* Đa dạng về chủng loại và chất lượng
Trên khắp địa bàn thành phố Hà Nội đang tràn ngập các gian hàng bày bán, giới thiệu sản phẩm bánh trung thu với đủ màu sắc. Khảo sát nhanh trên các tuyến phố năm nay cho thấy các thương hiệu lớn vẫn tiếp tục chiếm lĩnh thị trường như: Kinh Đô, Thu Hương, Hữu Nghị...
Đoàn liên ngành thanh, kiểm tra tại tiệm bánh Nhọ nồi, số nhà 144 phố
Phó Đức Chính,quận Ba Đình. Qua kiểm tra, cơ sở đã không có
giấy phép sản xuất kinh doanh, vi phạm tất cả các quy định về an toàn
thực phẩm(ảnh chụp chiều 15/9). Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN.
Chị Thu Hà - người phụ trách gian hàng bánh trung thu trên đường Chùa Bộc (Hà Nội) cho biết: Bánh trung thu không thể bày tràn lan vì thời tiết này rất dễ khiến bánh bị hỏng, mốc. Nên cửa hàng chủ yếu chỉ bày vỏ hộp và một số mẫu mã. Việc bảo quản bánh luôn được chú trọng hàng đầu. Theo chị Lan, chủ cửa hàng bánh trung thu tại chợ Nam Đồng (Hà Nội), năm nay bánh do các hộ gia đình tự sản xuất bán có mẫu mã đẹp mắt, giá thành hợp lý (từ 25.000 - 30.000 đồng/chiếc), thu hút nhiều khách hàng mua ăn và làm quà biếu. Các cơ sở sản xuất thủ công đều khẳng định bánh do nhà làm, không hóa chất, bảo đảm an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, chất lượng thật sự của bánh cần được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra.
Bánh trung thu ngày nay không chỉ đơn thuần là những chiếc bánh nướng, bánh dẻo nhân thập cẩm, đậu xanh như truyền thống. Đặc biệt, những năm gần đây, ngoài các loại bánh Trung thu sản xuất theo dây chuyền công nghiệp, thị trường còn rộ lên sản phẩm bánh Trung thu handmade với những hình thù con vật ngộ nghĩnh, họa tiết hoa văn nổi mang đủ màu sắc rất thu hút khách hàng.
Phần lớn bánh “handmade” đều được người bán quảng cáo không chất phụ gia, không chất bảo quản, bảo đảm an toàn nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm nếu sử dụng chất tạo màu, tạo mùi có tên trong danh mục chất cấm hoặc sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc. Nhiều loại nguyên liệu có nguy cơ ô nhiễm vi sinh vật gây bệnh, ô nhiễm hóa chất độc hại, biến đổi chất lượng do bảo quản không đúng yêu cầu..., dễ dẫn đến nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm làm ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng người sử dụng.
Ngoài ra, năm 2017, thị trường bánh trung thu cũng xuất hiện các dòng bánh ngoại nhập, đa phần từ các nước lân cận như Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), bán khá chạy, tuy nhiên vấn đề về an toàn thực phẩm thì chưa rõ.
* Siết chặt kiểm tra bánh Trung thu
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: Tết Trung thu đang đến gần và nhu cầu tiêu dùng các loại bánh, kẹo, đặc biệt là bánh trung thu tăng đột biến. Vì vậy, nguy cơ các loại sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm, sản phẩm giả, nhái và sản phẩm không có nguồn xuất xứ trên thị trường trong dịp này là rất cao. Nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân trong dịp tết Trung thu, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương vệ sinh an toàn thực phẩm đã phân công các đơn vị chức năng thuộc các Bộ: Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và các ngành liên quan tham gia 6 đoàn kiểm tra, tiến hành kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố từ ngày 11-30/9.
Các đoàn tập trung thanh tra, kiểm tra việc bảo đảm chất lượng sản phẩm, việc chấp hành quy định về quảng cáo, kiểm nghiệm định kỳ sản phẩm, ghi nhãn, truy xuất nguồn gốc; điều kiện sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; thanh tra, kiểm tra việc sử dụng phụ gia, phẩm màu, hương liệu, chất hỗ trợ chế biến, nguồn gốc nguyên liệu trong sản xuất, chế biến thực phẩm; đồng thời lấy mẫu kiểm nghiệm để đánh giá chất lượng sản phẩm.
Đồng thời, Cục An toàn thực phẩm đã có công văn đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đồng chí Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường tuyên tuyền về an toàn thực phẩm trong dịp tết Trung thu đến người dân và các hộ kinh doanh, sản xuất…
Theo Cục An toàn thực phẩm, bánh trung thu ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thường có mặt bánh vàng đều, da bánh mỏng, nhân khi cắt ra không bị vụn. Người tiêu dùng nên mua bánh trung thu ở các cơ sở có tên tuổi, đã có sự giám sát, kiểm tra của cơ quan y tế và phải xem xét kỹ nhãn mác của bánh (như phải ghi đầy đủ ngày sản xuất, thời hạn sử dụng). Bánh trung thu để lâu hoặc ở môi trường nóng, ẩm rất dễ bị mốc, hư hỏng, nên cũng phải kiểm tra trước khi mua dù thời hạn sử dụng vẫn còn.
Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo: Bánh trung thu bảo đảm an toàn thực phẩm cần đạt những tiêu chí sau: Sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng (có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản...); sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng; được bày bán ở nơi hợp vệ sinh, có đủ trang thiết bị che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản theo đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất. Người tiêu dùng sử dụng cảm quan để đánh giá, bảo đảm sản phẩm không bị dập nát, biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ. Người dân tuyệt đối không lựa chọn, mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng..
Bánh trung thu nên được bảo quản ở nơi khô mát, tránh ẩm hay nhiệt độ cao, không để bao bì bị rách. Bánh của một số cơ sở tư nhân thường có chất lượng kém, thời hạn sử dụng dưới 1 tháng sau đó bánh sẽ bị khô, cứng hay bị mốc hoặc chỉ ghi hạn dùng mà không ghi ngày sản xuất nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Mọi người nên mua bánh có thương hiệu nổi tiếng, có thời hạn sử dụng rõ ràng và có quy trình tuyển chọn nguyên liệu, chế biến kỹ càng. Đặc biệt, người dân nên lựa chọn những địa chỉ sản xuất bánh handmade thân cận, uy tín, có thương hiệu; không nên quá tin vào những lời quảng cáo trên mạng để tránh mua phải hàng kém chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe khi sử dụng…/.