Thống nhất trình Quốc hội chủ trương đầu tư xây dựng cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành

Thứ tư, 17/04/2024 19:30
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội chủ trương đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.

 Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 17/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).

Tạo động lực phát triển khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên

Thừa ủy quyền của Chính phủ trình bày Tờ trình về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, tại phiên họp, Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) là dự án trọng điểm quốc gia. Việc triển khai Dự án không chỉ tạo động lực, sức lan tỏa, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên mà còn góp phần hoàn thiện mạng lưới cao tốc theo quy hoạch liên kết vùng.

  Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng trình bày Tờ trình của Chính phủ về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước). Ảnh: TL

Mục tiêu đầu tư Dự án nhằm kết nối Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, kết nối TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai và các địa phương khác trong vùng, tạo không gian phát triển mới; khai thác tiềm năng sử dụng đất, phát triển du lịch, công nghiệp chế biến, khai khoáng… góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và quốc gia theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Theo quy hoạch, Dự án sẽ có quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh; giải phóng mặt bằng thực hiện một lần theo quy mô quy hoạch 6 làn xe. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 25.540 tỷ đồng bao gồm 12.770 tỷ đồng vốn nhà nước và 12.770 tỷ đồng vốn do nhà đầu tư huy động.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, Chính phủ đề xuất phân chia Dự án thành 5 dự án thành phần (gồm 1 dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP và 4 dự án thành phần đầu tư công).

Về tiến độ dự kiến, Dự án sẽ tiến hành chuẩn bị đầu tư từ năm 2023, thực hiện Dự án từ năm 2024, phấn đấu hoàn thành Dự án năm 2026.

Để thực hiện Dự án, Chính phủ cũng kiến nghị Quốc hội cho phép Dự án áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù.

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhất trí về sự cần thiết đầu tư Dự án với những lý do đã nêu tại Tờ trình của Chính phủ.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị cân nhắc mở rộng đầu tư đoạn kết nối 2km của Dự án theo quy mô 4 làn xe tiêu chuẩn, để bảo đảm kết nối đồng bộ với đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Chơn Thành đang triển khai đầu tư, phát huy hiệu quả đầu tư (giảm thiểu chi phí trong quá trình nâng cấp, mở rộng sau này); làm rõ hơn tính hấp dẫn của Dự án đối với các nhà đầu tư; bổ sung các giải pháp để bảo đảm tiến độ, chất lượng cho Dự án…

Tiếp tục rà soát đảm bảo phù hợp với các quy hoạch, các chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất

Phát biểu tại Phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhất trí việc xây dựng tuyến đường quan trọng này, qua đó góp phần rất quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương cũng như đảm bảo quốc phòng an ninh, tạo ra dư địa mới cho sự phát triển của các địa phương mà tuyến đường đi qua như thông thương hàng hóa, phát triển du lịch…

Liên quan đến cơ chế, chính sách đặc thù của Dự án,  ông Bùi Văn Cường đề nghị cần rà soát theo hướng những nội dung gì khác với luật thì mới đề xuất đặc thù, còn những nội dung nào mà luật đã quy định thì không cần xin cơ chế đặc thù.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận nội dung thảo luận. Ảnh: QH

Đề cập đến nguồn vốn thực hiện Dự án, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh lưu ý, trong khi thời gian còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn không nhiều, ngân sách của địa phương eo hẹp, các địa phương cần tính toán kỹ lưỡng; Chính phủ cần có thêm biện pháp để cùng các địa phương đảm bảo bố trí được nguồn ngân sách của địa phương.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thống nhất trình Quốc hội chủ trương đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.

UBTVQH cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát để đảm bảo đầu tư dự án phù hợp với các quy hoạch, các chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất, đề xuất tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư và phương án thiết kế sơ bộ đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định pháp luật, tránh ảnh hưởng đến môi trường hệ sinh thái.

Đồng thời, đánh giá kỹ các yếu tố tác động đến tiến độ triển khai để có giải pháp đến năm 2026 cơ bản hoàn thành dự án, đặc biệt là việc thu hồi đất, đền bù hỗ trợ tái định cư, việc lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP, khả năng bố trí nguồn lực và khả năng hấp thụ vốn và giải ngân vốn; có giải pháp xử lý các khó khăn vướng mắc không để thiếu nguyên vật liệu, bãi đổ thải…để hoàn thành dự án chất lượng đúng tiến độ…

Về các cơ chế đặc thù, UBTVQH cơ bản thống nhất trình Quốc hội cho phép dự án áp dụng các cơ chế về tổ chức thực hiện dự án, chỉ định thầu, khai thác khoáng sản làm vật liệu thông thường để thực hiện dự án. Tuy nhiên, cần rà soát điều chỉnh lại các nội dung cơ quan thẩm tra đề nghị cụ thể, chỉ đề xuất các cơ chế chỉ định thầu đối với các nội dung vượt quá quy định của Luật Đấu thầu; bổ sung các quy định nhà thầu thi công và Ủy ban nhân dân các tỉnh phải thực hiện tương tự tại khoản 2 khoản 3 Điều 4 Nghị quyết 106 của Quốc hội…/.

 

Vy Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực