Siết chặt việc tập sự hành nghề luật sư

Thứ sáu, 20/03/2020 09:32
(ĐCSVN) – Thực tế thời gian qua cho thấy, việc tập sự hành nghề luật sư ở một số nơi chưa đảm bảo chất lượng và hiệu quả, mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất…

Dự thảo thông tư thay thế Thông tư số 19/2013/TT-BTP ngày 28/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn tập sự hành nghề luật sư do Bộ Tư pháp xây dựng, đang đưa ra lấy ý kiến rộng rãi cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Việc tập sự một số nơi mang tính hình thức, “đánh trống ghi tên”

Theo Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp), qua 6 năm triển khai thực hiện, chất lượng tập sự hành nghề luật sư đã từng bước được nâng cao, người tập sự được cập nhật kiến thức pháp luật, rèn luyện kỹ năng hành nghề luật sư cũng như trau dồi Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam, có môi trường thực tiễn để cọ xát, tích lũy kinh nghiệm. Hoạt động giám sát tập sự hành nghề luật sư đã cải thiện so với thời gian trước, sâu sát hơn, bài bản hơn, đặc biệt là công tác giám sát của Bộ Tư pháp.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn nhiều trường hợp đăng ký tập sự ở một nơi nhưng làm việc ở một nơi khác dẫn đến việc tập sự chỉ mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất; việc tập sự hành nghề luật sư ở một số nơi chưa đảm bảo chất lượng và hiệu quả.

Việc giám sát tập sự hành nghề luật sư của các Đoàn luật sư, tổ chức hành nghề luật sư nhận tập sự chưa được quan tâm đúng mức, chưa được thực hiện có hiệu quả, còn lỏng lẻo nên chất lượng giám sát tập sự còn nhiều hạn chế; chất lượng tập sự hành nghề luật sư chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Nhiều người đăng ký tập sự tại nơi này nhưng lại xin làm việc ở nơi khác với mục đích kinh tế.

Luật sư trợ giúp pháp lý cho các đối tượng người nghèo, gia đình chính sách.

(Ảnh minh họa. Nguồn: TH)

Do kiến thức tự thu thập được cũng như kiến thức luật sư hướng dẫn truyền đạt trong quá trình tập sự còn nhiều hạn chế, bởi vậy, khi hành nghề không ít luật sư còn non kém về kỹ năng, vi phạm những quy tắc ứng xử thông thường nhất của nghề luật sư.

Thậm chí, có trường hợp không đủ điều kiện tập sự hành nghề luật sư vẫn được tổ chức hành nghề luật sư, Đoàn luật sư nhận tập sự và được Liên đoàn luật sư Việt Nam cho tham dự kiểm tra (ví dụ như tập sự trong thời gian chưa được xóa án tích; tập sự khi vẫn đang là cán bộ, công chức, viên chức…).

Mặt khác, Thông tư số 19/2013/TT-BTP còn chưa có quy định cụ thể, chi tiết về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư liên quan đến tập sự hành nghề luật sư và kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư; thiếu quy định điều chỉnh việc gia hạn tập sự hành nghề luật sư, thiếu quy định về quy trình chấm điểm và cách thức xử lý khi có chênh lệch điểm, các quy định về xử lý kỷ luật, vi phạm liên quan đến việc tập sự hành nghề luật sư chưa nghiêm khắc. Do đó, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động tập sự hành nghề luật sư và giám sát, kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Đảm bảo thanh lọc, nâng cao chất lượng tập sự

Dự thảo thông tư mới quy định chặt chẽ hơn nhằm đảm bảo khắc phục những hạn chế nêu trên. Cụ thể, dự thảo thông tư quy định về các trường hợp không được đăng ký tập sự hành nghề luật sư.

Tổ chức hành nghề luật sư nhận tập sự phải chứng minh có hoạt động hành nghề luật sư thể hiện ở các hợp đồng dịch vụ pháp lý và doanh thu. Những tổ chức hành nghề luật sư không chứng minh được có hoạt động trên thực tế, không có doanh thu thì không được nhận tập sự để tránh tình trạng nhận mà không có việc cho người tập sự thực tập, dẫn đến tình trạng “đánh trống ghi tên”, tập sự hình thức, không đảm bảo chất lượng tập sự hành nghề luật sư.

Đối với các trường hợp không đạt yêu cầu tập sự theo đánh giá của luật sư hướng dẫn và tổ chức hành nghề luật sư nhận tập sự hoặc trong trường hợp có lý do chính đáng (sức khỏe yếu, đi học ở nước ngoài hoặc lý do chính đáng khác) thì dự thảo thông tư quy định họ được gia hạn tập sự hành nghề luật sư tối đa 2 lần, mỗi lần 6 tháng. Trong trường hợp gia hạn tập sự lần thứ hai mà người tập sự vẫn không đạt yêu cầu tập sự thì Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư nơi đăng ký tập sự ra quyết định xoá tên người đó khỏi danh sách người tập sự của Đoàn luật sư.

Dự thảo thông tư quy định trong quá trình tập sự, người tập sự chỉ được tạm ngừng tối đa 2 lần, mỗi lần không quá 3 tháng, đảm bảo quá trình tập sự được thông suốt, tránh tình trạng tạm ngừng quá nhiều lần, ảnh hưởng đến chất lượng tập sự.

Theo Luật sư Trần Văn Dũng (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), quy định này góp phần nâng cao chất lượng tập sự, từ đó nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư; góp phần đưa việc tập sự hành nghề luật sư đi vào nền nếp, thực chất, hạn chế việc tập sự mang tính hình thức, “đánh trống ghi tên”.

Trên thực tiễn, khi người tập sự không đạt yêu cầu thì không rõ cơ quan, tổ chức nào quản lý, giám sát họ cho đến khi họ thi đạt kết quả kiểm tra; trong thời gian này, có trường hợp đã có hành vi vi phạm nhưng không rõ cơ quan, tổ chức nào có thẩm quyền xử lý. Do đó, để đảm bảo yêu cầu quản lý, hạn chế hành vi vi phạm, quy định nêu trên của dự thảo thông tư là phù hợp và cần thiết.

Dự thảo Thông tư cũng  quy định những người đã hoàn thành thời gian tập sự mà bị phát hiện thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2, điều 3 của thông tư (những trường hợp không được đăng ký tập sự) thì không được công nhận thời gian tập sự hành nghề luật sư.

“Quy định này đảm bảo thanh lọc đội ngũ người tập sự, từ đó loại bỏ những trường hợp gian dối khi khai hồ sơ ra khỏi đội ngũ luật sư, góp phần nâng cao chất lượng luật sư, nâng cao tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức tốt của luật sư”,  bà Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng Cục trợ giúp pháp lý cho biết.

Trên thực tế có một số trường hợp không đủ điều kiện tập sự nhưng che giấu thông tin, đã được Đoàn luật sư tiếp nhận tập sự và Hội đồng kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư không phát hiện ra vi phạm, sau đó cho tham dự kiểm tra và đạt kết quả kiểm tra. Để khắc phục tình trạng này, dự thảo thông tư bổ sung vào thành phần hồ sơ tham dự kiểm tra mẫu Giấy đề nghị tham dự kiểm tra theo hướng chi tiết các thông tin về nhân thân, quá trình công tác, khen thưởng, kỷ luật; bản sao bằng thạc sỹ luật cho phù hợp với quy định của Luật luật sư… Quy định này nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho Liên đoàn luật sư, Hội đồng kiểm tra trong quá trình xem xét, quyết định danh sách đủ điều kiện tham dự kiểm tra.

Để thuận lợi cho việc xác định và xử lý vi phạm đối với thí sinh tham dự kiểm tra, tránh phát sinh khiếu nại, tố cáo phức tạp, dự thảo thông tư quy định rõ hơn các hành vi vi phạm tương ứng với các hình thức xử lý như: khiển trách, cảnh cáo, đình chỉ kiểm tra.../.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực