Xây dựng chiến lược phát triển ngành Thanh tra: Nâng cao vai trò, tính độc lập của cơ quan thanh tra

Thứ năm, 07/08/2014 17:00

(ĐCSVN) Ngày 7/8, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức Hội thảo định hướng xây dựng chiến lược phát triển ngành Thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Phát biểu khai mạc, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nêu rõ: Với sự phát triển của nền kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế, đặc biệt là trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, công tác thanh tra đã bộc lộ những hạn chế, vướng mắc cả về tổ chức và hoạt động, làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra và chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước trong tình hình mới. Để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong hoạt động thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã triển khai nghiên cứu xây dựng Chiến lược phát triển ngành thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Chiến lược sẽ xác định các định hướng lớn, mục tiêu, giải pháp thực hiện nhằm nâng cao năng lực, hiệu lực pháp lý, hiệu quả hoạt động của ngành thanh tra; từng bước xây dựng ngành thanh tra và đội ngũ cán bộ công chức chuyên nghiệp, hiện đại, uy tín, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính.

 

.                Các đại biểu tham dự Hội thảo. (Ảnh: TH)


Theo GS.TS Đào Trí Úc (Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam): Hiện nay, vẫn có sự chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động của các cơ quan  thanh tra ảnh hưởng đến hiệu quả thanh tra, do đó, cần phải làm rõ chức năng đặc trưng của Thanh tra Chính phủ. Đồng thời, cần phân biệt chức năng kiểm soát quyền lực của Thanh tra Chính phủ với thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan khác. Muốn Thanh tra Chính phủ hoạt động khách quan phải độc lập về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, nếu không rõ ràng thì rất khó phát huy hiệu quả, hiệu lực, và trong phối hợp với các cơ quan khác.

Mặt khác, GS.TS Đào Trí Úc cũng cho rằng: Hoạt động của nhà nước ta chỉ có hiệu quả khi có độ “mở” tối đa với nhu cầu xã hội, liên hệ thực tiễn, bức xúc của người dân. Hiến pháp năm 2013 đã mở tư duy mới đó là đã đề cao quyền con người, quyền công dân, coi đây là trục xoay quan trọng của Hiến pháp 2013. Do đó, định hướng phát triển của ngành thanh tra cần đề cao chức năng bảo vệ và bảo đảm quyền con người.

“Xây dựng chiến lược phát triển ngành thanh tra cần phải là thiết chế vừa tham gia đắc lực vào kiểm soát quyền lực của hoạt động hành pháp, bảo đảm cho hoạt động hành pháp hiệu quả, thống nhất; mặt khác cũng là thiết chế bảo vệ quyền con người, quyền công dân”, GS.TS Đào Trí Úc nói.

Trước tình hình phức tạp về giải quyết khiếu nại hiện nay và yêu cầu bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, TS Nguyễn Quốc Hiệp, Viện trưởng Viện Khoa học thanh tra (Thanh tra Chính phủ) cho rằng: Cùng với việc đổi mới trình tự, thủ tục khiếu nại hành chính và giải quyết khiếu nại hành chính, cần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết khiếu nại hành chính. Trong đó, cần gắn trách nhiệm giải quyết khiếu nại hành chính với trách nhiệm quản lý nhà nước; mặt khác tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, tổ chức thực hiện quyền khiếu nạo thông qua việc thiết lập trình tự, thủ tục đơn giản,công khai, minh bạch.

Chỉ ra thời gian qua, vai trò của Thanh tra Chính phủ trong phát hiện, xử lý tham nhũng với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về phòng chống tham nhũng trong phạm vi cả nước chưa được phát huy ngang tầm với nhiệm vụ, mới chỉ tập trung vào thực hiện chức năng phát hiện, xử lý của cơ quan thanh tra, một số ý kiến cho rằng, cần nghiên cứu hoàn thiện khuôn khổ thể chế, chính sách về tổ chức và hoạt động của các cơ quan thanh tra theo hướng tăng cường tính hệ thống và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan thanh tra trong phòng ngừa, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật nói chung và các hành vi tham nhũng nói riêng. Theo đó, nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền cho phép các cơ quan thanh tra nhà nước có quyền khởi tố và điều tra ban đầu các vụ việc vi phạm pháp luật được phát hiện qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Đây có thể coi là một trong những quyền quan trọng, giúp nâng cao tính trách nhiệm của các cơ quan thanh tra trong tổ chức và hoạt động của mình.

Để đạt được những mục tiêu của Chiến lược phát triển ngành thanh tra đến 2020, tầm nhìn đến 2030, các đại biểu cho rằng, Thanh tra Chính phủ cần đề ra các định hướng trong việc xây dựng và phát triển ngành thanh tra. Trong đó cần nâng cao vị trí, vai trò, thẩm quyền, tính độc lập tương đối của cơ quan thanh tra nhà nước; đổi mới phương thức hoạt động thanh tra; xây dựng cơ chế kết hợp tổ chức hoạt động thanh tra và kiểm tra Đảng; cơ chế phối hợp giữa cơ quan thanh tra và cơ quan kiểm toán nhà nước; cơ chế phối hợp giữa cơ quan thanh tra và cơ quan điều tra; mở rộng đối tượng, phạm vi hoạt động thanh tra để thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; đổi mới công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ngành Thanh tra…/.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực