Vụ án AIC là một minh họa điển hình cho "lợi ích nhóm" và "nhóm lợi ích"

Thứ ba, 27/12/2022 22:30
(ĐCSVN) – Sau bốn ngày xét hỏi, phiên tòa xét xử 36 bị cáo trong vụ án tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (Công ty AIC) và các đơn vị liên quan, cho chúng ta thấy một nút thắt hết sức quan trọng. Đó là sự "câu kết giữa doanh nghiệp với các quan chức" để tạo ra “lợi ích nhóm”, “nhóm lợi ích” tiêu cực, thu lợi bất chính...
Các bị cáo nghe đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội nêu quan điểm giải quyết vụ án tại phiên tòa xét xử. 

Trong phần luận tội, đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố nêu quan điểm đánh giá toàn diện vụ án.

Viện kiểm sát nêu rõ, trong những năm qua, với quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã có những bước tiến mạnh mẽ. Việc phát hiện, xử lý các vụ án về tham nhũng, kinh tế được thực hiện triệt để, không có vùng cấm, góp phần quan trọng trong việc kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi vi phạm, tội phạm tham nhũng, kinh tế.

Những kết quả trong đấu tranh phòng chống tham nhũng đã củng cố niềm tin của nhân dân, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội. “Nhiều vụ án có quy mô, tính chất đặc biệt nghiêm trọng phức tạp bị phát hiện, nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý về hình sự, trong đó có nhiều người phạm tội có chức vụ cao. Trong số đó, có nhiều vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, chức vụ được phát hiện đã chứng minh sự cấu kết, thông đồng của các đối tượng, thể hiện “lợi ích nhóm” hay nhóm lợi ích”, Viện kiểm sát đánh giá.

Viện kiểm sát cho rằng vụ án AIC mà bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn “là một minh họa điển hình cho lợi ích nhóm và nhóm lợi ích”. Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã sử dụng các mối quan hệ cá nhân có chủ đích, bằng nhiều thủ đoạn khác nhau với những người có chức vụ, quyền hạn tại tỉnh Đồng Nai nhằm đưa hối lộ để những người này chỉ đạo cấp dưới làm trái công vụ, tao điều kiện cho Công ty AIC hưởng lợi bất chính về vật chất.

“Bởi đó là sự cấu kết, thông đồng giữa doanh nghiệp với người có thẩm quyền vì lợi ích vật chất, đã thực hiện trái quy định pháp luật. Tạo điều kiện để doanh nghiệp trục lợi, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hàng trăm tỉ đồng”, đại diện Viện kiểm sát nêu quan điểm.

Theo bản luận tội, hành vi của Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng các bị cáo trong vụ án còn xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức và các cá nhân là lãnh đạo tỉnh ủy, UBND tỉnh, sở, ban, ngành tỉnh Đồng Nai, làm một bộ phận cán bộ công chức bị thoái hóa, biến chất làm suy giảm niềm tin của Nhân dân.

Theo Viện kiểm sát, hành vi phạm tội của bị cáo đã được chứng minh bằng các tài liệu chứng cứ thu thập được và lời khai của các bị cáo khác tại phiên tòa.

Quá trình Công ty AIC tham gia và trúng thầu, từ năm 2010-2015, cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành đã 6 lần nhận tổng số tiền 14,5 tỉ đồng do Nguyễn Thị Thanh Nhàn trực tiếp đưa tại trụ sở Công ty AIC và tại Đồng Nai để tác động đến các bị cáo Thái, Thu, Vũ theo yêu cầu của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn.

Để bôi trơn dự án, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng cấp dưới còn 14 lần đưa Chủ tịch Đồng Nai Đinh Quốc Thái với tổng số tiền 14,5 tỉ đồng; đưa ông Phan Huy Anh Vũ (cựu Giám đốc Sở Y tế) 6 lần, tổng cộng 14,8 tỉ đồng.

Giá thiết bị trong các gói thầu do Công ty AIC cung cấp cho dự án đã bị nâng khống 1,3 đến 2 lần, qua đó bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn thu lợi bất chính số tiền lớn, gây thiệt hại tài sản nhà nước hơn 152 tỉ.

Theo luận tội, dù biết rõ Công ty AIC không đủ năng lực nhưng để trúng thầu tại dự án Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty AIC, đã thiết lập mối quan hệ với lãnh đạo địa phương và dùng nhiều thủ đoạn gian lận để tham gia đấu thầu và trúng 16 gói thầu tại dự án, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 152 tỉ đồng.

Đối với ông Trần Đình Thành, cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, đã giới thiệu bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn cho ông Đinh Quốc Thái, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai; Bồ Ngọc Thu, cựu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, và Phan Huy Anh Vũ, cựu Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai (cựu Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai), và một số người khác. Cáo trạng xác định hành vi giới thiệu này đã tạo điều kiện cho Công ty AIC được trúng các gói thầu.

Về phía cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái, sau khi ông Thành giới thiệu gặp bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, bà này nhiều lần gặp ông Thái nhờ tạo điều kiện cho Công ty AIC tham gia và trúng các gói thầu tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Biết bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn là chỗ quen thân với Bí thư Trần Đình Thành nên ông Đinh Quốc Thái đã tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng thầu.

Với cương vị lãnh đạo UBND tỉnh, trưởng ban xây dựng bệnh viện, ông Đinh Quốc Thái đã ký quyết định điều chỉnh dự án, phê duyệt trái quy định và tác động tới ông Phan Huy Anh Vũ để Công ty AIC trúng thầu trái quy định.

Sự liên kết móc nối của doanh nghiệp và một số quan chức, nhất là người đứng đầu địa phương đã tạo ra “lợi ích nhóm”, “nhóm lợi ích” tiêu cực khép kín. Những ngày qu,a dư luận đặc biệt quan tâm tới vụ án, bởi các lãnh đạo tỉnh nhận tiền của doanh nghiệp nhiều lần để làm trái qui định của Đảng, Nhà nước. Để doanh nghiệp tự tung tự tác, hoành hành ở một địa phương làm dư luận bức xúc, làm méo mó chính sách, gây thiệt hại lớn đến tài sản của Nhà nước và xã hội.

 Qua các vụ án tham nhũng về kinh tế được xét xử cho thấy vấn đề về “lợi ích nhóm”, “nhóm lợi ích” tiêu cực cũng đang làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín và vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tha hóa đội ngũ cán bộ, đảng viên và làm đảo lộn những chuẩn mực, giá trị đạo đức xã hội. Hiện tượng đó gây bất bình trong quần chúng nhân dân, niềm tin của nhân dân vào Đảng bị suy giảm, tạo cơ hội để các thế lực thù địch chống phá cách mạng nước ta.

Nếu không nhận diện đầy đủ, đúng đắn và có những biện pháp phòng, chống kịp thời, “lợi ích nhóm”, “nhóm lợi ích” tiêu cực sẽ trở thành nguy cơ gây bất ổn định chính trị, đe dọa sự tồn vong của Đảng, Nhà nước và chế độ. Sớm nhận rõ mặt tích cực và tiêu cực, nêu cao quyết tâm chính trị trong khuyến khích mặt tích cực, đấu tranh chống tiêu cực trong "lợi ích nhóm", "nhóm lợi ích" ở Việt Nam.

Hiện nay, "lợi ích nhóm", "nhóm lợi ích" tiêu cực hiện diện ở nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội, nhất là trong thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội. Nó được biểu hiện dưới các dạng như: Tạo quan hệ với cấp trên, cơ quan có thẩm quyền, người có chức vụ, nhất là người đứng đầu hối lộ dưới mọi hình thức để giành được kinh phí, đề tài, dự án... có lợi cho đơn vị, địa phương và cho cá nhân. Trong thực tế đã có nhiều nhà thầu, doanh nghiệp tạo quan hệ, móc nối với cơ quan, người có chức vụ quyền hạn, hứa hẹn chiết khấu phần trăm “hoa hồng” cao cho chủ đầu tư để tranh giành các dự án "béo bở" trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhằm mục đích kiếm lợi, hưởng "hoa hồng" mà không tính đến hiệu quả đầu tư, lợi ích của nhân dân, của đất nước.

Những người bị lôi kéo, móc nối hình thành “nhóm lợi ích” thường là những người có chức, có quyền, suy thoái, biến chất, thu vén cá nhân, chỉ quan tâm đến quyền lợi của bản thân. Cùng nằm trong nhóm này là một bộ phận cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất thuộc các cơ quan liên quan... khiến cho “nhóm lợi ích” trở thành vòng quay khép kín tạo vỏ bọc dày, khó bị phát hiện...

Thực trạng trên đòi hỏi cuộc đấu tranh chống tiêu cực trong “lợi ích nhóm” và “nhóm lợi ích” phải có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở và mỗi người dân, đồng thời khắc phục ngay những sơ hở, lỗ hổng về cơ chế, chính sách trong quản lý, điều hành trong đấu tranh, xử lý tiêu cực của “lợi ích nhóm”, “nhóm lợi ích” hiện nay./.

VM

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực