Tạo khuôn khổ pháp lý cho hệ thống tư pháp người chưa thành niên

Thứ năm, 04/04/2024 21:06
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Theo các đại biểu, cần thiết xây dựng và ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên, trong đó các chính sách cần có tiếp cận chuyên biệt, đặc thù, phù hợp với lứa tuổi, khả năng nhận thức của các em…

 GS.TS Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TL.

Ngày 4/4, tại TP Hạ Long (Quảng Ninh), Toà án nhân dân tối cao (TANDTC) phối hợp với Cơ quan phòng chống ma túy và Thực thi pháp luật quốc tế và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.

GS.TS Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC dự và phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu khai mạc, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết: Người chưa thành niên là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tình cảm, nhận thức; thiếu kiến thức xã hội, pháp luật... Đây là nhóm dễ bị tổn thương, bị tác động tiêu cực nhất trong xã hội nên cần được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt, nhất là trong hoạt động tư pháp hình sự. Vì vậy, chính sách về tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên cần có tiếp cận chuyên biệt, đặc thù phù hợp với lứa tuổi, khả năng nhận thức của các em, với mục đích bao trùm là giáo dục, cải tạo, giúp đỡ người chưa thành niên tự sửa chữa sai lầm, cải thiện nhận thức và hành vi, trở thành công dân tốt cho xã hội.

Hệ thống pháp luật quốc gia của các nước bên cạnh Bộ Luật tố tụng hình sự, Bộ Luật hình sự còn xây dựng luật chuyên biệt về tư pháp người chưa thành niên. Việt Nam tham gia Công ước Bảo vệ quyền trẻ em từ sớm, tuy nhiên, hiện nay, hầu hết các nước Châu Á đã có Luật chuyên biệt trong khi Việt Nam chưa có. Liên hợp quốc cũng đã khuyến cáo Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và nhiều chuyên gia đã khuyến nghị xây dựng Luật này. Chỉ thị Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ sự cần thiết phải có Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Vì vậy, việc xây dựng và ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên là khách quan và cần thiết.

Phát biểu tại hội thảo, bà Lesley Miller, Phó Trưởng đại diện Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam hoan nghênh việc Việt Nam đưa Luật Tư pháp người chưa thành niên vào đời sống. Theo bà Lesley Miller, việc đưa Luật Tư pháp người chưa thành niên vào thực thi sẽ củng cố và mở rộng các quy định hiện hành về người chưa thành niên trong hệ thống tư pháp. Đồng thời triển khai những cải cách quyết liệt, toàn diện nhằm bảo đảm hệ thống tư pháp người chưa thành niên của Việt Nam tuân thủ tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế. Việc thực thi luật không chỉ của các cơ quan tư pháp mà cần sự vào cuộc của toàn xã hội. Cần đảm bảo người dân hiểu được tầm quan trọng của luật này, nâng cao nhận thức cho người dân.

Chia sẻ về những kinh nghiệm thực thi Luật Tư pháp người chưa thành niên ở Hoa Kỳ, ông Ryan McKean, Giám đốc Cơ quan Phòng chống ma túy và Thực thi pháp luật quốc tế Việt Nam, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cam kết chia sẻ, đồng hành cùng Việt Nam trong việc thực thi Luật Tư pháp người chưa thành niên.

 
Toàn cảnh Hội thảo lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên. Ảnh: TL. 

Theo ông Ryan McKean, tư pháp người chưa thành niên là một vấn đề phức tạp và nhiều mặt, đòi hỏi cách tiếp cận toàn diện và hợp tác giữa phụ huynh, giáo viên, thẩm phán, công tố viên, nhà lập pháp, thành viên cộng đồng…

Tại hội nghị, các chuyên gia trong nước và Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc tập trung trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên và góp ý đối với một số nội dung của dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên; Chế định xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội trong dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên...

Các ý kiến nhất trí cần thiết xây dựng và ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên, đồng thời cho rằng cần xây dựng thêm trong Dự thảo những quy định liên quan đến xử lý chuyển hướng, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ tư pháp để nâng cao năng lực áp dụng xử lý chuyển hướng, cũng như xây dựng và phát triển các chương trình, dịch vụ tại cộng đồng giúp người chưa thành niên được xử lý chuyển hướng nhanh chóng hòa nhập xã hội và không tái phạm…/.

Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên gồm 5 phần, 11 chương, 175 điều quy định các nguyên tắc cơ bản của hoạt động tư pháp người chưa thành niên. Dự thảo Luật đưa ra 11 biện pháp xử lý chuyển hướng, trong đó có 10 biện pháp xử lý chuyển hướng ở ngoài cộng đồng, 1 biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng.  
Vy Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực