Số vụ trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tăng cao

Thứ tư, 08/01/2020 00:24
(ĐCSVN) – Trong năm 2019, mặc dù số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý giảm nhưng số lượng vụ việc tham gia tố tụng, chất lượng và hiệu quả trợ giúp pháp lý tiếp tục tăng cao.

Theo Bộ Tư pháp, trong năm 2019, hoạt động phối hợp trợ giúp pháp lý (TGPL) trong tố tụng và tham gia tố tụng đã có nhiều chuyển biến. Hoạt động tham gia tố tụng của người thực hiện TGPL được nhiều cơ quan tiến hành tố tụng tại các địa phương ghi nhận, đánh giá cao.

Năm 2019, mặc dù số lượng vụ việc TGPL giảm nhưng số lượng vụ việc tham gia tố tụng, chất lượng và hiệu quả TGPL tiếp tục tăng cao. Cụ thể: các trung tâm đã tiếp nhận, thực hiện 47.027 vụ việc TGPL, trong đó có 36.310 vụ việc đã kết thúc.

Đáng chú ý, số vụ việc tham gia tố tụng lên tới 22.608 vụ việc (chiếm 48% tổng số vụ việc, tăng 23,1% so với năm 2018). Nhiều địa phương có số vụ việc tham gia tố tụng tăng mạnh so với năm 2018 như: Hậu Giang tăng 259%; Nam Định tăng 215%; Đồng Nai tăng 133%; An Giang tăng 109%; Lâm Đồng tăng 96%; Đắk Nông tăng 94%; Kiên Giang tăng 91%.

leftcenterrightdel
 Trợ giúp pháp lý cho người dân tại Sóc Sơn (Hà Nội).

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các địa phương và các cơ quan, tổ chức tập huấn tăng cường năng lực cho các cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; phối hợp xây dựng và phát sóng Chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” trên Đài truyền hình Việt Nam và nhiều chương trình trên Đài Tiếng nói Việt Nam, tập trung vào các chuyên đề pháp luật mới, pháp luật kinh doanh, đầu tư cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền về TGPL, sự chủ động tiếp cận các đối tượng được TGPL còn hạn chế nên nhiều người dân chưa biết hoặc khó tiếp cận đến TGPL. Điều này cộng với tâm lý chưa hoàn toàn tin tưởng vào TGPL đang làm giảm hiệu quả công tác này; hệ quả là số lượng vụ án được TGPL so với tổng số vụ án được xét xử có đối tượng được TGPL còn hạn chế. Chất lượng, hiệu quả một số vụ việc TGPL chưa cao.

Việc triển khai Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại một số bộ, ngành và địa phương còn chậm, nhất là công tác tuyên truyền, phổ biến để các doanh nghiệp thuộc đối tượng hỗ trợ biết và sử dụng dịch vụ hỗ trợ pháp lý; hiệu quả của một số hoạt động chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu cần hỗ trợ của doanh nghiệp...

Cục trưởng Cục TGPL Nguyễn Thị Minh cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục tổ chức thi hành hiệu quả Luật TGPL và các văn bản hướng dẫn. Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc nghiên cứu xây dựng chính sách TGPL cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 – 2025. Tăng cường truyền thông, quản lý nhà nước đối với công tác trợ TGPL tại các địa phương. Nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL và năng lực cho đội ngũ thực hiện TGPL để góp phần bảo đảm an sinh xã hội; phối hợp chặt chẽ và tốt hơn nữa với các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức có liên quan trong việc nâng cao hiệu quả công tác TGPL, nhất là công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực