Tạo bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính

Thứ sáu, 27/01/2017 15:00
(ĐCSVN) - Năm 2016, công tác cải cách hành chính (CCHC) được triển khai toàn diện, trong đó có thể nói cải cách thủ tục hành chính là điểm nhấn quan trọng, tác động tích cực đến người dân, doanh nghiệp, tạo lập niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào hoạt động phục vụ của các cơ quan công quyền.

Trong năm 2016, với sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ mới và của các Bộ, ngành, địa phương, công tác kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) được coi là nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan, các cấp chính quyền.

Ngay từ khi nhậm chức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu phải tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách mạnh các TTHC không cần thiết cản trở hoạt động của doanh nghiệp.

Trên cơ sở đề xuất của Bộ Tư pháp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 về tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích. Đây là một sáng kiến cải cách, tiết kiệm chi phí, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện TTHC, đồng thời là một trong các giải pháp phòng, chống tiêu cực, nhũng nhiễu.

Mô hình "một cửa" tại Trung tâm hành chính công tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: TH)

Từ một “rừng” TTHC, đến nay, với việc thực thi phương án đơn giản hóa theo 25 Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ, các bộ, ngành đã đơn giản hóa 4.527/4.723 TTHC (đạt tỷ lệ 95,85%). Đồng thời, đã  thực hiện chuẩn hóa 3.589/4.008 TTHC (đạt 89,5% so với mục tiêu); công khai TTHC sau khi chuẩn hóa trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC là 3.176/3.589 thủ tục. Mô hình "một cửa"; "một cửa liên thông" trong giải quyết TTHC tại các cấp chính quyền tiếp tục phát huy hiệu quả.

Với việc Quốc hội khóa XIV thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư, tại kỳ họp thứ 2, Luật đã bãi bỏ 20 ngành, nghề không phù hợp với tiêu chí và mục đích quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Đồng thời, hệ thống hóa, tách, hợp nhất một số ngành, nghề có cùng tính chất, mục tiêu, qua đó góp phần nâng cao tính minh bạch, khả thi của hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi để người dân và doanh nghiệp tuân thủ các điều kiện đầu tư kinh doanh.

Có thể thấy, kết quả CCHC không phải là đơn giản được bao nhiêu TTHC mà chính là sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Kết quả rà soát cho thấy, đơn giản hóa TTHC trong một số lĩnh vực bức xúc, liên quan trực tiếp tới người dân và doanh nghiệp như đất đai, xây dựng, hộ tịch, hộ khẩu, đầu tư, đăng ký doanh nghiệp, hải quan, thuế, xuất nhập khẩu v.v... đã có tác động tích cực đến người dân, doanh nghiệp, tạo lập niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào hoạt động phục vụ của các cơ quan công quyền.

Tuy nhiên, tình trạng bộ, ngành, địa phương chậm công khai TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC còn nhiều.  Vẫn còn đây đó các cán bộ cơ quan hành chính  nhũng nhiễu, gây khó dễ cho người dân; “một cửa” trong giải quyết TTHC  nhưng vẫn phải qua nhiều khóa với những thủ tục rườm rà, chồng chéo, dễ bị lợi dụng để tham nhũng, gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp…

Với thông điệp của Thủ tướng Chính phủ  đưa ra là quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động vì người dân và doanh nghiệp, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tập trung đẩy mạnh cải cách TTHC, xem đây là khâu đột phá để tạo môi trường thuận lợi, minh bạch cho mọi hoạt động của người dân và doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy những thủ tục rườm rà, chồng chéo chính là khâu cản trở sự phát triển và gây nhiều bức xúc trong nhân dân, qua đó cần phải tiến hành rà soát các TTHC trên tất cả các lĩnh vực; loại bỏ những thủ tục, những quy định sai trái, không phù hợp…

Mặt khác, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm người đứng đầu, là tấm gương trong giải quyết kịp thời, triệt để phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính của người dân, doanh nghiệp; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện kiểm soát TTHC tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc; xử lý nghiêm các cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết TTHC…/.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực