Chiều ngày 30/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của đại biểu trong quá trình thảo luận là về Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh.
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà ( Đoàn Bắc Giang) đánh giá cao việc trong dự thảo luật này đã đưa ra nhiều chính sách mới, đặc thù, có tính đột phá để thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp quốc phòng, an ninh. Theo rà soát sơ bộ, dự thảo luật có khoảng 37 chính sách đặc thù vượt trội hơn so với các chế độ chính sách hiện hành ở các luật có liên quan, bảo đảm xây dựng được nền công nghiệp quốc phòng, an ninh chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại để trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia.
Liên quan đến Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh, đại biểu cho rằng việc quy định quỹ này như Điều 22 dự thảo là hoàn toàn cần thiết, có đủ cơ sở chính trị pháp lý và thực tiễn, nhất là để thể chế hóa chỉ đạo mới nhất của Bộ Chính trị tại Kết luận số 75 ngày 24/4/2024.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt (Đoàn TP Hà Nội) nhấn mạnh, việc lập Quỹ Công nghiệp quốc phòng, an ninh là cần thiết vì công nghiệp quốc phòng và an ninh có vai trò đặc biệt quan trọng trong giai đoạn hiện nay, khi nền tảng khoa học quân sự, vũ khí công nghệ cao là một trong những yếu tố then chốt để phòng ngừa và giành lợi thế sau các cuộc chiến. Qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế, các nước có nền công nghiệp quốc phòng phát triển đều thành lập quỹ tài chính để phục vụ cho lĩnh vực này. Việc huy động các nguồn vốn hợp pháp ngoài ngân sách nhằm xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh sẽ góp phần giúp giảm gánh nặng đối với ngân sách nhà nước.
|
Các đại biểu tham dự phiên thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Ảnh: QH. |
Theo đại biểu, thời gian vừa qua, việc triển khai các chương trình, dự án đặc biệt thường phải vận dụng qua cơ chế của Quỹ dự trữ ngoại hối và phải áp dụng các cơ chế đặc thù do cấp có thẩm quyền quyết định. Các chương trình, đề án đặc biệt hiện đang triển khai đều được cấp có thẩm quyền yêu cầu phải xây dựng cơ chế pháp lý đồng bộ và bảo đảm chặt chẽ. Đối với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ, nhất là các nhiệm vụ cấp bách, rủi ro cao rất cần thiết cho sự chủ động, linh hoạt trong bố trí nguồn lực nhằm bảo đảm chất lượng và tiến độ của công việc. Hình thành một quỹ tài chính để hỗ trợ ngân sách nhà nước phục vụ cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh là giải pháp cơ chế đặc thù vượt trội và có ý nghĩa chiến lược, nhất là trong triển khai các chương trình, dự án đầu tư có tính cấp bách nghiên cứu, chế tạo vũ khí trang bị có ý nghĩa chiến lược.
Theo thống kê, giai đoạn 2012-2021 nguồn tài chính cho công nghiệp quốc phòng, ngân sách hàng năm cấp và bảo đảm cho quốc phòng vẫn chưa đủ để thực hiện những nhiệm vụ cấp bách, chiến lược đột phá.
Bày tỏ sự đồng tình đối với việc thành lập Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) cho rằng việc quy định thành lập quỹ là thể chế hóa chủ trương của Đảng và đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Liên quan đến chế độ, chính sách trong công nghiệp quốc phòng, an ninh, đại biểu nhận định, Dự thảo luật trình kỳ họp này đã đề xuất, bổ sung nhiều chính sách đặc thù vượt trội về chế độ, chính sách trong công nghiệp quốc phòng, an ninh, như cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt.
Theo đại biểu, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt là doanh nghiệp được hưởng những chính sách vượt trội so với quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp Điều 13, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công Điều 61; ngoài ra được Nhà nước hỗ trợ mức đóng chênh lệch bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong trường hợp kết quả sản xuất, kinh doanh không đảm bảo đủ lương và các khoản phụ cấp cho người lao động là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng, viên chức quốc phòng và sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân, công an.
“Qua nghiên cứu, tìm hiểu thực tiễn, tôi đồng tình với quy định này, tuy nhiên trong quá trình triển khai, thi hành luật, tôi đề nghị cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ để tránh lợi dụng chính sách”, đại biểu nói.
Thay mặt Bộ Quốc phòng, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã có giải trình, làm rõ thêm nội dung mà đại biểu quan tâm.
Đại tướng Phan Văn Giang cho biết, việc thành lập Quỹ quốc phòng, an ninh là rất cần thiết nhằm hỗ trợ triển khai thực hiện các nhiệm vụ cấp bách hoặc để nghiên cứu phát triển sản phẩm quốc phòng, an ninh; các sản phẩm này có tính mới và cũng có tính rủi ro rất cao; đồng thời nhấn mạnh đến tính đặc thù của quỹ là để khi cần thì có thể sử dụng được ngay…/.