Tạo khuôn khổ pháp lý cho hệ thống tư pháp người chưa thành niên

Thứ năm, 04/01/2024 16:58
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên đã cung cấp khung pháp lý thống nhất hơn dành cho hệ thống tư pháp người chưa thành niên, bảo đảm tố tụng thân thiện trong tất cả quá trình tố tụng tư pháp với nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên.

Sáng 4/1, Tòa án Nhân dân tối cao (TANDTC) tổ chức phiên họp Ban soạn thảo và Tổ biên tập lần thứ nhất đối với dự án “Luật Tư pháp người chưa thành niên”. Đồng chí Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh án TANDTC, Phó trưởng Ban soạn thảo chủ trì phiên họp.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến cho biết: Đây là một đạo luật rất nhân văn với người chưa thành niên, nếu Luật được ban hành sẽ góp phần thể hiện tinh thần, trách nhiệm của Việt Nam khi thực thi Công ước Quốc tế về quyền trẻ em. Đặc biệt, kết luận của Ủy ban quyền trẻ em Liên hợp quốc về báo cáo thực hiện Công ước quyền trẻ em lần thứ 5 và 6 của Việt Nam ngày 19/9/2022 tại Geneva, Thụy Sĩ đã khuyến nghị Việt Nam xem xét việc xây dựng và thông qua một đạo luật toàn diện về tư pháp trẻ em, cung cấp khuôn khổ pháp lý cho hệ thống tư pháp trẻ em.

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến, Phó trưởng Ban soạn thảo phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: TL. 

Tại phiên họp, ông Lê Thế Phúc, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC đã báo cáo về quan điểm chỉ đạo, định hướng xây dựng dự án Luật và giới thiệu dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Theo đó, dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên gồm 156 Điều, được bố cục thành 5 phần, 11 chương.

Dự thảo Luật quy định các nguyên tắc cơ bản của hoạt động tư pháp người chưa thành niên, gồm các nguyên tắc: Bảo đảm lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên; bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện; bảo đảm người chưa thanh niên được đối xử bình đẳng; bảo đảm quyền được thông tin đầy đủ, kịp thời; bảo đảm sự tham gia của người giám hộ, người đại diện của người chưa thành niên trong suốt quá trình tố tụng; bảo đảm giữ bí mật cá nhân của người chưa thành niên, quyền bào chữa, quyền được trợ giúp pháp lý, phiên dịch của người chưa thành niên; hạn chế tối đa việc áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế đối với người chưa thành niên...

Đóng góp vào dự thảo Luật, đa số các thành viên Ban soạn thảo đều bày tỏ thống nhất cao đối với các nội dung trong dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, bảo đảm tố tụng thân thiện trong tất cả quá trình tố tụng tư pháp với nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên. Đồng thời, nhận định dự thảo Luật cung cấp khung pháp lý thống nhất hơn dành cho hệ thống tư pháp người chưa thành niên thông qua tổng hợp và tăng cường các quy định đang nằm rải rác trong nhiều luật; hướng đến đảm bảo tiếp cận toàn diện và chuyên nghiệp hơn trong giáo dục và giám sát người chưa thành niên vi phạm pháp luật đang chịu các biện pháp phạt cải tạo không giam giữ; tăng cường phối hợp, hợp tác và cải thiện hiệu quả của các biện pháp xử lý đối với người chưa thành niên.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng dự án Luật này có nhiều chính sách lớn lần đầu tiên được đề xuất trong dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên; do vậy, cần có đánh giá tổng kết toàn diện, khoa học mang tính thực tiễn để đảm bảo tính đồng bộ, tránh mâu thuẫn với các đạo luật khác đang có hiệu lực. Đồng thời, đề nghị cần cân nhắc kỹ lưỡng các vấn đề liên quan đến xử lý người chưa thành niên phạm tội, hệ thống hình phạt, thủ tục tố tụng, các biện pháp miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng giáo dục tại cộng đồng…/.

 

Vy Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực