đối với dự án có hoạt động lấn biển…/.

Vy Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực