Xét xử ông Trần Quí Thanh và hai con gái với cáo buộc chiếm đoạt hơn 1.048 tỷ đồng

Thứ ba, 23/04/2024 17:03
(ĐCSVN) – Sáng 23/4, TAND TP.HCM tổ chức xét xử vụ án ông Trần Quí Thanh (SN 1953, cựu Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát) và cùng hai con gái là Trần Uyên Phương (43 tuổi) và Trần Ngọc Bích (40 tuổi). Theo đó, ông Trần Quí Thanh và hai con gái bị truy tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, với số tiền lên đến hơn 1.048 tỷ đồng của 4 cá nhân. Phiên tòa do thẩm phán Huỳnh Văn Trực làm chủ tọa.

Đúng 8h sáng 23/4, bị cáo Trần Quí Thanh và con gái là Trần Uyên Phương được dẫn giải đến tòa. Bị cáo thứ 3 được tại ngoại là Trần Ngọc Bích cũng có mặt tại phòng xử ngay sau đó.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM tham gia phiên tòa theo sự phân công của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao gồm: ông Vũ Tất Ba, ông Phạm Văn Hiền và ông Mai Hoàn Đông.

 Ông Trần Quí Thanh tại tòa. (Ảnh: Anh Tú)

Trước đó, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố ông Trần Quí Thanh (cựu Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát) và hai con gái là Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích cùng về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, với số tiền lên đến hơn 1.048 tỷ đồng của 4 cá nhân.

Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, từ năm 2019 - 2020, Trần Quí Thanh, Trần Ngọc Bích, Trần Uyên Phương thông qua môi giới đã cho 4 trường hợp gồm các ông, bà: Lâm Sơn Hoàng, Nguyễn Huy Đông, Nguyễn Văn Chung và Đặng Thị Kim Oanh vay tiền với lãi suất 3%/tháng.

Cụ thể, đầu năm 2018, do gặp khó khăn về tài chính nên ông Lâm Sơn Hoàng nhờ ông Thái Quang Ngọc tìm giúp người cho vay tiền. Khoảng tháng 11/2018, ông Ngọc dẫn Nguyễn Hoàng Phú đến gặp ông Lâm Sơn Hoàng. Nguyễn Hoàng Phú giới thiệu là cháu ông Trần Qúi Thanh và hứa giúp ông Lâm Sơn Hoàng vay tiền của ông Thanh.

Cuối tháng 12/2018, Nguyễn Hoàng Phú nhiều lần đưa ông Lâm Sơn Hoàng đến trụ sở Công ty Tân Hiệp Phát gặp ông Thanh để vay tiền. Sau đó, Trần Qúi Thanh và Trần Uyên Phương đã cho ông Lâm Sơn Hoàng vay 115 tỷ đồng bằng việc ký hợp đồng giả cách chuyển nhượng 4 thửa đất tại xã Hiệp Bình Chánh, thành phố Thủ Đức, có công chứng; với lãi suất 3%/tháng; lãi suất chậm trả 4,5%, giả cách bằng các cam kết bán lại. Đến khi ông Hoàng chuẩn bị đủ tiền để trả thì phía ông Thanh lấy lý do chậm trả, không cho chuộc lại tài sản.

Theo kết luận định giá số 1895/KL-HĐ ĐGTS ngày 5/4/2022 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự TP.HCM xác định thời điểm ngày 11/11/2020 ông Hoàng mất quyền mua lại 4 thửa đất nêu trên có giá trị hơn 195,3 tỷ đồng. Do đó, số tiền ông Thanh, bà Phương chiếm đoạt của ông Hoàng là hơn 80,3 tỷ đồng.

Tương tự, tháng 1/2019, thông qua môi giới Đoàn Nguyễn Minh Hoàng, các bị can Trần Qúi Thanh và Trần Uyên Phương cho ông Nguyễn Huy Đông vay 80 tỷ cũng bằng việc ký hợp đồng giả cách chuyển nhượng có công chứng từ ông Đông cho Trần Uyên Phương 2 thửa đất tại địa chỉ 643 và 643A Kinh Dương Vương, phường An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM; với lãi suất 3%/tháng; lãi phạt chậm trả 4,5%/tháng, giả cách bằng cam kết bán lại.

Đến khi ông Đông chuẩn bị đủ 80 tỷ đồng để nhận lại 2 thửa đất, thì các bị can yêu cầu phải trả thêm 15 tỷ đồng, không cho chuộc lại tài sản. “Quá trình điều tra, các bị can Thanh, Phương không thừa nhận cho ông Đông vay tiền. Tuy nhiên, căn cứ lời khai của ông Đông, bà Đoàn Nguyễn Minh Hoàng và nội dung tin nhắn của ông Đông với bà Hoàng nên có đủ căn cứ các định Thanh, Phương đã cho ông Đông vay, khi ông Đông xin chuộc lại tài sản thì bị Thanh gây khó khăn không cho chuộc nhằm chiếm đoạt 2 thửa đất này, trị giá là hơn 118,8 tỷ đồng; số tiền chiếm đoạt là hơn 38,8 tỷ đồng” – cáo trạng nêu rõ.

Giống như ông Hoàng và ông Đông, tháng 1/2019, ông Nguyễn Văn Chung thông qua người môi giới là Nguyễn Phi Long đã đến gặp Trần Qúi Thanh và Trần Uyên Phương để vay 35 tỷ đồng cũng bằng việc ký hợp đồng giả cách chuyển nhượng có công chứng từ ông bà Lâm Hoàng cho Phương 29 thửa đất được tách từ thửa đất 452 tại phường An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM (thửa đất này anh Chung mua của ông bà Lâm Hoàng trước đó những chưa làm thủ tục sang tên); với lãi suất 3%/tháng.

Ngày 22/3/2019, sau khi ông Chung chuẩn bị đủ 35 tỷ đồng để trả nợ thì Trần Quí Thanh không cho chuộc lại tài sản và yêu cầu nộp thêm 14 tỷ đồng mới cho chuộc lại tài sản.

Ba bị can bị khởi tố (từ trái qua): Trần Quí Thanh, Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích. (Ảnh tư liệu: BCA) 

Quá trình điều tra, Thanh và Phương cho rằng không cho ông Chung vay tiền mà chỉ thực hiện mua bán các thửa đất với ông bà Lâm Hoàng. Tuy nhiên, căn cứ lời khai của ông Chung, Nguyễn Phi Long và ông bà Lâm Hoàng cùng những người liên quan, có căn cứ xác định Thanh và Phương cho ông Chung vay tiền. Sau khi ông Chung chuẩn bị tiền để chuộc lại tài sản thì gây khó khăn để không cho ông Chung chuộc lại nhằm chiếm đoạt thửa đất 452 (tách ra 29 thửa đất) của ông Chung có giá trị hơn 83,1 tỷ đồng, số tiền chiếm đoạt là hơn 48,1 tỷ đồng.

Trường hợp thứ 4 là bà Đặng Thị Kim Oanh (Chủ tịch HĐQT Công ty Kim Oanh), theo cáo trạng, tháng 11/2019, thông qua môi giới là ông Nguyễn Hoàng Phú, Trần Quí Thanh, Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích cho bà Đặng Thị Kim Oanh (Chủ tịch HĐQT Công ty Kim Oanh) vay 500 tỉ đồng bằng việc ký hợp đồng giả cách chuyển nhượng cổ phần Công ty Minh Thành (350 tỷ), thỏa thuận hứa chuyển nhượng dự án Nhơn Thành (150 tỷ) cho Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích và phía Công ty TCS (Công ty thuộc Tập đoàn Tân Hiệp Phát) với lãi suất 3%/tháng; lãi phạt chậm trả 4,5%/tháng che đậy bằng các cam kết bán lại.

Đến khi phía bà Kim Oanh chuẩn bị đủ số tiền 500 tỷ đồng thì phía Thanh đưa ra các lý do vi phạm các điều khoản trong hợp đồng nên mất quyền mua lại; không cho chuộc lại tài sản. Cáo trạng xác định, giá trị chiếm đoạt dự án Minh Thành và Nhơn Thành của Thanh, Phương, Bích là hơn 880 tỷ đồng.

Như vậy, tổng giá trị chiếm đoạt của các bị can Thanh, Phương, Bích đối với các tài sản của các ông bà: Lâm Sơn Hoàng, Nguyễn Huy Đông, Nguyễn Văn Chung, Đặng Thị Kim Oanh là hơn 1.048 tỷ đồng. Trong vụ án này, bị can Thanh là người phải chịu trách nhiệm chính, tiếp theo là bị can Phương và Bích. 

Đối với các ông bà: Nguyễn Hoàng Phú, Đoàn Nguyễn Minh Hoàng, Nguyễn Phi Long là các cá nhân “môi giới” để 4 ông bà nêu trên vay tiền của Trần Quí Thanh và được hưởng tiền môi giới theo thỏa thuận số tiền vay. Cụ thể, Long hưởng 700 triệu đồng; Hoàng hưởng 2,5 tỷ đồng; Phú hưởng 23,65 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi môi giới, cả 3 không biết mục đích của Trần Quí Thanh và đồng phạm đưa ra các lý do để chiếm đoạt tài sản và không có hành vi giúp Thanh và đồng phạm chiếm đoạt tài sản nên không có căn cứ xử lý về hình sự.

Theo kế hoạch, phiên tòa dự kiến sẽ kéo dài từ hôm nay đến ngày 25/4./.

TL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực