Tạo hành lang pháp lý thuận tiện hơn cho hoạt động thừa phát lại

Thứ tư, 03/05/2017 16:56
(ĐCSVN) – Ngày 3/5, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp và Hội đồng thừa phát lại quốc gia Pháp phối hợp tổ chức tọa đàm “Tổ chức và hoạt động thừa phát lại – kinh nghiệm của Cộng hòa Pháp và thực tiễn của Việt Nam”.

Chế định thừa phát lại (TPL) được thực hiện chính thức trên phạm vi toàn quốc từ ngày 1/1/2016 theo Nghị quyết số 107/2015/QH13 ngày 26/11/2015  của Quốc hội và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Theo đó, hoạt động TPL đã giúp giảm tải công việc, từ đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xét xử và thi hành án dân sự; tạo thêm công cụ pháp lý tích cực để người dân tự bảo vệ quyền lợi của mình khi tham gia các giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại.

 Bà Đỗ Hoàng Yến, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) phát biểu tại Tọa đàm. (Ảnh: TH).

Bà Đỗ Hoàng Yến - Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) cho hay: Tuy nhiên, hoạt động TPL thời gian qua cũng đã bộc lộ những hạn chế, sai sót nhất định. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan thì một trong những nguyên nhân chủ quan là đội ngũ TPL còn hạn chế về trình độ, năng lực và kinh nghiệm nghề nghiệp.

“Một số TPL, Văn phòng TPL còn có biểu hiện chạy theo lợi nhuận, xem nhẹ việc nâng cao chất lượng hoạt động, uy tín, thanh danh nghề nghiệp”, bà Yến nói.

Theo bà Yến, việc này cũng có nguyên nhân là do trong giai đoạn thực hiện, chưa có đủ điều kiện để tổ chức việc đào tạo, bồi dưỡng nghề TPL một cách bài bản và chưa ban hành được  bộ quy tắc đạo đức hành nghề TPL.

Để tăng cường công tác quản lý nhà nước cũng như tạo hành lang pháp lý thuận tiện hơn cho hoạt động TPL, Bộ Tư pháp dự kiến xây dựng Dự thảo Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định về tổ chức và hoạt động của TPL và Thông tư ban hành Quy tắc đạo đức hành nghề TPL.

Dự thảo Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định về tổ chức và hoạt động của TPL sẽ đơn giản hóa tối đa các thủ tục, số sách, biểu mẫu giấy tờ trong tổ chức và hoạt động TPL.

Theo Dự thảo Thông tư, Học viện Tư pháp sẽ đào tạo nghề TPL, trong thời gian 6 tháng, về các nội dung như kỹ năng hành nghề, kiến thức pháp luật liên quan đến hành nghề TPL, Quy tắc đạo đức nghề nghiệp TPL…

Sau khi được đào tạo nghề,  người đã học nghề TPL phải tập sự hành nghề TPL, báo cáo kết quả tập sự cho Sở Tư pháp nơi có Văn phòng TPL đăng ký tập sự vượt qua được kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề TPL do Bộ Tư pháp tổ chức để được cấp thẻ hành nghề.

Nghiêm cấm TPL sách nhiễu, gây phiền hà, khó khăn cho người yêu cầu

Theo Dự thảo Thông tư ban hành Quy tắc đạo đức hành nghề TPL, TPL có trách nhiệm coi trọng, giữ gìn uy tín nghề nghiệp, không được có hành vi làm tổn hại danh dự, uy tín cá nhân, thanh danh nghề nghiệp.

TPL phải ứng xử văn minh, lịch sự khi hành nghề, lành mạnh trong lối sống; không ngừng trau dồi đạo đức, nâng cao trình độ chuyên môn, tích cực tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và nỗ lực tìm tòi để nâng cao chất lượng công việc và phục vụ người yêu cầu.

Đồng thời, TPL có trách nhiệm giữ bí mật các thông tin trong hồ sơ công việc và tất cả thông tin biết được về nội dung công việc trong quá trình hành nghề, kể cả khi không còn là TPL, trừ trường hợp được sự đồng ý bằng văn bản của người yêu cầu hoặc pháp luật có quy định khác.

Đáng chú ý, Dự thảo Thông tư quy định TPL không được  sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người yêu cầu; nhận tiền hoặc bất kỳ lợi ích vật chất nào khác từ người thứ ba để thực hiện hoặc không thực hiện yêu cầu dẫn tới hậu quả gây thiệt hại đến lợi ích chính đáng của người yêu cầu và các bên liên quan;  Gây áp lực, ép buộc người yêu cầu phải sử dụng dịch vụ của mình hoặc Văn phòng mình;  Lập vi bằng có liên quan về mặt lợi ích giữa Thừa phát lại và người yêu cầu…
 

Tại tọa đàm, các đại biểu đã nghe kinh nghiệm của các chuyên gia Pháp trong việc xây dựng đội ngũ TPL, trong đó trọng tâm là quy tắc ứng đạo đức nghề nghiệp; đào tạo bồi dưỡng, tập sự hành nghề TPL và kinh nghiệm của Pháp trong việc xây dựng hệ thống các Văn phòng TPL.

Các chuyên gia Pháp cho biết, ở Pháp, Bộ trưởng Tư pháp sẽ bổ nhiệm TPL và quyết định cho thành lập Văn phòng TPL. Các TPL Pháp phải tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp không chỉ trong khi hành nghề mà cả trong đời sống hàng ngày.

Khi TPL vi phạm quy tắc đạo đức nghề  nghiệp, vi phạm pháp luật, Hội đồng TPL cấp vùng có trách nhiệm đưa ra chế tài kỷ luật. Tòa án sơ thẩm thẩm quyền rộng cũng có quyền đưa ra quyết định.

Đối với lỗi nặng như biển thủ tiền có thể  truất quyền hành nghề , đồng thời chịu chế tài của Tòa án chung với hình thức xử tù và phạt tiền.

Theo ông Patrick Safar, Phó Chủ tịch Hội đồng TPL quốc gia Pháp, dự thảo Nghị định quy định thời hạn đào tạo nghề TPL 6 tháng là tối thiểu để đạt được kỹ năng hành nghề đối với nghề không hề đơn giản như TPL.

Theo thống kê, hiện nay ngoài 13 tỉnh, thành phố đã thực hiện chế định TPL, có thêm 12 tỉnh, thành phố khác đã đăng ký và gửi Đề án thực hiện chế định này về Bộ Tư pháp. 

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực