Qua thảo luận, cơ bản các ý kiến đại biểu trong Tổ cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; cho rằng việc xây dựng Luật sẽ kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cấp thiết về thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và đấu thầu.
|
Các đại biểu thảo luận tại tổ. (Ảnh: TH) |
Góp ý về nội dung sửa đổi Luật Quy hoạch, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) cho rằng, việc bổ sung quy định điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn là hợp lý để giải quyết các vấn đề cấp bách trong thực tiễn. Tuy nhiên, cần có các quy định cụ thể để đảm bảo chất lượng quy hoạch, đặc biệt là đối với những quy hoạch được điều chỉnh mà không qua quy trình thẩm định. Đại biểu đề nghị, dự thảo Luật bổ sung thêm các tiêu chí kiểm soát chất lượng trong trường hợp điều chỉnh quy hoạch theo thủ tục rút gọn.
Về việc bỏ thủ tục xin chủ trương điều chỉnh quy hoạch, theo đại biểu Thạch Phước Bình, đây là đề xuất hợp lý nhằm giảm bớt thủ tục hành chính không cần thiết và tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án cấp bách. Tuy nhiên, cần quy định rõ hơn về các trường hợp có thể điều chỉnh quy hoạch theo thủ tục rút gọn để tránh việc lạm dụng.
Liên quan đến nội dung sửa đổi Luật Đầu tư, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, việc phân cấp thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư đặc biệt cho Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế là một hướng đi hợp lý, giúp rút ngắn quy trình, giảm tải cho các cấp cao hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai dự án. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, quy định này cần phải đi kèm với các tiêu chí cụ thể về năng lực và nguồn lực của từng Ban Quản lý để đảm bảo khả năng thực hiện nhiệm vụ.
|
Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) phát biểu tại Tổ. (Ảnh: TL) |
Cùng với đó, các đại biểu cho rằng, cần bổ sung các chế tài rõ ràng về trách nhiệm của Ban Quản lý đối với các dự án có quy mô và tính chất phức tạp, nhằm đảm bảo tính minh bạch và tránh tình trạng buông lỏng quản lý. Đồng thời, bổ sung danh mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư đồng bộ với các quy định pháp luật hiện hành, đặc biệt trong các Luật chuyên ngành như: Luật Công nghiệp công nghệ số, Luật Khoa học và Công nghệ, để đảm bảo sự thống nhất, tránh trùng lặp, chồng chéo.
Cơ bản nhất trí với việc thiết kế thủ tục đầu tư đặc biệt để rút ngắn thời gian thực hiện dự án và thu hút nhà đầu tư; hơn nữa, cơ chế này đã nằm trong chuỗi các Nghị quyết đặc thù cho một số địa phương, song đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Đoàn Cần Thơ) bày tỏ băn khoăn về các quy định trong dự thảo.
“Chúng ta đang đổi mới tư duy làm luật, luật quy định khung, nguyên tắc, nhưng ở đây chúng ta đang liệt kê những lĩnh vực được hưởng ưu đãi đặc biệt. Đề nghị để Chính phủ quy định chi tiết các dự án được áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt, do công nghệ biến đổi hàng ngày, còn luật chỉ quy định khung lĩnh vực áp dụng thủ tục này”, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất.
Nêu quan điểm về nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) chỉ rõ, việc "hồi sinh" hình thức hợp đồng BT vào dự thảo Luật lần này là một bước đi rất quan trọng, và cũng đòi hỏi phải đánh giá kỹ lưỡng mọi khía cạnh để đảm bảo sự ổn định của chính sách.
Đại biểu cũng cho rằng, hiện nay, chúng ta đang e ngại vấn đề chênh lệch giá trị quỹ đất thực tế tại thời điểm giao so với dự kiến trong hợp đồng. Tuy nhiên, phải nhấn mạnh việc các doanh nghiệp ứng trước một số vốn khổng lồ và chịu những chi phí phát sinh không ngừng trong suốt quá trình triển khai dự án, là điều không dễ dàng. Những thủ tục hành chính, việc giải phóng mặt bằng phức tạp, kéo dài có khi lên tới hàng chục năm, khiến chi phí vốn đội lên, trong khi các lợi ích từ dự án vẫn chưa thể sinh lời.
"Nếu không đảm bảo quyền lợi và sự ổn định của doanh nghiệp, liệu chúng ta có thể kỳ vọng thu hút được các nhà đầu tư khác vào phát triển hạ tầng một cách bền vững hay không?", đại biểu đặt vấn đề.
Đại biểu Nguyễn Như So đề nghị, trong dự thảo Luật lần này, thay vì quá tập trung vào kiểm soát sự chênh lệch giá trị đất - một yếu tố khó lường và luôn biến động theo thị trường, nên chú trọng vào việc đơn giản hóa và tháo gỡ các thủ tục pháp lý.
Theo đại biểu, việc cải thiện thủ tục hành chính không chỉ giúp doanh nghiệp giảm gánh nặng về thời gian và chi phí mà còn đảm bảo tiến độ dự án, tạo ra giá trị thực sự cho cả hai bên. "Đó mới là cách tiếp cận hài hòa, thực tế và có hiệu quả, nhằm đảm bảo lợi ích lâu dài, đồng thời thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp vào sự nghiệp phát triển đất nước", đại biểu Nguyễn Như So khẳng định.
Đối với các dự án BOT ký hợp đồng trước thời điểm Luật PPP hiện hành, phát sinh vướng mắc, đang triển khai thực tiễn tại một số địa phương, đại biểu Lưu Bá Mạc (Đoàn Lạng Sơn) đề xuất cân nhắc cụ thể hoá thành một quy định tại dự thảo Luật sửa đổi lần này. Hoặc có thể cân nhắc phương án Bộ Giao thông Vận tải báo cáo, trình, để Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền theo hướng nghiên cứu xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp một cách tối đa có thể, tương tự như phương án đề xuất đối với các dự án BT chuyển tiếp./.