Thúc đẩy kinh tế TP. Hồ Chí Minh phát triển nhanh và bền vững

Thứ năm, 12/11/2020 15:30
(ĐCSVN) - Việc ban hành nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh là cần thiết, nhằm hiện thực hóa chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, để thúc đẩy, tạo chuyển biến lớn, tác động tăng trưởng kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh một cách nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới.

Sáng 12/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Đa số ý kiến tán thành việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh và nhất trí thực hiện Nghị quyết ngay từ ngày 1.7.2021 mà không cần thực hiện thí điểm nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển TP Hồ Chí Minh nhanh và bền vững; đồng thời, phát huy tốt nhất vai trò, vị trí của TP. Hồ Chí Minh đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước trong thời gian tới.

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết  (An Giang) nêu rõ, với vị trí quan trọng, tiềm năng lớn, Thành phố Hồ Chí Minh rất cần tổ chức chính quyền đô thị phù hợp với đặc điểm, tính chất của một đô thị đặc biệt, cơ sở hạ tầng dân cư hiện nay. Và nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và xu thế triển khai cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 thì việc ban hành nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh là cần thiết, để đủ sức thúc đẩy, tạo chuyển biến lớn, tác động tăng trưởng kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh một cách nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết  (An Giang). Ảnh: TL.

Việc triển khai tổ chức không tiếp tục thí điểm phù hợp với chủ trương của Đảng về việc không mở rộng thí điểm mô hình tổ chức mới và kiêm nhiệm chức danh.

Từ phân tích thực tiễn pháp lý và trước yêu cầu đổi mới mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh là vấn đề quan trọng, cấp bách, đại biểu cho rằng, việc Thành phố Hồ Chí Minh chính thức thực hiện mô hình tổ chức chính quyền đô thị mà không phải tiếp tục thí điểm là phù hợp để đảm bảo tính ổn định và tính lâu dài.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể hơn giải pháp đổi mới phương thức hoạt động của Hội đồng nhân dân thành phố về cơ cấu tổ chức, số lượng, nhất là đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách theo hướng tăng cường công tác giám sát, phát huy hiệu quả. Song, cần rà soát các chính sách trong Nghị quyết 54 thực sự có hiệu quả, cũng như xem xét để bổ sung những quy định mới, chính sách phù hợp đặc thù vượt trội, có sự khác biệt so với các đơn vị hành chính hiện nay để thực hiện đảm bảo tính ổn định lâu dài và phát huy hiệu quả đạt kỳ vọng khi nghị quyết đã được ban hành...

Đại biểu Quốc hội Tô Ái Vang (Sóc Trăng) đánh giá, việc không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường nhằm đạt hiệu quả tối ưu trong giải quyết nhu cầu, nguyện vọng, bức xúc của người dân một cách thực chất nhanh hơn mà không thông qua các cấp trung gian.

Bên cạnh đó, góp phần tinh gọn bộ máy chính quyền, bảo đảm sự liên thông, điều hành thống nhất, linh hoạt, phù hợp với đặc thù của địa bàn siêu đô thị. Điều đó cũng đặt ra yêu cầu, tăng cường vai trò và cơ chế giám sát của cơ quan dân cử ở cấp thành phố, nhằm bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền đại diện cũng như đủ năng lực tiếp nhận và phản ánh tâm tư nguyện vọng của người dân trong điều kiện không tổ chức Hội đồng nhân dân ở quận, phường.

Trên cơ sở này, đại biểu  kiến nghị xem lại cơ cấu đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố phải đủ lực, cần tăng thêm số lượng, chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố hoạt động chuyên trách, có thể bao gồm cả một số đại biểu không giữ chức vụ hoạt động chuyên trách tại các ban của Hội đồng nhân dân thành phố, để có thể bao quát được hết công việc. Ngoài ra, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, mở rộng mạng lưới, tăng tần suất tiếp xúc cử tri và những kênh thông tin để cử tri tương tác với đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố.

“Thực hiện mô hình mới với cách làm khoa học, tôi tin rằng việc thực hiện ngay mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thành công, sớm hiện thực hóa chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội và kỳ vọng của Chính phủ, tất cả vì lợi ích của nhân dân”, đại biểu nói.

Đồng quan điểm, đại biểu Huỳnh Thành Chung (Bình Phước) đề nghị cân nhắc xem xét tăng thêm số lượng đại biểu chuyên trách Hội đồng nhân dân của Thành phố Hồ Chí Minh, để tăng cường thêm tính hiệu lực, hiệu quả cũng như nguồn lực để có thể mang tính đại diện của người dân Thành phố Hồ Chí Minh cao hơn.Tăng cường sự giám sát cũng như giải quyết các kiến nghị, vướng mắc về tâm tư, nguyện vọng của người dân.

Cũng theo đại biểu Huỳnh Thành Chung, Thành phố Hồ Chí Minh trong xu thế phát triển kinh tế vùng cần quan tâm tới việc kết nối hạ tầng giao thông và đô thị đối với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, để phát huy sự phát triển kinh tế vùng một cách toàn diện./.

 

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực