Các Luật được công bố gồm: Luật An toàn thông tin mạng; Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Luật Thống kê; Luật Khí tượng thủy văn; Bộ luật Hàng hải Việt Nam; Luật Kế toán; Luật Phí và lệ phí; Luật Trưng cầu ý dân; Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng; Bộ luật Dân sự; Bộ luật Hình sự; Bộ luật Tố tụng dân sự; Luật Tố tụng hành chính; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Bộ luật Tố tụng hình sự. Một số điểm nổi bật của các luật này như sau:
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật vừa xuất bản 16 cuốn sách giới thiệu những bộ Luật vừa được thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII
Luật Khí tượng thủy văn có hiệu lực từ ngày 01/7/2016 và thay thế Pháp lệnh bảo vệ công trình khí tượng thủy văn năm 1994. Luật quy định về hoạt động khí tượng thủy văn, gồm: quản lý, khai thác mạng lưới trạm, dự báo, cảnh báo; thông tin, dữ liệu phục vụ, dịch vụ khí tượng thủy văn; giám sát biến đổi khí hậu; tác động vào thời tiết; quản lý nhà nước và quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khí tượng thủy văn.
Lần đầu tiên trong lịch sử hơn 100 năm xây dựng và phát triển, toàn bộ hoạt động khí tượng thủy văn trên lãnh thổ Việt Nam đã được điều chỉnh bằng Luật. Luật sẽ tạo ra bước thay đổi quan trọng cho công tác quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn; bảo đảm điều kiện cho hoạt động khí tượng thủy văn phát triển, cung cấp và sử dụng thông tin khí tượng thủy văn trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội có hiệu quả. Đặc biệt, Luật Khí tượng thủy văn năm 2015 tạo ra hành lang pháp lý cho hoạt động khí tượng thủy văn bảo đảm công tác phục vụ phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu…
Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng: quy định về quân nhân chuyên nghiệp (QNCN), công nhân và viên chức quốc phòng; quyền, nghĩa vụ, chế độ phục vụ, chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Luật cũng quy định rất rõ về hạn tuổi phục vụ của QNCN và công nhân, viên chức quốc phòng. Theo đó, hạn tuổi cao nhất phục vụ tại ngũ theo cấp bậc hàm là: Cấp úy QNCN: nam 52 tuổi, nữ 52 tuổi; Thiếu tá QNCN, Trung tá QNCN: nam 54 tuổi, nữ 54 tuổi; Thượng tá QNCN: nam 56 tuổi, nữ 55 tuổi. Quân nhân chuyên nghiệp có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ cao, có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khỏe và tự nguyện, nếu quân đội có nhu cầu thì được xem xét kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ không quá 05 năm. Riêng chức danh chiến đấu viên để bảo đảm đủ sức khỏe hoàn thành nhiệm vụ, Luật quy định hạn tuổi cao nhất phục vụ tại ngũ là đủ 40 tuổi, khi hết hạn tuổi phục vụ thì được ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng và được bố trí đảm nhiệm chức danh khác phù hợp với yêu cầu của quân đội hoặc được chuyển ngành. Trường hợp quân đội không thể tiếp tục bố trí sử dụng và không thể chuyển ngành được nếu có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, trong đó có đủ 15 năm là chiến đấu viên thì được nghỉ hưu.
Luật quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng năm 2015 có hiệu lực từ ngày 01/7/2016.
Luật Trưng cầu ý dân: Luật gồm 8 chương, 52 điều quy định về việc trưng cầu ý dân; nguyên tắc trưng cầu ý dân; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức trong trưng cầu ý dân; trình tự, thủ tục giải quyết việc trưng cầu ý dân và tổ chức trưng cầu ý dân; kết quả và hiệu lực của kết quả trưng cầu ý dân. Luật quy định cử tri trong trưng cầu ý dân cơ bản thống nhất như cử tri trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Cụ thể là: “Công dân nước CHXHCN Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên tính đến ngày trưng cầu ý dân có quyền bỏ phiếu để biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 25 của Luật này” (Điều 5).
Phạm vi tổ chức trưng cầu ý dân: “Trưng cầu ý dân được thực hiện trong phạm vi cả nước” (Điều 7). Điều này phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân của Quốc hội. Đồng thời, những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân là những vấn đề quan trọng của đất nước đưa ra để toàn dân quyết định.
Luật Trưng cầu ý dân quy định cơ quan giám sát việc tổ chức trưng cầu ý dân gồm: Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc tổ chức trưng cầu ý dân.
Luật Trưng cầu ý dân 2015 quy định, các vấn đề sau đây được trưng cầu ý dân (Điều 6): Toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp. Vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của quốc gia. Vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước. Vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước.
Người nào cản trở hoặc trả thù người khiếu nại, tố cáo về trưng cầu ý dân thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự (khoản 2 Điều 50).
Luật Trưng cầu ý dân năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016.
Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự: Luật gồm 10 chương, 73 điều với những nội dung cơ bản: Những quy định chung; Tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra của CAND, Quân đội nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra như Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, kiểm ngư, các cơ quan của CAND, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; Quan hệ phân công và phối hợp trong hoạt động điều tra hình sự; Quy định liên quan đến thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra, điều tra viên và cán bộ điều tra; Quy định về chế độ chính sách với người làm công tác điều tra hình sự, bảo đảm biên chế, đào tạo bồi dưỡng trong công tác điều tra hình sự; Trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác điều tra hình sự; Điều khoản thi hành. Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự được ban hành sẽ tạo cơ sở pháp lý toàn diện, đồng bộ, cụ thể và nâng cao hiệu quả của hoạt động điều tra hình sự trong tình hình mới.
Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016 thay thế Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2006, 2009.
Bộ luật Hình sự: Bộ luật Hình sự năm 2015 có tính minh bạch, khả thi và tính dự báo cao nhằm phát huy hơn nữa vai trò của Bộ luật hình sự với tư cách là công cụ pháp lý sắc bén, hữu hiệu trong đấu tranh phòng, chống tội phạm trong điều kiện mới; góp phần bảo vệ chế độ, quyền con người, quyền công dân, đấu tranh chống tham nhũng hiệu quả, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường xã hội và môi trường sinh thái an toàn, lành mạnh cho mọi người dân, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của nước ta.
Bộ luật Hình sự năm 2015 gồm 26 chương với 426 điều, chia làm 3 phần. So với Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009, Bộ luật Hình sự năm 2015 bổ sung mới 02 chương ở phần những quy định chung. Bộ luật Hình sự năm 2015 được xác định là sửa đổi cơ bản và toàn diện, theo đó, trong tổng số 426 điều, có 72 điều mới được bổ sung, 362 điều được sửa đổi, 17 điều giữ nguyên, 07 điều bị bác bỏ.
Những điểm mới cơ bản của Bộ luật Hình sự năm 2015:
1. Bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phạm các tội trong lĩnh vực kinh tế, môi trường.
2. Bác bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội phạm, đồng thời mở rộng đối tượng không bị áp dụng hình phạt tử hình và không thi hành án tử hình.
3. Hoàn thiện chính sách xử lý đối với người dưới 18 tuổi.
4. Thay thế Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng bằng các tội danh cụ thể trong lĩnh vực quản lý kinh tế.
5. Những nội dung sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.
6. Nội luật hóa các quy định có liên quan của điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên.
Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực từ ngày 01/7/2016 thay thế Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009.
Luật Kế toán: gồm 6 chương, 74 điều quy định về nội dung công tác kế toán, tổ chức bộ máy kế toán, người làm kế toán, hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán, quản lý nhà nước về kế toán và tổ chức nghề nghiệp về kế toán.
Đáp ứng yêu cầu hội nhập về tài chính, kế toán, Luật Kế toán năm 2015 có nhiều quy định mới về nguyên tắc hạch toán, chuẩn mực kế toán, báo cáo tài chính nhà nước, kiểm soát nội bộ và kiểm tra kế toán, hành nghề dịch vụ kế toán.
Một số điểm mới cụ thể:
1. Bổ sung 4 hành vi bị cấm.
2. Công khai, minh bạch thông tin về tài chính nhà nước.
3. Cụ thể hóa điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán.
Luật kế toán năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017, thay thế cho Luật kế toán năm 2003.