Các lực lượng chức năng của tỉnh Bình Định phối hợp
đến để tuyên tuyền, phổ biến chính sách pháp luật tận nhà ngư dân.
Các tỉnh, thành duyên hải miền Trung (từ Đà Nẵng trở vào đến Khánh Hòa) là địa bàn có bờ biển dài và đội tàu đánh bắt xa bờ lớn của cả nước. Để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, trong đó đặc biệt là ngư dân các địa bàn ven biển, các địa phương đã quan tâm cụ thể hóa, triển khai thực hiện Đề án tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều giải pháp đồng bộ, hướng mạnh về cơ sở. Từ đó, đã tạo được những chuyển biến bước đầu quan trọng.
Theo UBND các tỉnh, thành duyên hải miền Trung, ngay sau khi tiếp thu Đề án, từ năm 2013 đến nay, các địa phương đã ban hành nhiều kế hoạch, văn bản chỉ đạo cụ thể để thực hiện; giao Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành chủ công, phối hợp với Mặt trận, các ngành, đoàn thể như: Nông dân, Thanh niên, Cựu Chiến binh, Tư pháp, Chi cục thủy sản… và cấp ủy, chính quyền cơ sở bám sát các đối tượng có liên quan để tuyên truyền, giáo dục.
Trong các nội dung tuyên truyền, giáo dục, cấp ủy, chính quyền và Bộ đội Biên phòng các địa phương hết sức quan tâm đến tuyên truyền, ngăn chặn, làm giảm thiểu và tiến đến việc chấm dứt các hoạt động đánh bắt trái phép, vi phạm chủ quyền các nước khác, làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, tác động xấu đến việc xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường thế giới.
Tìm hiểu thực trạng công tác tuyên truyền này tại tỉnh Bình Định, chúng tôi được Thiếu tá Phạm Liên, Đội phó Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Tam Quan Nam (huyện Hoài Nhơn) cho biết, trong các mô hình tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân các địa bàn ven biển về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, thời gian qua lực lượng Bộ đội Biên phòng và các ngành có liên quan hết sức quan tâm, chú ý đến đối tượng ngư dân. Bởi đây là lực lượng trực tiếp tham gia đánh bắt trên biển, tạo ra nguồn thủy sản xuất khẩu lớn của Việt Nam. Qua công tác tuyên truyền, đã đưa ra nhiều biện pháp, nhiều kênh phù hợp để tuyên truyền, giáo dục cho các đối tượng cần hướng đến.
Đặc biệt, trong nhiều mô hình tiêu biểu tại khu vực biển mà đơn vị quản lý, đáng kể và hiệu quả nhất là mô hình mỗi đảng viên là một tuyên tuyền viên của xã Hoài Hương. Mới đầu, mô hình này được triển khai thí điểm tại thôn Ca Công Nam, sau đó tút kinh nghiệm và nhân rộng ra toàn xã, hiện nay đang tiếp tục triển khai tại 6 xã ven biển của huyện Hoài Nhơn; đồng thời mới đây, thôn Ca Công Nam đã được chọn, trực tiếp báo cáo với Thường trực Tỉnh ủy về mô hình trên để phổ biến, nhân rộng trên toàn tỉnh Bình Định.
Với mô hình của thôn Ca Công Nam, trên cơ sở kế hoạch được chi bộ thôn đề ra, mỗi đảng viên của chi bộ được tập huấn, cập nhật các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của trên do Sở Tư pháp, Chi cục Thủy sản và Bộ đội Biên phòng tỉnh cung cấp, khi về sống, sinh hoạt tại địa bàn dân cư đã bằng những biện pháp linh hoạt như: đến tận nhà, trò chuyện, trao đổi, tâm tình… ở mọi nơi, mọi lúc, mọi hoàn cảnh phù hợp để ngư dân nắm bắt các chủ trương, chính sách, pháp luật, quy định của Đảng, Nhà nước có liên quan đến nghề đánh bắt trên biển. Từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm để tham gia đánh bắt an toàn, không vi phạm lãnh hải các nước khác; sử dụng các phương pháp đánh bắt hiện đại, văn minh, tránh các hình thức đánh bắt hủy diệt, gây ô nhiễm môi trường, độc hại đến nguồn lợi thủy hải sản….
“Với sự vào cuộc kiên trì, linh hoạt của đội ngũ đảng viên trong thôn, đến nay sau nhiều năm đánh bắt, đội tàu thuyền của thôn Ca Công Nam nói riêng và xã Hoài Hương nói chung luôn đảm bảo tăng thu nhập cho ngư dân; đặc biệt không còn tình trạng đánh bắt lấn sang ngư trường thuộc lãnh hải các nước khác để bị bắt”- Thiếu tá Phạm Liên cho biết.
Tại tỉnh lân cận Phú Yên, thông tin cung cấp từ Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết: Nếu như năm 2016 không có trường hợp nào tàu cá khai thác hải sản vi phạm lãnh hải các nước khác thì từ đầu năm 2017 đến nay, số vụ vi phạm bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ là 04 vụ/04 tàu thuyền/34 lao động, đặc biệt trong đó có 01 vụ làm 02 ngư dân thiệt mạng.
Trước tình hình đó, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu các địa phương, đơn vị trên địa bàn tiếp tục quan tâm làm tốt hơn công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật đến ngư dân. Đặc biệt, ngày 2/10/2017, UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành văn bản số 5380/UBND-KT về việc “Ngăn chặn, giảm thiểu, chấm dứt tàu cá và ngư dân Phú Yên khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài”. Theo văn bản trên, UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương, đặc biệt là Chỉ thị số 689/CT-TTg ngày 18/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 20/8/2012 và Quyết định số 1611/QĐ-UBND ngày 20/8/2012 của UBND tỉnh về ban hành kế hoạch thực hiện một số giải pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn tình trạng tàu cá của tỉnh bị nước ngoài bắt giữ.
Đồng thời với chỉ đạo trên, UBND tỉnh Phú Yên cũng chỉ đạo rõ, kiên quyết không cấp giấy phép khai thác thủy sản, không cho đóng mới đối với chủ tàu cá tái phạm, tàu cá bị bắt giữ chuộc, thả hoặc trốn về nước; tạm dừng chuyển quyền sở hữu và tước quyền giấy phép khai thác thuỷ sản trong vòng 6 tháng; tàu cá vi phạm không được hưởng các chính sách hỗ trợ của nhà nước. Tiến hành rà soát, tham mưu UBND tỉnh củng cố, nâng cao trách nhiệm, năng lực hoạt động của Tổ công tác về tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến ngư dân của tỉnh; tiếp tục thực hiện tốt công tác truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác; kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm việc khai thác, tiêu thụ, chế biến hải sản quý hiếm trái phép…
Liên quan đến công tác tuyên tuyền, nâng cao nhận thức về chủ trương, chính sách, pháp luật của ngư dân trên địa bàn, tại tỉnh Quảng Ngãi thời gian qua, Tỉnh ủy và UBND tỉnh cũng tập trung quan tâm cho công tác này. Theo ông Phùng Đình Toàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi, hàng năm, UBND tỉnh tổ chức từ 10 đến 12 lớp tập huấn và phối hợp với Cục Đăng kiểm tổ chức từ 2 đến 4 lớp về tuyên truyền pháp luật cho ngư dân, về đăng ký đăng kiểm, quản lý tàu cá, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Thông qua các lớp này, hầu hết các chủ tàu và thuyền trưởng, máy trưởng trên địa bàn tỉnh đều bắt buộc phải tham dự.
Cũng theo ông Toàn, đáng kể nhất tại Quảng Ngãi là tàu cá và ngư dân xã Bình Châu (huyện Bình Sơn) thường vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, nên thời gian qua, Trạm Biên phòng cửa Sa Kỳ yêu cầu ngư dân ký cam kết không xâm phạm vùng biển nước ngoài, không săn bắt các loại thủy sản quý hiếm trước khi xuất bến. Trong khi đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã có Chỉ thị 03/CT-UBND ngày 27/01/2015 về việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra kiểm soát, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.
Đối với tỉnh Khánh Hòa, từ đầu năm 2017 đến nay có 05 vụ tàu cá của ngư dân địa phương vi phạm bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ. Theo ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, liên tục từ năm 2013 đến nay, Chi cục Thủy sản tỉnh và Bộ đội Biên phòng Khánh Hòa đã liên kết, tăng cường phối hợp với chính quyền và ngành chức năng có liên quan tại các địa bàn ven biển đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, phổ biến pháp luật đến ngư dân.
Các chiến sỹ Biên phòng đang tuyên truyền,
phổ biến chính sách, pháp luật cho ngư dân ven biển tỉnh Khánh Hòa.
“Hiện nay ngoài biện pháp giao cho Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì phối hợp với các lực lượng có liên quan như Tư pháp, Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ và Liên đoàn lao động tỉnh cùng chính quyền cơ sở các địa bàn ven biển thường xuyên truyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật đến ngư dân, Khánh Hòa cũng đang triển khai thí điểm 2 mô hình đánh và thu mua sản phẩm cá ngừ đại dương sọc dưa và cá ngừ đại dương mắt to với tiêu chí đặt ra: Sản phẩm đánh bắt không được vi phạm ngư trường nước ngoài (nếu vi phạm sẽ không thu mua và truy xuất nguồn gốc). Để đảm bảo yêu cầu đặt ra này, các doanh nghiệp tham gia chuỗi tiêu thụ cam kết và thu mua cao hơn giá thị trường để khuyến khích ngư dân. Nhờ đó, sau qua gần 01 năm triển khai, từ 40 chủ tàu cá ban đầu đăng ký tham gia, hiện nay đã có gần 90 chủ tàu cá trên địa bàn tỉnh đã tham gia vào chuỗi đánh bắt và tiêu thụ thuộc 02 mô hình trên. Nếu tiếp tục nhân rộng sẽ là điều kiện để việc Khánh Hòa hướng đến chấm dứt tình trạng ngư dân xâm phạm lãnh hải nước ngoài có cơ sở để hoàn thành”- Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Trọng Chánh cho biết.
Còn tại TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, liên tục nhiều năm nay 2 địa phương này không có tình trạng ngư dân xâm phạm lãnh hải nước khác để đánh bắt thủy hải sản. Tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến kết quả trên là do chính quyền 02 địa phương đã làm rất tốt công tác tuyên tuyền đến ngư dân; đồng thời buộc ngư dân phải cam kết không xâm phạm chủ quyền nước khác qua mỗi chuyến biển gắn với hỗ trợ và ban hành các chính sách khuyến khích phát triển thủy sản để ngư dân hưởng lợi như: ưu đãi vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67; kêu gọi doanh nghiệp đồng hành với chính quyền thu mua hải sản của ngư dân đánh bắt có nguồn gốc an toàn, không vi phạm với giá cao….
Đánh giá về tình hình tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến ngư dân trên địa bàn duyên hải miền Trung thời gian qua, Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng và chính quyền các địa phương trong khu vực đã làm khá tốt, tạo những chuyển biến và kết quả ban đầu khả quan. Đặc biệt, phần lớn bà con ngư dân đã nhận thức được và tự giác chấp hành. Điều này thể hiện việc so với trước đây thì số lượng tàu thuyền vi phạm đã ít hơn. Tuy nhiên, thời gần đây, do các nước tăng cường tuần tra trên biển nên số tàu cá của ngư dân Việt Nam bị bắt giữ cũng tăng lên trở lại. Do đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến ngư dân phải được quan tâm và triển khai thiết thực hơn./.
Kỳ 2: Những khó khăn và hạn chế trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến ngư dân