Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Bên cạnh niềm vui mỗi dịp Tết đến, xuân về thì tình trạng vi phạm trật tự, an toàn giao thông có nguy cơ diễn biến phức tạp và gia tăng.
Trong đó, đáng chú ý là các hành vi mua bán, vận chuyển, đốt pháo nổ; vi phạm quy định về quá tải trọng, đua xe trái phép và phổ biến nhất là sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông.
Vẫn biết rằng trong văn hóa người Việt, tiếng pháo đã trở thành một phần hồi ức trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Tiếng pháo một thời đã gắn với biểu tượng về một không gian Tết rộn ràng, náo nức. Nhưng cũng chính pháo nổ lại trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi về những mối hiểm họa khôn lường đối với sức khỏe, thậm chí là tính mạng của không ít người dân.
|
Vì một Tết an toàn, vui tươi. Ảnh minh họa. Nguồn: ND. |
Dù đã có quy định cấm đốt pháo nổ ngày Tết từ lâu nhưng vào mỗi dịp Tết, một bộ phận người dân vẫn “vô tư” mua, đốt pháo nổ, thậm chí tự chế pháo rồi trêu đùa ném pháo vào người đi qua đường chỉ để thoả mãn niềm vui cá nhân, giải trí trong dịp Tết dẫn đến những hậu quả khôn lường đối với chính mình và xã hội.
Bên cạnh những hệ lụy đáng tiếc trong việc sử dụng, tàng trữ, buôn bán, sản xuất pháo nổ trái phép, mỗi dip Tết về dường như cũng bớt vui hơn bởi những con số về tai nạn giao thông vẫn không thuyên giảm. Trong đó đáng nói nhất là tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia, hay đua xe trái phép.
Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông trong 3 ngày nghỉ Tết dương lịch 2022, cả nước xảy ra 64 vụ tai nạn giao thông, làm chết 38 người, bị thương 35 người. Trong đó, đường bộ là nơi xảy ra hầu hết số vụ tai nạn và thương vong; đường sắt xảy ra 1 vụ, làm 1 người chết.
Cũng theo báo cáo của Cục Cảnh sát giao thông, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán năm 2021, toàn quốc xảy ra 182 vụ tai nạn giao thông, làm chết 109 người, bị thương 123 người. Tình trạng đi xe môtô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, uống rượu bia... còn nhiều. Đây là những con số thực sự đáng báo động!
Tết sum họp, Tết đoàn viên, Tết Nguyên đán 2022 có tới tận những 9 ngày nghỉ lễ đây là thời gian để các gia đình sum họp, thăm hỏi, chúc tết người thân… nhưng “vui thôi xin đừng vui quá”, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, hơn lúc nào hết mỗi người dân cần nêu cao ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, tuân thủ các chuẩn mực đạo đức khi tham gia giao thông, bảo đảm an toàn về trật tự công cộng; hạn chế tụ tập đông người, tuân thủ chặt chẽ quy định “Đã uống rượu bia không lái xe”; thực hiện tốt nguyên tắc "5K", nhất là luôn đeo khẩu trang khi tham gia giao thông; …
Cùng với đó, người đứng đầu chính quyền, đơn vị các cấp phải nêu cao trách nhiệm không để xảy ra tình trạng đốt pháo tại đơn vị, địa phương mình quản lý, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự và an toàn tại địa phương…
Trước đó, ngày 13/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ đã Công điện số 1725/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần và lễ hội xuân 2022.
Ngày 28/1, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã công bố số điện thoại đường dây nóng về hoạt động vận tải và đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Thực hiện tốt những quy định về trật tự an toàn giao thông, là mỗi người dân đã góp phần đem lại hạnh phúc cho chính mình cũng như cho gia đình và cộng đồng, vì một Tết cổ truyền hạnh phúc, an toàn bên gia đình và người thân, xã hội./.